Các hội, hiệp hội, câu lạc bộ về CNTT-TT (ICT) gồm Hội Tin học Việt Nam (VAIP), Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA), Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA), Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), Hội Tự động hóa Việt Nam (VAA), Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam (REV), Hội Tin học - Viễn thông Hà Nội (HANICT), Hội Tin học TP.HCM (HCA), Câu lạc bộ Phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam (VFOSSA) cùng đại diện các Hội Tin học và Chi hội Tin học từ 39 tỉnh thành, các bộ ngành, các doanh nghiệp CNTT vừa tổ chức sự kiện “Gặp gỡ ICT Xuân Đinh Dậu 2017” vào tối ngày 17/2/2017 tại Hà Nội.
Đây là dịp để đông đảo những người hoạt động trong lĩnh vực ICT gặp gỡ, trao đổi cùng đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các viện, trường và bạn bè trong nước, quốc tế. Với mong muốn thúc đẩy đoàn kết, hợp tác và phối hợp hoạt động trong sự nghiệp phát triển CNTT&TT, “Gặp gỡ ICT Xuân Đinh Dậu 2017” cũng là sự kiện khởi động cho một chuỗi hoạt động sôi nổi và thiết thực của cộng đồng ICT nước nhà trong năm mới.
Năm 2017 là năm được giới ICT nước nhà rất mong chờ, đón mừng những chuyển biến mới; năm đánh dấu những bước quan trọng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; năm của những thành tựu ứng dụng khoa học công nghệ như Chính phủ điện tử, Thành phố thông minh và cũng là năm của phong trào khởi nghiệp của các doanh nhân trẻ.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cụm từ đã được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây. Trong phát biểu tại phiên thảo luận “Tương lai nền sản xuất dưới góc độ chiến lược khu vực” vào ngày 19/1/2017 ở nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Chúng ta đang sống trong thời đại mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi cơ bản phương thức tạo ra của cải vật chất và vì thế cũng sẽ thay đổi cả tương lai của nhân loại. Trong bối cảnh đó, tôi cho rằng những nước đang phát triển đi sau, nếu biết tranh thủ cơ hội và có chiến lược phát triển đúng đắn, có thể phát triển nhanh, thu hẹp khoảng cách với các quốc gia đi trước”.
Trong phát biểu tại phiên thảo luận ở WEF, Thủ tướng cũng cho biết, Việt Nam sẽ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ đổi mới sáng tạo tập trung phát triển nguồn nhân lực, khoa học - công nghệ; bắt kịp làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ tư (còn gọi là cách mạng công nghiệp 4.0 - PV); đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ để trở thành động lực của tăng trưởng bền vững.
Tại Nghị quyết 01 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, Chính phủ đã giao Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trung ương và địa phương chủ động nghiên cứu về cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tác động đến kinh tế nước ta và đề xuất cơ chế, chính sách tận dụng tối đa cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý I/2017.
Câu chuyện về nắm bắt thời cơ, vận hội mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại cũng đã được các lãnh đạo doanh nghiệp cũng như những người đứng đầu các hội, hiệp hội trong lĩnh vực ICT đề cập đến trong chia sẻ tại sự kiện “Gặp gỡ ICT Xuân Đinh Dậu 2017”.
Nhấn mạnh Việt Nam đang đứng trước vận hội mới là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ông Bùi Mạnh Hải, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN, Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam cho rằng, hiện nay có rất nhiều định nghĩa, cách hiểu về đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và giới ICT nước nhà cũng đang rất trăn trở, suy nghĩ về việc nên bắt đầu từ đâu, từ cái gì, có chiến lược và con đường đi như thế nào để đất nước ta có thể bắt kịp, tận dụng được cơ hội từ cuộc cách mạng này.
