Tại sự kiện Gặp gỡ Hiệp hội Internet Việt Nam với chủ đề “Tổ chức kinh doanh bắt kịp xu thế toàn cầu hóa” , theo Chủ tịch Công ty FPT Trương Gia Bình, một vấn đề “bức bối” để các doanh nghiệp Việt Nam có thể toàn cầu hóa là nguồn nhân lực. Năm nay FPT đã tuyển gần hết nguồn nhân lực có thể làm được việc của các trường Đại học. Về nhân lực CNTT, Việt Nam đang thiếu cả về chất lượng và số lượng và điều cần làm là để các trường đạo tạo nhiều hơn. “FPT đã tự tháo gỡ khó khăn này bằng cách thành lập Đại học FPT, Funix và nhiều chương trình khác nhau”, ông Bình cho biết thêm.
Cũng theo ông Bình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo các đơn vị tạo điều kiện thuận lợi và mong muốn người tài về Việt Nam làm việc. "Chính phủ đã sẵn lòng như vậy thì chúng ta sẽ có môi trường tốt hơn nữa để thu hút nguồn lực CNTT. Việt Nam cần 400 nghìn kỹ sư CNTT nữa để đáp ứng tầm bay của đất nước", ông Bình nhấn mạnh.
Số liệu của mạng việc làm Jobstreet.com cũng chỉ ra rằng, mức lương của nhân sự Việt, trong đó có người làm CNTT khá thấp so với nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á. Theo JobStreet.com, một trong những lý do khiến mức lương lao động Việt Nam thấp hơn so với các nước trong khu vực là do năng suất lao động của người Việt chưa cao. Bởi theo báo cáo của ILO, chỉ có 1/5 lực lượng lao động tại Việt Nam được đào tạo chuyên môn.
Trong báo cáo đánh giá tình hình hoạt động của ngành CNTT trong thời gian qua của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), trong 5 năm từ 2011 - 2015, nhân lực CNTT Việt Nam ngày càng tăng về số lượng và nâng cao hơn về chất lượng. Tuy nhiên, VINASA cũng đánh giá, một trong những hạn chế lớn, đã và đang cản trở sự phát triển của ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam chính là sự thiếu hụt nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng. Cụ thể, dự tính nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp trong giai đoạn 2016 - 2020 là khoảng 400.000 người, trong khi toàn bộ hệ thống 290 trường đại học, cao đẳng và khoảng 150 cơ sở đào tạo về CNTT trên cả nước hiện chỉ có khả năng cung ứng khoảng 250.000 người. Cùng với đó, chất lượng kiến thức, kỹ năng chuyên môn và trình độ ngoại ngữ của sinh viên mới ra trường rất hạn chế. Hầu hết các doanh nghiệp đều phải mất 3-6 tháng để đào tạo nhân viên mới trước khi chính thức làm việc.
Chính sự thiếu hụt nhân lực chất lượng cao đã dẫn đến tình trạng tranh giành nhân lực giữa các doanh nghiệp, tỷ lệ người lao động nhảy việc ngày càng cao, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp; đồng thời làm tăng giá nhân công lao động, giảm năng lực cạnh tranh và sức hấp dẫn của ngành với các nhà đầu tư.