Từ ca mắc Covid-19 đầu tiên ngày 8/5, những ngày sau đó, tỉnh Bắc Giang trở thành địa phương có ổ dịch lớn nhất cả nước, tới nay đã ghi nhận hơn 3.000 ca. Dù số ca mắc Covid-19 tại Bắc Giang vẫn tăng lên mỗi ngày, nhưng số ca mắc đa phần thuộc diện đã cách ly.
Gần một tháng từ ngày phát hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương đã có những trải lòng đầu tiên với VietNamNet.
Nhớ lại thời điểm dịch bệnh Covid-19 mới bùng phát ở Bắc Giang, ông Lê Ánh Dương cho biết, khi ấy tỉnh đứng trước những tình thế vô cùng khó khăn. Cùng lúc chúng tôi phải trả lời 2 câu hỏi: Phát triển kinh tế ở khu công nghiệp và chăm lo đời sống công nhân.
Không giấu khó khăn của tỉnh khi đó, Chủ tịch tỉnh Bắc Giang bộc bạch, "khi dịch bùng lên, thời điểm đó tỉnh chưa có kinh nghiệm chống dịch ở các khu công nghiệp".
“Nếu mất bình tĩnh, nếu đưa ra quyết định vội vàng có thể phải trả giá, có thể lĩnh hậu quả khó lường. Vấn đề phải cân nhắc rất nhiều khi đó là quyết định đóng cửa khu công nghiệp. Ngay trong cuộc họp, cũng có ý kiến cho rằng phải đóng cửa ngay khu công nghiệp, giải tán công nhân vì lo tỉnh không chống được thêm nữa.
Nhưng cũng có ý kiến lo lắng nếu giải tán công nhân, để họ trở về các nơi, để dịch lan rộng ra các tỉnh, Bắc Giang sẽ chịu tiếng, khó tránh trách nhiệm làm lây lan dịch ra các tỉnh, thành”, ông Dương nhớ lại.
Cuối cùng, tỉnh chọn cách “Bắc Giang vì cả nước”, để sau đó “cả nước vì Bắc Giang”. Khi đó, với sự quan tâm của Chính phủ, hỗ trợ của ngành y tế, sau khi xét nghiệm xong cho toàn bộ công nhân, tỉnh lập tức phong tỏa 4 khu công nghiệp.
“Nửa năm nhận nhiệm vụ Chủ tịch UBND tỉnh, quyết định cân não nhất với tôi là thời điểm đặt bút ký tạm phong tỏa 4 khu công nghiệp, giữ chân 67.000 công nhân các nơi ở lại Bắc Giang”, ông Dương trải lòng.
Ông Dương nhớ hôm đó là tối muộn 17/5, thời điểm ông đặt bút ký quyết định tạm dừng hoạt động 4 khu công nghiệp: Vân Trung, Quang Châu, Đình Trám, Song Khê - Nội Hoàng; cách ly xã hội huyện Việt Yên và 3 xã của huyện Yên Dũng theo Chỉ thị số 16.
Quyết định có hiệu lực ngay sau đó ít giờ, bắt đầu từ 0h ngày 18/5.
Lệnh phong tỏa đồng nghĩa với việc giữ lại toàn bộ 67.000 công nhân các tỉnh, thành phố ở lại Bắc Giang, chấp nhận áp lực rất lớn lên toàn hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh.
Sau quyết định, tỉnh nhanh chóng giải quyết 2 vấn đề. Thứ nhất, bằng mọi giải pháp phải giúp công nhân yên tâm ở lại trong các khu vực bị phong toả. Thứ hai, chăm lo an sinh, đảm bảo đủ nhất nhu yếu phẩm cho công nhân trong giai đoạn bị phong tỏa.
Những ngày sau đó tỉnh dồn toàn lực để giải quyết những vấn đề hậu phong tỏa, thành lập ngay bộ phận chuyên trách hỗ trợ công nhân, tháo gỡ mọi vướng mắc. Đồng thời báo cáo với Tổng liên đoàn Lao Động Việt Nam để có chính sách hỗ trợ ban đầu.