Mong muốn các hội, hiệp hội trong lĩnh vực CNTT&TT thời gian tới sẽ “bắt tay” nhau chặt chẽ hơn, ông Bùi Mạnh Hải nhấn mạnh: “Các thành viên của 14 hội, hiệp hội về CNTT&TT chắc chắn là những lực lượng hết sức quan trọng để tham mưu cho Đảng, Nhà nước những vấn đề chiến lược cũng như các quyết sách, chính sách, giải pháp để chúng ta có thể bắt kịp, tận dụng được cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Mong rằng các hội, hiệp hội sẽ có thêm nhiều cuộc gặp gỡ trao đổi, có sự kết nối chặt chẽ với nhau hơn để chúng ta có những đề xuất, đóng góp có giá trị cho sự phát triển của ngành CNTT&TT và đất nước”.
Còn theo ông Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một điều chắc chắn là công nghệ đóng vai trò quyết định.
Ông Nguyễn Quân cho rằng, định nghĩa dễ hiểu với mọi người về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đó là: “Các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây cố gắng làm con người trở thành robot, còn cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra một thế hệ robot tư duy và làm việc như con người, nó là tích hợp của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo”.
Ở góc độ của lãnh đạo doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT có 2.000 cán bộ công nhân viên, Chu tịch CMC Nguyễn Trung Chính nhận định, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba là cuộc cách mạng của số hóa, chúng tôi cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là một cuộc cách mạng biến số hóa thành giá trị kinh tế và đưa lại những điều hữu ích cho cuộc sống.
“Chúng tôi nhận thức rằng cuộc cách cách mạng công nghiệp lần thứ tư chính là kỷ nguyên của kinh tế tri thức, trong đó tất cả tri thức, tất cả những ý tưởng, mong muốn của con người được chia sẻ trên nền tảng của CNTT, đặc biệt là công nghệ Internet, đem lại những lợi ích vô cùng to lớn và mở ra những cơ hội mà tôi nghĩ là chưa bao giờ có trên toàn thế giới”, ông Nguyễn Trung Chính chia sẻ.
Theo dự báo, trong vòng 5 năm tới, trên thế giới sẽ có tới 50 tỷ các thiết bị được kết nối, được chia sẻ. Điều đó sẽ tạo ra một sự bùng nổ về nhu cầu, về sự phát triển của xã hội. “Chúng tôi mong muốn, các doanh nghiệp và các hội, hiệp hội liên quan đến lĩnh vực ICT, chúng ta làm sao để tận dụng được cơ hội này để có thể đưa Việt Nam “cất cánh”, phát triển”, ông Chính nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nguyễn Trung Chính, vào cuối năm 2016 đầu năm 2017, CMC đã chính thức có sự chuyển đổi, ra bộ nhận diện thương hiệu mới cũng như công bố chiến lược phát triểncủa công ty trong 5 năm tới, với khẩu hiệu “Transformation Towards The Digital Future” - chuyển đối hướng tới tương lai số.
Trước đó, phát biểu tại lễ công bố chiến lược và ra mắt nhận diện thương hiệu mới của CMC, Chủ tịch CMC Nguyễn Trung Chính đã cho biết, kỷ nguyên số bùng nổ cùng cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang đến sự phát triển vũ bão của IoT, S.M.A.C, trí tuệ nhân tạo, Robotic… đang ngày càng tác động sâu vào xã hội.
“Để trở thành công ty hàng đầu khu vực trong lĩnh vực CNTT và Viễn thông, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT, hướng tới tương lai số, CMC đã đưa ra tầm nhìn chiến lược trong giai đoạn mới đến năm 2020. Tầm nhìn phát triển này thể hiện ở việc CMC ưu tiên phát triển dựa trên 3 trụ cột chiến lược gồm: Tích hợp hệ thống & dịch vụ CNTT, Phần mềm và Viễn thông”, ông Chính cho hay.
Với tầm nhìn chiến lược đó, theo chia sẻ của đại diện CMC, doanh nghiệp này kỳ vọng đạt 5.000 tỷ đồng doanh thu và 500 tỷ đồng lợi nhuận vào năm 2018. Cùng với giai đoạn phát triển mới, năm 2017, CMC đưa ra nhận diện thương hiệu mới, thể hiện sự đổi mới toàn diện của CMC. “Hướng tới tương lai số” vẫn tiếp tục là slogan của CMC, phản ánh chân thực và sát với định hướng phát triển công ty.