- Không nặng bằng cấp, thước đo cho người lao động ở kỷ nguyên số là sự đánh giá của doanh nghiệp, các diễn giả tham dự bàn tròn trực tuyến về vấn đề này đều chung nhận định như vậy.

Xem đầy đủ bàn tròn tại đây:


Nhân Hội nghị Quan chức cấp cao APEC lần thứ 2 (SOM 2) vừa diễn ra tại Hà Nội, báo VietNamNet phối hợp với báo Thế giới và Việt Nam thực hiện
bàn tròn trực tuyến với chủ đề “Nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số: Thách thức ở Việt Nam” nhằm mang đến một cái nhìn đa chiều về vấn đề này. Đây cũng chính là một chủ đề lớn Đối thoại chính sách cấp cao trong khuôn khổ SOM 2.

Chương trình có sự tham dự của 4 vị khách mời.

- Ông Vũ Khoan, Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ

- TS Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, Bộ LĐTB&XH

- PGS. TS. Huỳnh Quyết Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

- Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch Công ty Phần mềm FPT (FPT Software)

Chúng tôi mời quý bạn đọc theo dõi đoạn lược trích phần 1 của bàn tròn tại video sau:

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông Đào Quang Vinh, có những con số nào nói lên những thách thức cơ bản của Việt Nam sẽ gia tăng trong kỷ nguyên số đối với vấn đề về nguồn nhân lực?

TS Đào Quang Vinh: Những nghiên cứu gần đây của chúng tôi cho thấy rằng đã có một khoảng cách rất lớn giữa nhu cầu về kỹ năng và khả năng đáp ứng.

Nó thể hiện rõ ở tình hình thất nghiệp của cuối năm ngoái đã lên đến hơn 200 người, đó là những người có trình độ đại học trở lên nhưng không tìm được việc làm.

Nhu cầu về tuyển dụng và nhân lực ngành IT từ năm 2012 đến năm 2015 đã tăng gấp 2 lần. Một số dự báo gần đây cho rằng đến năm 2020, nhu cầu tuyển dụng ngành IT của Việt Nam lên đến 80.000 người trong khi đó, các cơ sở đào tạo trong nước chỉ có thể đào tạo được khoảng 30.000 người. Tức là, hiện nay chúng ta có khoảng cách khá xa giữa khả năng đào tạo của các cơ sở với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.

Trên thế giới, một số nghiên cứu gần đây còn cho thấy rằng trong bối cảnh của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4) với việc gia tăng áp dụng các công nghệ mới thì nhu cầu về loại nhân lực trong nghề phân tích số liệu tăng lên nhất nhanh.

Ví dụ như ở Malaysia trong vòng từ nay đến 2020, nhu cầu về phân tích số liệu sẽ tăng lên gấp 4 lần, ở Philippines tăng lên khoảng 2 lần, ở Singapore tăng lên từ 9.000 lên khoảng 15.000 người, ở Mỹ tăng khoảng từ 2.400.000 người lên khoảng 2.700.000 người.

{keywords}
TS Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và xã hội, Bộ LĐ-BT&XH (ảnh: Lê Anh Dũng)

Còn ở Việt Nam, một số nghiên cứu hiện nay cũng đã cho rằng số lượng cán bộ phân tích số liệu có thể tăng lên hàng chục nghìn. Thế nhưng, các cơ sở đào tạo của chúng ta lại chưa sẵn sàng để đáp ứng các con số này.

Đó là chưa nói đến những nguồn nhân lực kỹ thuật bậc trung để phục vụ cho các doanh nghiệp, vì hiện nay việc áp dụng công nghệ mới ở các cơ sở sản xuất kinh doanh đang đi vào rất nhanh. Việc ứng dụng công nghệ mà ta mới nhắc đến năm ngoái năm kia khi chúng ta nói đến CMCN 4, thì từ năm nay, chúng tôi thấy đã có những chuyển biến rất đột phá. Mếu thị trường lao động không sẵn sàng, chúng ta sẽ rất khó khăn trong việc cung ứng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp.

Ông Hoàng Nam Tiến: Mọi người hay nói rằng, trong thời đại này, người máy sẽ thay con người, điều đó là đúng. Rất nhiều công việc như 2.500.000 công nhân trong ngành may sẽ đối diện với khả năng mất việc làm trong vài năm tới.

Thế nhưng phía chúng tôi lại ngược lại, chúng tôi cần hàng nghìn, hàng chục nghìn nhân viên. Ở thời đại này, công ty chúng tôi cần các bạn biết về điện toán đám mây, điện toán di động, trí tuệ nhân tạo, Internet of Things, v.v... Trong vòng 3 tháng tới khi sinh viên ra trường, FPT software cần tuyển 2.500 người và tôi sợ rằng sẽ không có đủ số đấy để tuyển.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông Huỳnh Quyết Thắng, là đại diện từ Đại học Bách khoa Hà Nội, ông suy nghĩ thế nào về con số mà ông Tiến vừa chia sẻ là công ty cần đến hơn 2.500 người lao động?

