Theo Công an TP Hà Nội, để giảm thiểu nguy cơ về cháy nổ, đảm bảo an toàn PCCC tại khu dân cư, đặc biệt tại nơi có nhiều khu nhà trọ, khu nhà ở kết hợp căn hộ chung cư mini, chủ nhà phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC và cứu nạn cứu hộ.
Các chủ nhà phải lắp đặt các hệ thống, phương tiện, thiết bị PCCC đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn quy định; chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về công tác đảm bảo điều kiện an toàn PCCC tại các dự án công trình do mình làm chủ đầu tư, chủ sở hữu.
Kiện toàn ban quản trị nhà chung cư, ban quản lý tại các khu nhà trọ, phòng trọ, phát huy hiệu quả mô hình tự quản tại cơ sở. Chủ động phối hợp với cơ quan cảnh sát PCCC&CNCH và chính quyền địa phương trong việc kiểm tra, rà soát điều kiện đảm bảo an toàn PCCC.
Hướng dẫn thực hiện công tác PCCC tại khu chung cư, khu nhà trọ, khu nhà ở tập trung. Thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các chủ hộ gia đình, thành viên trong hộ gia đình, người thuê phòng thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC.
Những người này, phải nắm vững kiến thức cơ bản về PCCC, thoát nạn, cứu người trong đám cháy, sơ cứu ban đầu; tham gia lớp tập huấn về PCCC do cơ quan cảnh sát hoặc chính quyền địa phương tổ chức. Định kỳ kiểm tra các phương tiện PCCC, cứu nạn, cứu hộ đã trang bị, bảo dưỡng thường xuyên để đảm bảo hoạt động hiệu quả.
Cũng theo Công an TP Hà Nội, nơi để các phương tiện giao thông phải đúng vị trí quy định, không vượt quá số lượng cho phép, không để chung với vật dụng dễ cháy, nổ, các thiết bị điện. Không sắp xếp xe gần các tủ điện, thiết bị điện.
Không sắp xếp xe ở các vị trí che khuất các phương tiện, dụng cụ phòng cháy và chữa cháy để tránh gây cản trở trong việc sử dụng, triển khai chữa cháy khi xảy ra sự cố cháy, nổ. Khu vực để xe luôn sắp xếp gọn gàng, đảm bảo an toàn về đường, lối thoát nạn, khoảng cách PCCC.
Đảm bảo có lối thoát an toàn và dễ dàng tiếp cận cho tất cả cư dân, người thuê trọ. Không lắp đặt "chuồng cọp", bịt lối thoát nạn. Lối thoát không bị chặn hoặc bị cản trở bởi vật dụng, đồ đạc.
Không sắp xếp hàng hóa, vật dụng che chắn, cản trở lối thoát nạn, đồ dùng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy phải được bố trí cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt ít nhất 0,5m.
Từ những nội nêu trên, Công an TP Hà Nội nhấn mạnh, trong nhà trọ, nhà ở nhiều hộ gia đình (chung cư mini) có 1 lối thoát nạn cần thiết kế lối thoát nạn dự phòng có thể là thang sắt ngoài nhà, thang dây, dây thả chậm, lối lên mái, ra ban công, sân thượng sang nhà liền kề…
Đối với các khu nhà trọ 1 tầng cần đảm bảo lối thoát chính ra bên ngoài thông thoáng, không bị cản trở. Bố trí các không gian liên thông giữa tầng hầm/nửa hầm với các tầng phía trên.
Cụ thể, cầu thang bộ, giếng thang máy đi từ tầng hầm/nửa hầm lên cần được ngăn cách với khu vực khác của nhà (gara để xe, phòng kỹ thuật) bằng vật liệu phù hợp để bảo đảm khả năng chịu lửa và ngăn khói.
Khuyến khích sử dụng vật liệu không cháy hoặc khó cháy để hoàn thiện, trang trí tường và trần, vật liệu ốp lát, vật liệu phủ sàn trên đường thoát nạn.
Ưu tiên sử dụng các loại vật liệu không cháy hoặc khó cháy và hạn chế sử dụng các vật liệu dễ cháy, sinh khói, sinh độc lớn như mút, xốp, nhựa tổng hợp, cao su… trên đường thoát nạn, lối thoát nạn, các lối thoát khẩn cấp hoặc khu vực lánh nạn tạm thời.
Phối hợp với cơ quan, tổ chức và hộ gia đình khác trong việc đảm bảo an toàn về PCCC, quản lý chặt chẽ và sử dụng an toàn chất dễ gây cháy nổ.
Đảm bảo rằng hệ thống điện trong phòng trọ, chung cư mini được lắp đặt và sử dụng an toàn và thường xuyên kiểm tra thay thế, khắc phục những nguy cơ mất an toàn về điện có thể gây cháy, nổ.
Thường xuyên tự kiểm tra, phát hiện và khắc phục kịp thời nguyên nhân gây cháy nổ, nguồn lửa, nguồn nhiệt. Máy phát điện chung không được bố trí trong khu vực kín, ẩm ướt, gian phòng có người ở, gần các vật dụng, hóa chất dễ cháy, nguồn lửa, nguồn nhiệt.
Quy định chặt chẽ việc nấu ăn, thờ cúng, đốt vàng mã, sạc điện đối với xe đạp, xe máy điện, thiết bị tiêu thụ điện, đặc biệt tại tầng hầm, khu vực để xe… Nghiêm cấm sử dụng bình gas mini đã qua sử dụng nhiều lần, không đảm bảo an toàn PCCC.
Xây dựng và thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ với nhiều tình huống giả định để chủ động xử lý khi có cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra. Tổ chức tập huấn kỹ năng, cách sử dụng các phương tiện, thiết bị PCCC tại chỗ cho quản lý, bảo vệ và người thuê trọ.
Tăng cường công tác thường trực, tuần tra, đảm bảo đủ lực lượng PCCC cơ sở để giải quyết kịp thời khi có cháy, nổ xảy ra. Tổ chức cuộc diễn tập PCCC định kỳ để đảm bảo tất cả cư dân, người thuê trọ biết cách ứng phó, sơ tán trong trường hợp khẩn cấp.
Cung cấp hướng dẫn về an toàn PCCC cho tất cả cư dân, người thuê trọ, niêm yết nội quy PCCC. Tiêu lệnh chữa cháy, sơ đồ thoát nạn… tại các vị trí, khu vực dễ thấy, dễ đọc.
Trang bị đầu báo cháy tự động tại các tầng, gian, lối đi chung. Thông báo các hộ gia, chủ nhà thuê lắp các đầu báo cháy tại căn hộ hoặc phòng trọ giúp phát hiện sớm đám cháy, từ đó giúp giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Bố trí các phương tiện liên lạc khẩn cấp như loa thông báo, chuông báo cháy… để thông báo cho tất cả cư dân trong trường hợp có sự cố.
Trang bị phương tiện PCCC tại chỗ và các dụng cụ phá dỡ phù hợp với quy mô, tính chất, đặc điểm của khu nhà như tự trang bị hệ thống báo cháy, lắp đặt hệ thống cảnh báo cháy nhanh, bình chữa cháy, dụng cụ phá dỡ, mặt nạ phòng độc, thang dây, dây tự cứu...
Các phương tiện, thiết bị bố trí ở nơi phù hợp và thuận lợi cho việc thao tác sử dụng khi cần thiết. Thực hiện quy định khác có liên quan đến trách nhiệm cá nhân của Luật phòng cháy và chữa cháy.