Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell vừa có một phát biểu cho rằng cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang đè nặng lên quyết định đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ.
“Tôi nghĩ rằng đó là trường hợp mà sự không chắc chắn xoay quanh chính sách thương mại đang khiến một số công ty trì hoãn đầu tư”, CNBC trích dẫn lời ông Powell nói khi ở Thụy Sĩ.
Theo người đàn ông quyền lực số 1 của hệ thống tài chính Mỹ, Fed đã nghe nói “khá nhiều” về sự không chắc chắn về chính sách. Trong khi các doanh nghiệp thực hiện các quyết định đầu tư, đặc biệt là các kế hoạch đầu tư dài hạn thì bao giờ cũng cần có sự chắc chắn.
Cũng theo ông Powell, sự không chắc chắn xung quanh vấn đề thương mại đã khiến Fed buộc phải thay đổi lập trường về chính sách tiền tệ, theo chiều hướng nới lỏng, hạ lãi suất, nối tiếp động thái nới lỏng của ngân hàng trung ương nhiều nước trên thế giới.
Ông Donald Trump và Powell. |
Trong tháng 7 vừa qua Fed hạ lãi suất bớt 25 điểm cơ bản và được dự báo sẽ giảm một lần nữa trong tháng 9/2019.
Cũng theo ông Powell, lãi suất thấp giúp cho nền kinh tế Mỹ ở trong tình trạng tốt hơn. Theo dữ liệu từ Viện Quản lý Nguồn cung (ISM), lĩnh vực dịch vụ Mỹ tăng trưởng nhanh hơn dự báo trong tháng 8/2019. Tuy nhiên, lĩnh vực sản xuất của nước này suy giảm lần đầu tiên kể từ năm 2016.
Mỹ và Trung Quốc hiện đang mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại kéo dài trong khoảng 1 năm rưỡi qua. Căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ có dấu hiệu hạ nhiệt trong tuần này sau khi các quan chức thương mại Trung Quốc cho biết họ sẽ bay tới Washington vào tháng tới để tiếp tục đàm phán. Tuy nhiên, kỳ vọng của hai bên đạt được thỏa thuận rất thấp.
Trước đó, Fed cho biết sẽ linh hoạt điều chỉnh lãi suất, phù hợp với tình hình thực tế.
Trong báo cáo cuộc họp chính sách diễn ra trong 2 ngày cuối tháng 7 vừa qua, Fed nhấn mạnh hầu hết các thành viên cấp cao đều đánh giá quyết định giảm lãi suất hồi tháng 7 vừa qua là sự điều chỉnh giữa chu kỳ.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngân hàng trung ương Mỹ đã thừa nhận những nguy cơ bất ổn tiềm tàng và triển vọng không rõ ràng của nền kinh tế. Sự lo ngại về khả năng các doanh nghiệp trì hoãn các quyết định đầu tư - mà qua đó có thể sẽ khiến kinh tế Mỹ suy thoái - có thể khiến Fed phải cân nhắc khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ với tốc độ nhanh hơn.
Mâu thuẫn Mỹ-Trung vẫn không dễ giải quyết. Fed nhiều khả năng sẽ phải có động thái hạ lãi suất hơn nữa để hỗ trợ kinh tế. |
Những tín hiệu mới cho thấy, ông Powell có thể sẽ phải thay đổi lập trường về chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng hơn nữa. Đây cũng là điều mà ông Donald Trump mong muốn.
Hồi cuối tháng 8, ông Donald Trump đã gọi cả Trung Quốc và Chủ tịch Fed là “kẻ thù” của Mỹ. Ông Trump cho rằng, nước Mỹ có một đồng USD rất mạnh và “một Fed rất yếu đuối”. Và ông khẳng định sẽ “hành động sáng suốt” với cả hai.
Theo CNBC, các thị trường tài chính thế giới đang đối mặt với tình trạng tràn ngập trái phiếu lợi suất thấp, kết quả của nhiều năm chính sách tiền tệ dễ dàng và phi truyền thống của các ngân hàng trung ương trên thế giới.
Triển vọng đen tối của các nền kinh tế và khả năng các thị trường chứng khoán bị bán tháo có thể khiến các NHTW tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ.
Trên thực tế, nếu xét riêng, gần như toàn bộ các chỉ số đều cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn đang rất tốt. Tăng trưởng kinh tế Mỹ ở mức cao, thất nghiệp thấp nhất 50 năm và gần đây nhất, lạm phát trong tháng 7 đã tăng tốc với chỉ số lạm phát lõi tăng mạnh nhất kể từ đầu năm 2006. Lạm phát đã lên mức mục tiêu 2% của Fed sau một thời gian dài ì ạch, ở mức quá thấp.
Tuy nhiên, điều đáng nói là kinh tế thế giới chao đảo và một cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cũng như một đồng USD mạnh có thể sẽ khiến triển vọng đảo ngược.
Đã từ lâu và nhiều lần ông Donald Trump chỉ trích chủ tịch đương nhiệm Fed Jerome Powell cũng như bà cựu chủ tịch Janet Yellen về việc duy trì một đồng USD mạnh, trong khi nhiều cường quốc kinh tế khác như Trung Quốc và Nhật đang duy trì đồng nội tệ yếu để có lợi trong cạnh tranh thương mại.
Gần đây, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) liên tục để đồng Nhân dân tệ (NDT) tụt giảm sâu xuống dưới ngưỡng 7 NDT đổi 1 USD như một động thái để đáp trả những cú áp thuế của ông Trump lên hàng hóa Trung Quốc.
Trong một động thái mới nhất, hôm 6/9 PBOC đã quyết định sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng, qua đó đưa vào lưu thông khoảng 126 tỷ USD hỗ trợ hoạt động cho vay và thúc đẩy nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại.
Theo đó, PBOC sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thêm 50 điểm cơ bản vào ngày 16/9 tới. Tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc chị tác động mạnh từ cuộc chiến thương mại với Mỹ và đã chậm lại trong những năm gần đây.
H. Linh