{keywords}
Nhân lực trình độ cao luôn là vấn đề đau đầu của các doanh nghiệp (ảnh: Phạm Huyền)

TS Huỳnh Quyết Thắng: Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tuyển sinh ở trường Đại học Bách Khoa Hà Nội hiện nay và ở Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông một năm khoảng 800 sinh viên, trong lĩnh vực điện tử viễn thông cũng khoảng 700 sinh viên. Trong khi đó, chỉ tiêu của Nhà nước giao là khoảng 1.500 người. Trách nhiệm của nhà trường là sẽ cố gắng đào tạo tất cả các em đó, có tri thức, có kỹ năng mềm để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tôi nghĩ, chúng ta cần phải có dự báo chính xác hơn nhu cầu nhân lực các ngành để phân bổ chi tiêu cho hợp lý. Đây là công việc ở tầm vĩ mô. Nhưng trong khuôn khổ của nhà trường, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành trách nhiệm của mình.

Nhà báo Phạm Huyền: Tôi có môt băn khoăn muốn chia sẻ cùng ông Hoàng Nam Tiến, người ta thường nói có nhiều lao động trong lĩnh vực giản đơn sau này sẽ phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp vì robot, vì những ứng dụng thông minh đang hoàn toàn thay thế con người. Vậy ông có nghĩ trong tương lai gần, lao động của Việt Nam sẽ không đáp ứng được, có thể thất nghiệp vì sự lên ngôi của CMCN 4.0 hay không? Từ góc độ doanh nghiệp ông có sáng kiến gì để giải quyết được bài toán này?

{keywords}
Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch Công ty phần mềm FPT (FPT Software)


{keywords}
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan và ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch Công ty FPT Sofware (ảnh: Lê Anh Dũng)

Ông Hoàng Nam Tiến: Đúng là CMCN 4 mới được nhắc đến ở Việt Nam nhưng thực ra ở các nước đã đi một quãng đường tương đối dài.

Những từ thuật ngữ như “dark factory” tức là nhà máy không có ánh đèn bởi vì nhà máy toàn robot nên không cần đèn nữa. Vừa rồi công ty Foxconn, một trong những công ty láp ráp cho Apple, đã đưa vào 60.000 robot có thể thay thế cả triệu lao động. Những chuyện đó đã xảy ra, thế thì chúng ta làm gì?

Khi chúng tôi quay về vấn đề này thì vẫn gặp câu chuyện cũ, là làm thế nào để có những lao động phù hợp với môi trường quốc tế, ở đây tôi muốn nói tới những môi trường tiên tiến nhất thế giới, ví dụ như Mỹ, Nhật và châu Âu.

Bởi vậy, chúng tôi đề xuất một số phương pháp và hiện nay đang thực hiện: Chúng tôi thử nghiệm học nhanh và ra đi làm. Cụ thể là, chúng tôi vẫn có đào tạo đại học nhưng đổi quy trình, làm sao các sinh viên học 2 năm là có thể ra đi làm.

Chúng tôi khẳng định chương trình đào tạo hiện nay là sau 2 năm, các bạn sinh viên có thể đi làm được, tất nhiên sẽ kèm theo một loạt điều kiện khác. Sau khi đi làm, các em sẽ có cân nhắc giữa đi làm luôn và không tốt nghiệp đại học nữa, hoặc quay lại trường đại học để học thêm hai năm nữa để lấy bằng đại học.

Ở đây quan điểm của các doanh nghiệp và tôi nghĩ kể cả các cơ quan nhà nước rất quan trọng là không cần bằng cấp. Bạn làm được việc là được, không cần bằng cấp. Nhưng điều này là rất khó vì nó trái với những gì chúng ta vẫn suy nghĩ, những truyền thống về học hành ở nước ta: đã học là phải có bằng cấp!

Đề xuất thứ hai là của chúng tôi là đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp. Hiện nay xã hội thay đổi, nền kinh tế đòi hỏi những kỹ năng khác nhau. Có rất nhiều người học ngành điện, ngành cơ khí, học nghề chế tạo máy…, khi ra trường và đi làm một số năm, họ không được sử dụng một cách thích đáng. Chưa kể, thu nhập của họ cũng không được tốt, họ có nhu cầu để chuyển đổi ngành nghề.

