Ông Tú “futsal” đang được sống trên đỉnh vinh quang, như là kiến trúc sư đầu tiên đưa một môn bóng của Việt Nam vào World Cup. Nhưng chẳng phải ai cũng biết, đánh đổi cho chiến công ấy, ông Tú đã nhiều năm ròng rã là người đến sân tập sớm nhất và ra về muộn nhất với giấc mơ futsal hoá cả Bắc- Trung- Nam.
* Thầy chứ không phải bầu
Bây giờ, sau những gì đã cống hiến, ông Trần Anh Tú đã trở thành Chủ tịch Liên đoàn bóng đá TPHCM, Uỷ viên Thường trực VFF, là nhân vật số má trong làng futsal khu vực… Nhưng với chúng tôi, những thành viên mặc áo Thái Sơn Bắc đời đầu, ông vẫn là ông Tú Futsal giản dị, hiền lành mà chúng tôi quen gọi là “Thầy”.
“Thầy” chứ không phải “Bầu” như cách người ta hay dùng để nhắc đến những ông chủ bỏ tiền ra làm bóng đá. Bởi cái cách làm của ông giống một người cha dốc ruột vun vén đam mê của mình và của các con hơn là ném ra một nắm tiền đi thuê cầu thủ về để đá bóng trong nhà.
Hồi đó là những năm 2007, phong trào Futsal mới chỉ phát triển ở trong Nam, trong đó nòng cốt là Thái Sơn Nam của ông Tú và một vài đội nghiệp dư khác như Báo CATPHCM, Maseco, Quận 6… Hà Nội rất mạnh về “đường phủi”, nhưng futsal thì mờ nhạt. Ngay cả phủi “nặng” nhất là Trà Dilmah (vô địch giải futsal đầu tiên của Hà Nội) cũng hầu như chưa có hướng đầu tư nghiêm túc cho môn này.
Bầu Tú (trái) có công lớn với futsal Việt Nam |
Ông Tú ra Hà Nội gây dựng đội Futsal Thái Sơn Bắc với 2 bàn tay trắng. Từ khâu tuyển đầu vào đến huấn luyện, ông giao cả cho 2 “đệ tử” là Nguyễn Nam Tiến (chuyên viên VPF) và Nguyễn Anh Dũng (anh ruột của hậu vệ Quốc Long- CLB Hà Nội).
Việc tuyển quân lúc bấy giờ hoàn toàn trông vào “quan hệ” riêng của Dũng, Tiến và sự giới thiệu của những cầu thủ đầu tiên đến với lò Thái Sơn Bắc. Quân số vì thế thay đổi xoành xoạch, có người tập vài ba tuần, có người vài ba buổi đã chia tay… Nhưng ông Tú, kỳ lạ thay, chỉ từ sáng đến chiều đã nhớ mặt, nhớ tên, thậm chí nhớ cả sở trường của từng người.
Thái Sơn Bắc thời “đồ đá” không có sân tập cố định. Buổi sáng, chạy thể lực ở công viên Thống Nhất. Buổi chiều, long nhong tìm giờ trống ở NTĐ Tây Hồ hoặc Hai Bà Trưng. Có nhiều buổi tập thay vì thời gian đá ma khởi động, chúng tôi phải đi gỡ các tấm nệm mà VĐV taekwondo giờ trước còn bỏ lại ngổn ngang.
* Tập nghiệp dư, nhận lương chuyên nghiệp
Ông Tú bận rộn với công việc kinh doanh, nhưng ông không bao giờ bỏ rơi đội bóng. Ngày nào ông cũng điện thoại xem quân số bao nhiêu người, tập ở đâu, chất lượng ra sao. Từ Sài Gòn bay ra Hà Nội, có khi chưa đến trụ sở công ty ông đã bắt taxi chạy thẳng ra nhà thi đấu vì sợ tắc đường.
Điều đặc biệt là đội bóng tuy tập tành mới ở mức nghiệp dư, nhưng ông Tú trả lương rất chuyên nghiệp. 50 ngàn một buổi tập, nếu quy ra mệnh giá thời điểm đó là dư sức đưa bạn gái đi ăn tối kèm uống sinh tố loại sang. Ai chăm tập, tháng bỏ túi 2 triệu rưỡi, 3 triệu tiền công là chuyện bình thường, không hề thua kém dân công sở.
