Fed khẳng định lạm phát hạ nhiệt
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell rạng sáng 8/2 (giờ Việt Nam) cho biết, lạm phát Mỹ bắt đầu hạ nhiệt, từ lĩnh vực hàng hoá tiêu dùng, hiện chiếm khoảng 25% nền kinh tế Mỹ.
Giá hàng hóa gần đây có xu hướng giảm khá nhanh sau khi lạm phát hạ nhiệt từ đỉnh cao 40 năm, ghi nhận ở mức 9,1% trong tháng 6/2022 xuống mức 6,5% trong tháng 12/2022.
Khẳng định của ông Jerome Powell là đáng chú ý, khi giới đầu tư lo ngại Fed có thể trở lại với chính sách tiền tệ thắt chặt sau khi Mỹ công bố báo cáo việc làm, với tỷ lệ thất nghiệp xuống đáy 53 năm. Trong tháng 1/2023, kinh tế Mỹ có thêm 517.000 việc làm, vượt xa con số dự báo 187.000 của các chuyên gia và cao hơn hẳn mức 260.000 việc làm của tháng 12/2022. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ cũng giảm mạnh, xuống 3,4% so với dự báo là 3,6%.
Ông Jerome Powell đưa ra dự đoán “lạm phát sẽ giảm đáng kể trong năm 2023” và khẳng định, Fed sẽ "nỗ lực để biến dự đoán đó thành hiện thực”.
Theo Chủ tịch Fed, lạm phát sẽ hạ xuống gần mức 2% vào năm 2024.
Những tuyên bố của ông chủ Fed ngay lập tức tác động tích cực tới thị trường tài chính thế giới.
Đồng USD giảm trở lại. Chỉ số DXY - đo lường biến động của đồng USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt - sau khi tăng vọt từ mức 101,75 điểm hồi đầu tháng lên 103,75 điểm phiên giao dịch 7/2 (giờ Mỹ) đã giảm trở lại 103,3 điểm vào sáng 8/2 (giờ Việt Nam).
Chứng khoán Mỹ cũng đảo chiều bật tăng sau phát biểu của ông Powell. Nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ không nâng lãi suất quá mạnh. Chỉ số công nghiệp Dow Jones thêm 266 điểm, tương đương 0,78%; chỉ số tầm rộng S&P 500 và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng tương ứng 1,29% và 1,9%.
Tuy nhiên, trong bài phát biểu hôm 7/2, ông Powell không đưa ra dấu hiệu nào về việc khi nào chu kỳ tăng lãi suất sẽ dừng lại. Fed đang xem xét một loạt dữ liệu khác nhau để đánh giá lạm phát.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Powell cũng cho rằng, lạm phát đã hạ, nhưng lãi suất có thể vẫn cần tăng thêm nếu dữ liệu kinh tế không phối hợp với chính sách tiền tệ. Hơn nữa, việc giảm lạm phát là một quá trình lâu dài và “mọi thứ chỉ mới ở giai đoạn đầu”.
Tin tốt cho thị trường tài chính thế giới
Trong cuộc họp chính sách hôm 1/2, Fed đã giảm nhịp độ nâng lãi suất xuống còn 25 điểm cơ bản, đưa lãi suất quỹ liên bang (FFR) lên 4,5%-4,75%/năm, mức cao nhất kể từ tháng 10/2007.
Trong năm 2022, Fed đã tăng lãi suất 7 lần, lần gần nhất là 50 điểm phần trăm (tháng 12) và 4 lần trước đó, mỗi lần 75 điểm phần trăm (tháng 5, tháng 7, tháng 9 và tháng 11) trong một nỗ lực kìm hãm lạm phát vốn có lúc (tháng 6/2022) lên đỉnh 40 năm.
Việc ông Powell đánh giá Fed đang đạt những bước tiến lớn trong chế ngự lạm phát được xem là bình luận mang tính “bồ câu”. Điều này đồng nghĩa với việc Fed có khả năng sớm dừng thắt chặt tiền tệ.
Tại cuộc họp tháng 12/2022, đa số thành viên Fed dự báo sẽ tăng lãi suất cho tới mức đỉnh 5,1% trong năm 2023, tương đương với phạm vi mục tiêu 5%-5,25%. Trong khi đó, thị trường kỳ vọng mức lãi suất đỉnh sẽ gần 4,75%, đồng thời cho rằng Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất trong năm nay.
Trong nước, tỷ giá USD/VND tiếp tục nhích tăng. Sáng 8/2, USD mua vào và bán ra tại Vietcombank là 23.460 đồng/USD và 23.800 đồng/USD, tăng 10 đồng so với cuối phiên 7/2 và tăng 80.000 đồng so vớ mức 23.280 đồng/USD (mua) và 23.620 đồng/USD (bán) hôm 3/2.
Tuy nhiên, so với đỉnh 24.888 đồng/USD (giá bán tại Vietcombank) ghi nhận hôm 25/10, đồng USD vẫn còn giảm gần 4,4%.
Sáng 8/2, tỷ giá trung tâm có phiên tăng thứ 3 liên tiếp. Với biên độ +/-5% đang áp dụng, tỷ giá trần lên chạm ngưỡng 24.805 VND/USD. Mức giá bán ra ở Hội sở Ngân hàng Nhà nước lên mức 24.780 VND/USD.
Việc đồng USD trên thị trường thế giới ổn định trở lại có thể sẽ giúp các nước, trong đó có Việt Nam, dễ dàng hơn trong việc đưa ra các chính sách tài chính tiền tệ trong thời gian tới.