Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam FPT. Ảnh: Kim Long |
ICTnews - "Vác những bao phân trên vai và nước phân chảy ròng ròng từ trên vai xuống..." Có mấy ai biết một trong những người giàu nhất Việt Nam từng trải qua một thời như thế.
Hơn một giờ trò chuyện với Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc FPT Trương Gia Bình, thấy bên cạnh chân dung một nhà doanh nghiệp đầy hoài bão và khát vọng còn là hình ảnh một con người với những góc nhìn thẳng thắn và nhân văn...
“Tôi rất ít khi nhìn về quá khứ...”
Tính đến ngày 13/9/2008, FPT sẽ tròn tuổi 20. Ông có hài lòng với những gì mình và công ty đã đạt được cho đến ngày hôm nay?
Nói về hài lòng thì tôi rất ít khi nhìn về quá khứ mà luôn luôn nghĩ tới và ám ảnh bởi tương lai.
"Thời lượng công việc rất lớn của tôi là thuyết phục mọi người chấp nhận thay đổi" |
Đa phần là phản đối và cho đến bây giờ phản đối vẫn là nhiều.
Cái vất vả nhất của người lãnh đạo là thuyết phục. Thời lượng công việc rất lớn của tôi là thuyết phục mọi người chấp nhận thay đổi. Nói ví dụ như chuyện xuất khẩu phần mềm, nói chung là mọi người không tin và nghĩ đó là mất công, mất tiền, mất thời gian. Lúc đó, mình phải thuyết phục, bảo là thà chúng ta làm những việc lớn có thể thất bại chăng nữa nhưng mà nó có đóng góp cho công ty và có thể nhiều hơn nữa là khẳng định rằng Việt Nam làm được phần mềm.
Có những người, vì những ý kiến phản đối không được chấp thuận, đã rũ áo ra đi. Đâu là trường hợp ông thấy đáng tiếc nhất?
Có những trường hợp ra đi không trở lại. Tôi rất tiếc anh Lê Vũ Kỳ, sau này là Phó tổng giám đốc Ngân hàng ACB và anh Nguyễn Trung Hà, bây giờ anh làm rất nhiều công ty như ToGi, Liên Việt... tôi đã thất bại trong việc thuyết phục họ. Ví dụ như anh Hà nghĩ rằng không nên làm một tập đoàn to mà hãy làm nhiều công ty nhỏ. Tôi đã không thuyết phục nổi anh ấy là trong một hệ thống lớn vẫn có thể giữ được sự năng động và được quản trị tốt.
Họ ra đi, tôi rất tiếc và cho đó là một mất mát lớn đối với FPT. Vì đó là những con người rất có trí tuệ và có tâm. Sau này chúng tôi chỉ là những người bạn mà thôi.
Chúng tôi coi những nhân viên cùng làm việc với mình là tài sản lớn nhất. Chúng tôi thường chia sẻ, tâm sự ý nghĩ của mình với họ và đặt mình vào vị trí của người đó để nghĩ là nên làm thế nào. Và câu mà chúng tôi hay hỏi là: “Hãy nói anh có thể làm được gì cho em?” Nhưng sau khi họ quyết định ra đi thì bao giờ chúng tôi cũng chúc họ thành công với sự lựa chọn của mình và bất kể lúc nào cổng đều mở để đón họ quay trở lại.
Ông Trương Gia Bình Sinh ngày 19/05/1956, tại Nghệ An (quê nội của ông ở xã Điện Phong, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Từ năm 1970 - 1973, ông học phổ thông chuyên Toán tại trường Chu Văn An (Hà Nội). Từ năm 1974 – 1979, ông là sinh viên Khoa Toán - Cơ, Trường ĐH Tổng hợp Quốc gia Matxcơva Lômônôxôp và tốt nghiệp bằng ưu. Từ năm 1979 – 1982, ông chuyển tiếp sinh tại trường trên và bảo vệ luận án Phó tiến sỹ Toán - Lý năm 1982. Năm 1982, ông Trương Gia Bình vào biên chế Viện Cơ học, Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện KH&CN Việt Nam). Từ năm 1983 – 1985, ông là nghiên cứu viên cao cấp thuộc Viện Toán học Steclov, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Từ năm 1988 đến nay, Trương Gia Bình là Tổng Giám đốc Công ty Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT. Từ năm 1995 đến nay, ông là Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh (HSB) thuộc ĐHQG Hà Nội. Từ năm 1998 – 2006, ông Bình là Chủ tịch Hội đồng các Nhà DN trẻ Việt Nam. Ông cũng là Chủ tịch Hiệp hội DN Phần mềm Việt Nam (VINASA) từ ngày 26/04/2002. |
Giá trị đầu tiên là Đồng đội. Đồng đội là chia ngọt sẻ bùi, là phải tin cậy lẫn nhau, là khi tôi xông lên chiến trường thì tất cả đều phải bảo vệ, yểm trợ cho tôi tấn công. Đồng đội là đối xử với nhau hết sức chân thành, tình nghĩa. Đồng đội là chia sẻ và thành công là thành công chung.