Chúng tôi đang đề nghị các trường đại học, đặc biệt là những trường đại học lớn như Đại học Bách khoa sẽ đưa ra chương trình đào tạo văn bằng 2 trong 12 đến 24 tháng và cung cấp những kỹ năng cập nhật nhất để học xong là số lao động này có thể tốt nghiệp là đi làm được.

Đây là hai đề xuất hiện nay chúng tôi đang triển khai. Tôi tin rằng nếu thực hiện được thì chỉ trong vòng rất ngắn, khoảng 2 đến 4 năm tới, chúng ta sẽ có cả trăm ngàn người sẵn sàng cho những đòi hỏi của cuộc chuyển dịch mới này.

Nhà báo Phạm Huyền: Về đề nghị của ông Tiến, ông Huỳnh Quyết Thắng có suy nghĩ thế nào, thưa ông?

{keywords}
TS Huỳnh Quyết Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (ảnh: Lê Anh Dũng)


TS Huỳnh Quyết Thắng: Dưới góc độ trường đại học, trường cần phải đào tạo phân tầng.

Theo khảo sát, ví dụ như ở trường Bách Khoa chúng tôi, TOP khoảng 5-15% những sinh viên giỏi nhất, phần lớn khi ra trường sẽ xin được học bổng của nước ngoài, hoặc làm được ở các doanh nghiệp với mức lương rất cao. 35% còn lại là các em đi làm ở các doanh nghiệp với các hướng chuyên sâu rất rõ ràng. Khoảng 50% còn lại, các em đi làm ở các doanh nghiệp có định hướng và đòi hỏi ở mực độ không cao bằng 2 lớp trên.

Hiện nay, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội mỗi năm tuyển sinh khoảng 6.000 em nên chúng tôi cũng phải đi tìm các doanh nghiệp đáp ứng các nhu cầu việc làm cho các em một cách tốt nhất ở thị trường Việt Nam cho 3.000 em sinh viên, tương ứng với 50% kia. Chúng tôi cũng phải tạo được điều kiện làm sao 15% các em sinh viên kia ở TOP đầu có thể có những mức thu nhập rất cao, có những kiến thức chuyên sâu và xin được học bổng ngay. Chúng tôi coi đó là trách nhiệm của nhà trường.

{keywords}
TS Huỳnh Quyết Thắng, Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan và ông Hoàng Nam Tiến trao đổi về vấn đề nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số (ảnh: Lê Anh Dũng)

Với câu chuyện như vậy, thứ nhất nhà trường cần phải kết hợp với các doanh nghiệp để có được những đòi hỏi về kỹ năng việc làm cho các em sinh viên, đồng thời cũng phải có những phòng thí nghiệm nghiên cứu, hợp tác quốc tế phù hợp với bối cảnh thời đại ngày nay, khi các công nghệ mới đi vào hàng ngày, biên giới về nghiên cứu giữa các phòng thí nghiệm sẽ không còn nữa. Vậy nên, các em sinh viên đó cần phải có hội nhập.

Chúng tôi cũng định hướng rất rõ ràng, các cán bộ của mình cũng phân theo các nhóm như vậy. Những thầy cô học ở nước ngoài về, có quan hệ về hợp tác quốc tế tốt, có khả năng nghiên cứu tốt thì sẽ đi vào định hướng hình thành những những nhóm nghiên cứu cho 15% các em sinh viên đứng đầu. Các thầy có quan hệ với doanh nghiệp tốt, có các kiến thức thực tế rất tốt thì sẽ đào tạo 35% và 50% nhóm các em ở top 2, 3. Nhà trường sẽ tạo mọi điều kiện để cho các thầy làm việc theo đúng mong muốn, nguyện vọng và phát huy đúng những sở thích của mình. Nhà trường hiện nay đang phát huy tính làm chủ không những của các sinh viên, mà còn của các cấp lãnh đạo nhà trường.

Thứ hai, nhà trường muốn đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp để làm rõ nhu cầu và các chuẩn kỹ năng đầu ra mà các doanh nghiệp đòi hỏi. Làm như thế nào để các em sinh viên có kỹ năng làm việc tốt nhất.

Thứ ba là tăng cường hợp tác quốc tế trong vấn đề về đào tạo, chủ động sử dụng mạng lưới cựu sinh viên của trường Bách Khoa Hà Nội để có thể thu hút những em trước đây là cán bộ giỏi hiện đang đi làm ở nước ngoài kết nối với trường.

Chúng tôi có thống kê trong vòng khoảng 10 năm trở lại đây, có khoảng 5% các em sinh viên Bách Khoa Hà Nội sau khi tốt nghiệp, xin được những học bổng rất tốt ở các nước và khoảng 80-90% trong số các em đó là ở lại nước ngoài để làm việc hoặc nghiên cứu giảng dạy. Chúng tôi coi đó là một mạng lưới rất tốt để hỗ trợ những giảng viên, các phòng thí nghiệm của trường trong việc làm thế nào để tiến lên trong kỷ nguyên số này.