Tuyển futsal Việt Nam giành vé vào World Cup |
Tôi là thành viên lớn tuổi nhất đội, chỉ sau 2 ông HLV. Anh em cầu thủ nhiều lúc cầm đồng lương trong tay tâm sự với tôi: “Không biết việc kinh doanh của thầy thế nào mà thầy nuôi đội bóng chịu chơi thế nhỉ?”. Tôi thì chỉ nhớ lúc đó, trụ sở công ty Thái Sơn Bắc mới chỉ là một ngôi nhà thuê khiêm tốn, và nhân viên của công ty đã có vài người “biên chế” sang cả đội bóng rồi.
Nuôi đội ngót nghét nửa năm, bộ dạng cũng định hình, ông Tú quyết định bưng cả lứa vào Sài Gòn cho thử lửa. Chuyến đi đầu tiên là một kỷ niệm không thể nào quên, khi cả đội được book vé rẻ của Pacific Airlines, “bay giữa trời khuya sao đêm lấp lánh” và ở đầu Tân Sơn Nhất, ông Tú đã chờ sẵn đưa anh em đi tẩm bổ phở đường tàu.
Chúng tôi không được ở khách sạn, nhưng thế lại thành vui. Đội bóng đóng quân ở một căn nhà 3 tầng, 1 tum gần trụ sở chính của công ty Thái Sơn Nam. Anh em cầu thủ ngủ giường tầng như quân đội, 3 bữa ăn đi bộ sang công ty, đã có sẵn mâm bát, cơm canh.
Ngày ngày ông Tú cho xe đến đón đi tập. Tập rất căng, đúng tính chất gà nòi đá giải. Không chỉ tập chay, ông còn tăng cường thêm cả HLV người Thái từ đội Thái Sơn Nam sang để bồi dưỡng cho anh em Thủ đô.
Ông HLV Thái mà chúng tôi quen gọi là “Cốt Ky”, có gương mặt dị nhân và nhiều bài vở dị thường trước đây chưa từng ngó. Một tuần tập với Cốt Ky mệt bở hơi tai, nhưng vỡ ra nhiều thứ.
* Gói bò khô ấp ủ giấc mơ lớn
Thầy Tú của chúng tôi hầu như không bỏ sót một buổi tập nào. Ông ngồi ngoài, chăm chú theo dõi, và mỗi khi chúng tôi vỡ ra một cái gì đó giống như “vén đám mây mù nhìn thấy trời xanh”, ông lại cười mỉm thật hiền. Nụ cười giống của một bà mẹ hơn là ông bố.
Tôi vẫn nhớ một đêm đã rất khuya, phải 10 rưỡi hay 11 giờ đêm, ông Tú bỗng xuất hiện trước cổng “doanh trại”, bấm chuông. Bọn trẻ mới lớn cứ đinh ninh thầy đến điểm danh xem có ai trốn đi chơi khuya. Nhưng không phải.
Ông đến, xoè trong túi xách ra một nắm thịt bò khô. Ông bảo tao mang đến đây để tụi mày lúc nào buồn thì có cái mà nhấm nháp. Cả lũ ngớ người. Nhà ông ở cách đấy dễ thường hơn hai chục cây số.
Chuyến du đấu Sài Gòn ấy, Thái Sơn Bắc của chúng tôi ngô nghê, tự phát như những con gà lần đầu ra sới. Nhưng sự khởi sắc của đội và khát khao của những học trò cũng là nền tảng để ông Tú không ngần ngại đầu tư những khoản lớn hơn, đưa đội sang Thái tập huấn, thuê thầy Thái dạy, và sau đó, tiến những bước dài trên con đường chuyên nghiệp.
Tôi chia tay Thái Sơn Bắc không lâu sau lần Nam tiến đó. Thế hệ sơ khai cũng rơi rụng dần theo quá trình đào thải tự nhiên, nhưng lứa của chúng tôi vẫn còn hiện diện trong chiến thắng lịch sử của futsal Việt Nam trước Nhật Bản đêm 17/2, với trợ lý Nguyễn Quang Minh (Minh “khoáy”) – một học trò nổi tiếng với tài kiếm phạt mà ông Tú rất mực tin dùng.
Hôm nay, ngày mai, và rất nhiều ngày sau nữa, ông Tú sẽ được sống trên đỉnh vinh quang, như là kiến trúc sư đầu tiên đưa một môn bóng của Việt Nam vào World Cup. Nhưng không phải ai cũng biết, để có được chiến công này, ông Tú đã nhiều năm ròng rã là người đến sân tập sớm nhất và ra về muộn nhất với giấc mơ futsal hoá cả Bắc, Trung, Nam…
Theo Đức Anh (Bongdanet.vn)