Một giá trị nữa là Dân chủ. Thực sự chẳng có ai có thể đúng hết mọi việc, chẳng có ai có thể nghĩ ra mọi sáng kiến, chẳng có ai có thể một mình làm được việc lớn. Vì thế dân chủ là phát huy tính sáng tạo, trí tuệ của tất cả mọi người, và mình dũng cảm khi có cái gì sai thì sửa. Chúng tôi nghĩ rằng sai là hiển nhiên, đúng hết mới là chuyện lạ. Và chúng tôi cũng phát hiện được rằng bộ phận nào phát huy được tính dân chủ thì bộ phận đó rất mạnh và phát triển rất bền vững, ví dụ như FPT Software.
Giá trị thứ 3 là Trọng hiền tài, vì một đội quân lớn không thể thiếu khung xương người lãnh đạo, mà người lãnh đạo đó phải có tâm, có tầm, thực sự được mọi người tin yêu.
Còn nữa là rất nhiều người giỏi thường khá lập dị, họ có những ý tưởng sáng tạo thì phải hiểu họ, chăm sóc cho họ, lớn hơn nữa là phải cho họ được tự do trong tư duy của mình và phải có lòng bao dung. Sai đúng không quan trọng, mà phải thử nghiệm. Sai thì ta làm lại, biết đâu nó lại đúng.
Thứ tư là Sáng tạo. Ai mà cầm giấy đọc ở FPT thì chúng tôi sẽ không nghe, bởi không nghĩ được rằng họ sẽ sáng tạo được gì. Chúng tôi không muốn làm việc gì mà lần này lại giống lần trước, phải liên tục đổi mới, liên tục sáng tạo. Tôi nghĩ đây là điều rất quan trọng đối với một môi trường đang thay đổi rất nhanh. Một công ty về công nghệ cần phải nuôi dưỡng thường xuyên khả năng học và khả năng sáng tạo, cho nên học trong FPT vô cùng được tôn trọng. Chúng tôi hàng năm tổ chức các cuộc thi, chọn ra người được gọi là trạng nguyên để khuyến khích tinh thần học.
Và cuối cùng là Trong sáng. Trong sáng trong mọi hành vi ý nghĩ của mình, để hướng tới cái Thiện, cái Mĩ. Đó là hệ thống giá trị mà FPT bảo vệ và phát triển trong suốt một giai đoạn dài qua.
“Một tầm nhìn mới về tương lai...”
Khởi đầu bằng một cái tên chẳng liên quan gì đến CNTT (FPT là tên viết tắt tiếng Anh của “Công ty Công nghệ Chế biến Thực phẩm”), sau 20 năm trở thành một công ty CNTT hàng đầu Việt Nam, giờ đây lãnh đạo FPT lại đang muốn thoát ly dần ra khỏi CNTT với Chiến lược 2.0. Phải chăng “chiếc áo” CNTT đã chật?
Không thể nói “chiếc áo” CNTT đã chật, bởi CNTT-VT là một khoảng trời mênh mông và tầm quan trọng của nó ngày càng to lớn.
Chiến lược mà FPT đưa ra dựa trên các điểm trọng tâm của công ty chính là công dân điện tử (e-citizen), tức là ai mà dùng ĐTDĐ, dùng Internet thì thực sự họ đã là công dân điện tử (CDĐT) và về bản chất họ đã là công dân toàn cầu trong một thế giới phẳng. Họ có thể có những thông tin đầy đủ nhất, có những kiến thức ở bất cứ một lĩnh vực nào một cách tiện lợi nhất. Ví dụ nếu chúng ta muốn tìm hiểu một khái niệm nào, một tri thức gì mà loài người đang tập trung xử lý giải quyết thì chúng ta vào wikipedia (bách khoa toàn thư mở) và có thể tìm thấy hầu hết những thông tin có liên quan, thư viện điện tử giúp ta có thể tiếp cận tới mọi nguồn sách vở cần thiết. Tri thức được tích tụ một cách rất nhanh chóng, trong mọi lĩnh vực và nó đang đẻ ra một nền kinh tế mới mà người ta gọi là nền kinh tế wikinomic, là mỗi người đều có thể tạo ra các giá trị mà chỉ cần tiếp xúc qua mạng.