Theo ông Lê Ánh Dương, sau một thời gian tập trung tổng tiến công dịch bệnh theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng, đến nay tình hình dịch cơ bản được kiểm soát.
Bước tiến mới trong công tác phòng, chống dịch là chuyển trạng thái từ giai đoạn chạy theo đến tấn công dịch trên mọi mặt trận. Đến nay dịch bệnh cơ bản được đẩy lùi và khống chế ở 9/10 huyện, thành phố.
Hiện nay xu hướng của dịch co về huyện Việt Yên – nơi khởi phát dịch. Tuy nhiên, ở đây cũng đã có những tín hiệu đáng mừng khi đã làm sạch được 3 trên 4 ổ dịch ở toàn huyện.
Công việc trước mắt tập trung vào ổ dịch tại xã Quang Châu nơi có khu công nghiệp cùng tên và khu công nghiệp Vân Trung. Dịch bệnh chỉ còn ở những địa bàn hẹp, các F0 có xu hướng giảm dần.
Đề cập về hoạt động của các khu công nghiệp, Chủ tịch tỉnh Bắc Giang cho biết, trong quá trình tạm đóng cửa, tỉnh đề nghị các doanh nghiệp phải phòng dịch và dùng quỹ thời gian tạm dừng đó để cùng nhau thiết kế lại mô hình sản xuất mới sống chung với dịch.
“Thời điểm tạm đóng cửa, tỉnh cam kết sau 2 tuần sẽ có những doanh nghiệp đầu tiên quay lại hoạt động. Chúng tôi kiên trì theo hướng nêu trên và đặt ra bộ phận nghiên cứu cách thức với định hướng có thể tổ chức sản xuất được trong điều kiện mới.
Điều này được sự đồng tình rất cao của các doanh nghiệp. Kết quả, ngay sau khi dịch được kiểm soát bước đầu, tỉnh đã ban hành kế hoạch tổ chức sản xuất theo 2 giai đoạn có dịch và khi dịch đã lắng xuống”, ông Dương chia sẻ.
Sau khi đánh giá tất cả các doanh nghiệp về mức độ an toàn trong sản xuất, tỉnh ưu tiên cho phép 35 đơn vị quay lại sản xuất.
“Hiện nay có 151 doanh nghiệp được đánh giá khả năng dịch bệnh ở mức trung bình đã được hướng dẫn tổ chức sản xuất ở mức độ 2 khi dịch lắng xuống. Còn các doanh nghiệp có nguy cơ cao hoặc rất cao bắt buộc phải tạm dừng”, ông Lê Ánh Dương thông tin.
Mặc dù nhìn nhận công tác chống dịch của tỉnh Bắc Giang đã chủ động, nhưng ông Dương vẫn thẳng thắn cho rằng còn những “lỗ hổng” nguy hiểm khiến dịch tấn công vào khu công nghiệp.
“Lỗ hổng là tư tưởng chủ quan của các doanh nghiệp, của người lao động. Trước đây Bắc Giang trải qua nhiều đợt dịch ở khu dân cư và khống chế thành công, do đó các doanh nghiệp nảy sinh tâm lý chủ quan”, ông Dương nói.
Lỗ hổng nữa là để trường hợp công nhân mắc Covid-19 vào khu công nghiệp trong khoảng một tuần mà không được phát hiện, dẫn đến dịch lây lan rất lớn.
Công tác truy vết, khoanh vùng còn bộc lộ nhiều yếu điểm về chuyên môn khi để sót các F1, thậm chí là F0, làm dịch bệnh trong cộng đồng thêm căng thẳng.
Đáng chú ý nhất, đó là lỗ hổng từ nhận thức chủ quan, ý thức phòng chống dịch trong cộng đồng chưa cao, người dân chưa tự giác tuân thủ quy định phòng chống dịch.
“Chưa đầy một tháng tỉnh đã xử phạt hơn 2 tỷ đồng với nhiều trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch”, ông Dương nêu.
Từ những lỗ hổng được chỉ ra, theo ông Dương, bài học lớn nhất khi chống dịch tại khu công nghiệp là không thể phó mặc và tin tưởng tuyệt đối vào khả năng chống dịch của từng doanh nghiệp.