Có rất nhiều thách thức nhưng cơ hội cũng rất là lớn. Tôi rất đồng ý với ý kiến của anh Tiến về việc các em học hai năm rồi ra đi làm ngay. Việt Nam chúng ta đang quá coi trọng bằng cấp và hệ thống cao đẳng nghề đang không phát triển được vì một phần từ tư duy coi trọng bằng cấp đó. Có những ngành nghề kiếm được tiền tốt mà không đòi hỏi bằng cấp thì tại sao chúng ta không định hướng các em học cao đằng nghề vào những các ngành như vậy?

Tất nhiên các trường đại học sẽ chấp nhận đào tạo mô hình hai năm và không cần bằng, đây không phải là tư duy của các trường đại học. Trách nhiệm xã hội của mỗi trường đại học sẽ khác với các trường cao đẳng, và các doanh nghiệp.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông Vũ Khoan, ông cũng đã tham dự buổi Đối thoại chính sách cấp cao về vấn đề nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số- một sự kiện trong khuôn khổ Hội nghị các quan chức cao cấp APEC vừa diễn ra tại Hà Nội. Vậy, qua buổi đối thoại đó, ông thấy những vấn đề lớn nào mà Việt Nam đang gặp phải cũng như câu chuyện mà các doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu, các nhà sư phạm vừa chia sẻ đã được đặt ra như thế nào tại Đối thoại này?

{keywords}
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan (ảnh: Lê Anh Dũng)


Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Năm nay APEC họp ở Việt Nam đúng vào thời điểm nền kinh tế thế giới đang chuyển mình rất sâu sắc dưới tác động của các phát minh, sáng chế rất mới và mạnh của khoa học công nghệ. Do đó, nội dung hợp tác về khoa học công nghệ, trong đó có hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực đang nổi lên. Đó là sáng kiến của Việt Nam. Việt Nam đã nhận thức ra vấn đề này và trong quá trình chuẩn bị APEC cũng đặt vấn đề hợp tác khoa học công nghệ trở thành nội dung mới của APEC.

Tôi nghĩ, có lẽ APEC lâu nay có nói đến ba cột trụ nhưng chỉ xoay quanh thương mại là chính thôi.

Đối với vấn đề nguồn nhân lực, tôi cho là chúng ta không nên chỉ nghĩ tới người sử dụng. Có ba vấn đề mà theo tôi, cần lưu ý.

Thứ nhất là người đào tạo, sáng tạo ra những phát minh, sáng chế chứ không chỉ là người sử dụng. Ở nhóm này, khoảng cách của chúng ta còn xa hơn nữa.

Thứ hai là đối tượng sử dụng. Chúng ta không chỉ nên nghĩ tới những đơn vị lớn như FPT, Đại học Bách Khoa, hay Viện Khoa học về lao động xã hội, mà ở ngay chính người dân. Người dân bây giờ tiếp cận trực tiếp với những điều đó và trong đó, có cả những quan chức chính phủ.

Thứ ba là phải đào tạo để ứng phó với những cái mới. Khi chúng ta trao đổi về vấn đề này thì cũng nên tính rộng ra với cả ba đối tượng đó. Nếu chỉ đào tạo người sử dụng, ví dụ những người làm phần mềm của FPT- cũng rất là quan trọng nhưng còn cả hơn 90 triệu dân sẽ tiếp cận như thế nào, và cả một bộ máy mấy triệu người mà không biết dùng thì làm như thế nào?

Tôi nghĩ chuyện này là chuyện quá mới, quá phức tạp mà chúng ta mới đề cập tới nhưng cũng chưa làm được gì nhiều.

Ngay cả APEC cũng chỉ mới tiếp cận đề cập vấn đề thôi. Trong tình hình ấy thì mình làm thế nào để tận dụng hội nhập quốc tế chung và APEC nói riêng? Chính việc thông qua các kênh song phương, diễn đàn đa phương thì ta mới có thể đào tạo được nguồn nhân lực, cũng như thông qua những doanh nghiệp FDI về đào tạo nguồn nhân lực là rất cần thiết vì những trường học nghề của Bộ Lao động Thương binh và và xã hội là chưa đáp ứng được. Chúng ta phải dựa trên hợp tác quốc tế để đào tạo, chứ một mình làm điều đó là rất khó.

(Đón xem lược trích Phần 2 đăng ngày mai, 26/5/2017)

Thực hiện: Phạm Huyền- Thanh Trúc

Ảnh: Lê Anh Dũng

Video: Xuân Quý, Đức Yên, Huy Phúc, Bạt Tuấn, Thúy Hồng, Duy Tiến