Để phục vụ chất lượng một cuộc sống mới của các CDĐT, chiến lược của FPT (chiến lược 2.0) là cung cấp một hệ thống tổng thể, nhất quán và dựa trên một nền tảng cốt lõi của CNTT. Chúng tôi đang có một tầm nhìn mới về tương lai, về sức mạnh, tiềm năng phát triển của đất nước trong một thế giới phẳng chứ không hẳn là vì chúng tôi nghĩ rằng bây giờ đang có một cơ hội này, cơ hội khác mà chúng tôi đuổi bám theo.
Tôi không biết là cái gì sẽ xảy ra nhưng tôi tin tưởng sâu sắc rằng Việt Nam sẽ hoàn toàn khác nếu chúng ta cố gắng nỗ lực và chia sẻ được chiến lược CDĐT. Năm 1999-2000 chúng tôi nói về phần mềm và ban đầu chẳng mấy ai chia sẻ với chúng tôi cả. Nhưng bây giờ rất nhiều công ty đang xuất khẩu phần mềm. Tôi nghĩ bắt đầu từ năm 2008, CDĐT sẽ là một chiến lược mới của FPT, và cũng sẽ là một sự chấp nhận mới. Tầm quan trọng của CNTT sẽ đưa đến cho mỗi người một cơ hội bình đẳng với tất cả những người khác.
“Làm từ thiện, hãy làm ngay, càng sớm càng tốt...”
Bất kể anh là người giàu có hay nghèo khó, việc giúp người làm lúc nào cũng được và nên bắt đầu ngay từ ngày hôm nay. Mình có gì thì mình giúp nấy. |
Đúng là hiện tại tôi đang nhờ các cộng sự của mình điều hành và quản lý công ty, để trả cho tôi tạm một thời gian về với không gian nghiên cứu và không gian sáng tạo, để tôi tập trung tất cả tâm sức và trí lực của mình cùng với các nhà nghiên cứu, các bạn trẻ phát triển Chiến lược 2.0.
Chẳng qua trong không gian sáng tạo đó thì ăn mặc (bụi), hành xử như vậy, rất tự do, có thể làm việc thâu đêm suốt sáng, và có thể đi chơi cả ngày. Và ý tưởng sáng tạo nó đến trong một khoảnh khắc thôi, thì phải chờ cho nó đến bằng cách chơi bời, giao tiếp, gặp gỡ. Tôi muốn nhóm nghiên cứu công nghệ nền tảng của FPT có một không gian như vậy, làm việc như vậy. Điều này tôi cũng học của Google. Ở trong văn phòng Google tôi thấy chó, trẻ con chạy lung tung. Phòng của lãnh đạo mở toang hoác. Rồi các cha đẻ của ngành trí tuệ nhân tạo thì ngồi, làm việc trên những chiếc ghế mát-xa, vẽ graffiti đầy trên tường... Tôi hiểu ngay đó là không gian đại học, vì tất cả những đại học sáng tạo, đại học nghiên cứu công nghệ đỉnh cao họ đều tạo môi trường như vậy. Nếu không có những môi trường đó thì sẽ không có những ý tưởng sáng tạo, những phát minh.
Có những người giàu, rất giàu như Bill Gates thường dành một phần lớn tài sản của mình để làm các hoạt động từ thiện. Còn ông, người đã từng lọt vào Top Ten những người giàu nhất Việt Nam, đang và sẽ dành tài sản của mình vào việc gì?
Làm từ thiện là một việc làm cần hết sức tâm huyết. Làm ra tiền đã khó, mà tiêu những đồng tiền đó, cho dù là vào mục đích từ thiện cũng là việc không dễ. Quản trị hoạt động từ thiện cho hiệu quả cũng đang là một thách thức đối với cả thế giới. Hiện nay, thực tế thế giới là nếu bỏ ra 10 đồng từ thiện thì trung bình có 6,5 đồng đến được với người cần giúp đỡ đã là thành công.
Bên cạnh đó, thông thường khi một người đã hoàn tất công việc của mình thì người ta chuyển sang làm từ thiện. Ở đây có điều bất hợp lý là việc khó hơn thì mình lại làm vào cuối đời.
Tôi nghĩ lời giải cho việc làm từ thiện phải như thế này: Hãy làm ngay, càng sớm càng tốt. Bất kể anh là người giàu có hay nghèo khó, việc giúp người làm lúc nào cũng được và nên bắt đầu ngay từ ngày hôm nay. Mình có gì thì mình giúp nấy. Thậm chí chỉ có chia sẻ nỗi đau của người khác cũng là một việc nên làm.
