Trên diễn đàn mạng của người dân Triều Khúc (Thanh Xuân, Hà Nội), chủ một quán ăn phản ánh suýt bị dính một cú lừa tinh vi. Các đối tượng sử dụng thủ đoạn gọi điện đặt hàng, sau đó nhờ chủ cửa hàng mua hàng hóa để chiếm đoạt tài sản. Đây là phương thức không mới, nhưng đánh vào tâm lý nên nhiều người vẫn "sập bẫy".

Thành viên Tit Bố kể rằng số điện thoại 09964423xx tự nhận tên là Kiên, làm ở "Ban chỉ huy quân sự xã Tân Triều", đặt 65 suất cơm gà. Khi quán yêu cầu đặt cọc, người này viện lý do "làm trong quân sự nên chỉ huy chưa xuất tiền", hứa sẽ thanh toán khi nhận hàng.

Đề cao cảnh giác, chủ quán không nhận đơn vì "ở đất Triều Khúc gần 30 năm mà chưa nghe thấy ban chỉ huy quân sự Tân Triều nằm chỗ nào".

Thực tế đây là thủ đoạn thường gặp của các đối tượng lừa đảo, mạo danh đơn vị quân đội hòng lấy niềm tin của người dân.

goi dien lua dao.jpg
Cảnh giác với chiêu gọi điện đặt hàng rồi nhờ mua đồ để lừa tiền. 

Thành viên Hương Hà cũng chia sẻ câu chuyện tương tự. Chị nhận được cuộc gọi đặt 40 cốc nước gửi tới Ban chỉ huy quân sự Nam Từ Liêm. Đối tượng hứa sẽ đặt thường xuyên, ngày nào cũng có đơn.

Sáng hôm sau, người này gọi lại cho chị Hương Hà, nhờ tìm giúp mối mua 300 hộp pate gà. Đối tượng cung cấp địa chỉ và số điện thoại, bảo chị liên hệ làm giá, nếu được sẽ chia một nửa số tiền chênh lệch.

Chị Hương Hà thấy có dấu hiệu bất thường nhưng vẫn thử liên hệ. Phía đầu mối kia báo rằng chị cần chuyển 100% tiền đơn hàng mới được hưởng chiết khấu 10%.

Chị Hà cho rằng đây là chiêu lừa đánh vào lòng tham. Ban đầu tạo lòng tin bằng đơn hàng lớn, sau đó nhờ mua hộ với mức chiết khấu cao, khiến nạn nhân dễ bị dụ chuyển tiền. 

Chủ một quán ăn ở Cầu Giấy chia sẻ về một vụ việc tương tự mà anh từng gặp phải. Một người gọi điện đến, tự xưng là cán bộ của một đơn vị quân đội, yêu cầu đặt phòng và đồ ăn cho 20 người. Tuy nhiên, do cảnh giác, anh chủ quán yêu cầu người này phải chuyển khoản đặt cọc trước mới tiến hành chuẩn bị. Ngay sau đó, vị “khách hàng” liền im bặt, không liên lạc lại nữa.

“Tôi quá quen với chiêu trò này rồi,” anh nói, “Nếu tôi đồng ý nhận đơn hàng, họ sẽ tiếp tục yêu cầu một loại rượu đặc biệt mà quán tôi không có sẵn. Khi tôi nói không có, họ sẽ đề nghị tôi mua rượu ở một địa chỉ do họ chỉ định với lời hứa được giảm giá. Nếu tôi nhẹ dạ, sợ mất lòng khách mà bỏ tiền ra mua, thì sau đó họ sẽ ‘biến mất không dấu vết’.”

Nhiều chủ quán than phiền hiện nay khách hàng ít mà còn thường xuyên gặp lừa đảo. Mọi người nên cảnh giác vì hành vi tuy dễ nhận ra nhưng lại đánh trúng tâm lý và nhất là lòng tham của con người.

Phòng An Ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Hà Nam) cũng đã đề nghị người dân "Cảnh giác thủ đoạn mạo danh cán bộ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đặt mua hàng để chiếm đoạt tài sản".

 Để tạo niềm tin, đối tượng yêu cầu chủ cửa hàng kết bạn qua các tài khoản Zalo và gửi các báo cáo duyệt chi danh mục mua hàng kèm theo chữ ký, dấu giả mạo của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Nam.

Quá trình giao dịch, ngoài các mặt hàng đã được đặt, đối tượng yêu cầu chủ cửa hàng cung cấp thêm các mặt hàng khác không nằm trong danh mục cung cấp của cửa hàng.

Sau khi biết cửa hàng không cung cấp mặt hàng yêu cầu, đối tượng đề nghị chủ cửa hàng liên hệ với cửa hàng khác (thực tế là đồng bọn của đối tượng, tạm gọi là cửa hàng B) để lấy hàng, hứa được chiết khấu cao. Khi chủ cửa hàng đồng ý mua hàng, đối tượng giả danh cửa hàng B yêu cầu chủ cửa hàng thanh toán tiền hàng bằng chuyển khoản, chiếm đoạt số tiền trên rồi cắt đứt liên lạc với bị hại.

Để phòng ngừa thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này, cơ quan chức năng đề nghị nhân dân nâng cao cảnh giác; thận trọng với các đối tượng liên hệ mua hàng trên mạng xã hội Facbook, Zalo. Cần xác minh rõ người, rõ địa chỉ khi tiến hành giao dịch.

"Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh không giao cán bộ gọi điện thoại hoặc sử dụng mạng xã hội để đặt mua hàng với bất cứ tập thể, cá nhân nào. Khi nhận được cuộc gọi mạo danh là cán bộ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh để đặt mua hàng, người dân cần nhanh chóng liên hệ với cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn", Công an cảnh báo.