“Chính quyền phải tham gia, đi sâu vào doanh nghiệp hướng dẫn, giám sát họ thực hiện các biện pháp an toàn phòng dịch, định hướng các mô hình sản xuất an toàn”, ông Dương nói.
Người đứng đầu UBND tỉnh thừa nhận, trước đây Bắc Giang chủ yếu tập trung phòng dịch ở vòng ngoài, còn bên trong từng doanh nghiệp thì doanh nghiệp tự lo. Mô hình trên chỉ phù hợp với các công ty nhỏ, ít công nhân, nhưng với công ty lớn sẽ hình thành lỗ hổng nguy hiểm.
“Điển hình là Công ty Hosiden thuộc khu công nghiệp Quang Châu. Trước đây, họ được đánh giá tốt, nhưng bây giờ nhìn lại thì đánh giá đó chỉ đúng ở vòng ngoài.
Công nhân khi vào cửa được đo thân nhiệt, thay khẩu trang. Tuy nhiên, sau khi vào xưởng thì công ty bố trí chỗ làm sát nhau, với điều kiện phòng lạnh, mỗi người cách nhau nửa mét đã tạo điều kiện lý tưởng cho dịch xâm nhập, lây lan”, ông Dương dẫn chứng.
Từ bài học trên, tỉnh lên phương án tổ chức sản xuất bên trong bằng cách chia nhỏ các bộ phận làm việc, để trường hợp có dịch thì chỉ dừng từng bộ phận chứ không phải đóng toàn bộ nhà máy.
Cũng theo ông Dương, điều Bắc Giang lo lắng nhất là tình hình dịch không dập được triệt để sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Bắc Giang với cả nước và các doanh nghiệp quốc tế.
Từ lo lắng trên, tỉnh Bắc Giang đang áp dụng đồng bộ các giải pháp để sớm ổn định tình hình.
Thứ nhất, tỉnh giám sát chặt các doanh nghiệp khi được trở lại sản xuất, nguyên tắc phải chắc chắn an toàn, không chạy theo số lượng.
Thứ hai, giúp doanh nghiệp phòng dịch từ bên trong bằng cách ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp, người lao động về phòng chống dịch với điều kiện nghiêm ngặt hơn.
Tính toán lại chỗ ở cho công nhân, tránh xảy ra tình trạng mật độ công nhân quá dày, xen lẫn giữa các công ty.
“Bài học cho thấy, dịch chỉ xảy ra ở một công ty nhưng vì công nhân đi xe chung hoặc ở chung phòng trọ với nhiều công nhân khác nên lây lan diện rộng. Chúng tôi phải khắc phục điểm yếu trên, sắp xếp lại nơi sản xuất, nơi lưu trú cũng như việc vận chuyển công nhân”, ông Dương nói.
Nhiệm vụ trọng tâm của Bắc Giang thời gian tới là tập trung nâng cao năng lực của ngành y tế để đáp ứng chống dịch ở mọi cấp độ. Giải pháp đưa ra là dự trữ vật tư, hóa chất, bố trí sẵn sàng các địa điểm cách li tập trung, các địa điểm có thể thu dung điều trị bệnh nhân…
Ngoài ra, tỉnh triển khai phòng dịch dựa vào nhân dân, thành lập tổ Covid cộng đồng. Các tổ Covid cộng đồng sẽ có trách nhiệm phát hiện, nhắc nhở và thông tin kịp thời đến chính quyền để có phương án xử trí nhanh chóng.
“Các bài học và giải pháp của tỉnh đưa ra sau những gì đã xảy đến sẽ từng bước được hoàn thiện. Những điều có thể tổng kết được sẽ được hệ thống thành kinh nghiệm chống dịch”, ông Lê Ánh Dương thông tin.
Đoàn Bổng - Thiết kế: Phạm Luyện
Bí thư Bắc Giang: Chống dịch Covid-19 bước sang giai đoạn mới
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái nhận định, dịch Covid-19 hiện nay đã được khoanh vùng, tuy nhiên nguy cơ bùng phát vẫn tiềm ẩn nếu lơ là quản lý.