Chúng tôi đang làm thủ tục xin thành lập Quỹ FPT (FPT Foundation), với mong muốn chúng ta hãy cùng chung sức, giúp cho những mảnh đời khốn khó. Chúng tôi muốn giúp xây dựng nhiều trường học, nhiều bệnh xá, nhiều thư viện... Chúng tôi muốn giúp cả những tài năng về âm nhạc, nghệ thuật, những tài năng toán học, tin học. Chúng tôi muốn giúp bảo tồn những di sản văn hóa Việt Nam như ca trù, những thứ mà không giữ thì sẽ mất. Đó là mong muốn, khát vọng không thua kém gì phát triển công nghệ. Dự kiến trong năm 2008 chúng tôi sẽ bắt đầu triển khai các hoạt động này.
“Cân bằng để rồi lại có đam mê”
Tôi không rõ bận rộn như ông thì dành thời gian cho gia đình vào lúc nào và như thế nào?
Cũng nhiều khi tôi tự hỏi tại sao mình lại làm việc nhiều, đặc biệt là so sánh với cấp phó của mình (cười to). Nhưng rồi tôi hiểu rằng làm việc, sáng tạo, học hỏi cái mới là đam mê của chính mình. Mình thích mình làm, còn kêu ai.
Nhưng rồi tôi cũng ngộ ra rằng mình làm như thế là làm hỏng nhiều phần cuộc đời của chính mình. Không có việc gì mà không đòi hỏi tận tâm, tận lực, kể cả cho gia đình, con cái hay sức khỏe. Bây giờ, khi giác ngộ ra được điều đó thì mình phải cân bằng thời gian, tìm những niềm vui mới ở trong những việc vô cùng quan trọng của cuộc đời, như là gia đình, là con cái, thể thao... Mình chỉ cần cân bằng một tí thôi thì đam mê nó lại nổi lên.
Ông sẽ định hướng các con ông theo nghiệp kinh doanh?
Tôi thương con gái tôi vô cùng. Nên đối với con gái tôi thực sự chỉ mong cho nó có được một người chồng đáng tin cậy và sinh con đẻ cái. Đó là điều mong muốn lớn nhất của tôi, không có gì hơn cả. Vừa rồi tôi vô cùng sung sướng khi con gái lấy chồng.
Vì tôi nghĩ rằng cuộc đời mình có rất nhiều may mắn và cơ duyên của ông bà cho lại, cho nên mình được trải nghiệm quá nhiều. T
ôi đã từng lao động, vác những bao phân trên vai và nước phân chảy ròng ròng từ vai xuống, rồi tay bẩn như vậy cầm điếu thuốc hút, hút được một nửa phải tắt đi vì nó dính đầy phân rồi. Tôi cũng đã từng chui vào những chỗ lao động mà suốt từ sáng đến trưa hít toàn bụi xi măng và thở ra thì cũng toàn bụi xi măng trong mũi và không biết nó vào phổi thế nào.
Đói biết, rét cũng biết và cái chết cũng biết (vì chiến tranh), đến Đổi Mới, tạo dựng một nền kinh tế thị trường mình cũng tham dự, công việc nghiên cứu khoa học cũng có, làm kinh doanh cũng có, giảng dạy cũng có, cũng biết chút ít nghệ thuật, cho nên đúng là sung sướng. Nhưng tôi cũng biết được cái giá phải trả của nó. Nên tôi thương con gái lắm, cuộc đời nó cũng sóng gió, vất vả. Tôi chưa có con trai nên cũng chẳng làm gì được. Nếu mà tôi có con trai thì tôi cũng muốn nó sống một cuộc đời sóng gió, đầy những thách thức và mạo hiểm như cha nó.
Nếu có một vị trí hấp dẫn trong lĩnh vực chính trị, liệu ông có từ bỏ FPT, từ bỏ kinh doanh để bước sang một lĩnh vực mới, với những thách thức và cơ hội mới?
Chắc chắn là không. Mỗi người đều có thân phận của mình cả. Tôi nghĩ là được làm ở FPT, được tham gia xây dựng CNTT-VT của đất nước đã là chuyện lớn, vượt ngoài mong đợi của mình rồi, mà mình đã làm được bao nhiêu đâu, còn bao nhiêu việc phải làm.
Việc nước là việc của mọi người, ai cũng có thể góp công, góp sức vào giúp nước. Cách yêu nước có thể được thể hiện ở bất cứ cương vị nào, miễn là anh có lòng với đất nước.
Xin cảm ơn ông!
Kim Long
Thực hiện
- Bài viết đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số Chào Xuân Mậu Tý 2008