|
Thuế, hải quan, ngân hàng và nhiều cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công, các doanh nghiệp thương mại điện tử đang nóng lòng chờ chữ ký để đảm bảo giao dịch điện tử. Ảnh minh họa. |
Bài liên quan:
>> Tháng 8: Chính thức cung cấp dịch vụ chữ ký số
Ngày 23/4 vừa qua, Bộ TT&TT cùng với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo chủ đề “Chữ ký số - Chìa khóa cho doanh nghiệp bước vào thương mại điện tử và Chính phủ điện tử”.
Phóng viên báo Bưu điện Việt Nam đã phỏng vấn ông Đào Đình Khả, Giám đốc Trung tâm Chứng thực chữ ký số quốc gia (RootCA) thuộc Bộ TT&TT về hoạt động cung cấp dịch vụ chữ ký số ở Việt Nam.
|
Ông Đào Đình Khả. |
Trung tâm Chứng thực chữ ký số quốc gia là cơ quan đầu mối thúc đẩy ứng dụng chữ ký số và giao dịch điện tử, đồng thời là cơ quan cấp phép cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng.
Luật Giao dịch điện tử và nghị định về chữ ký số đã ra khá lâu, xin ông cho biết vì sao đến thời điểm này mà Trung tâm Chứng thực chữ ký số quốc gia (RootCA) chưa cấp phép cho doanh nghiệp nào cung cấp dịch vụ này?
Việc cấp phép là do Bộ Thông tin và Truyền thông tiến hành sau khi xem xét các hồ sơ xin đăng ký cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng của các doanh nghiệp nộp cho Bộ. Chỉ sau khi các doanh nghiệp này nhận được giấy phép của Bộ, Trung tâm Chứng thực chữ ký số quốc gia mới cấp chứng thư số cho các doanh nghiệp này.
Hiện có bao nhiêu doanh nghiệp đăng ký tham gia cung cấp dịch vụ chữ ký số và dự kiến đến khi nào sẽ có doanh nghiệp được cấp phép, thưa ông?
Hiện, hồ sơ đăng ký cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng của VNPT đang được xét duyệt. Về cơ bản, các thủ tục lấy ý kiến, thẩm tra kỹ thuật chi tiết đã được hoàn tất chuẩn bị trình lãnh đạo Bộ quyết định.
Ngoài hồ sơ của VNPT còn có một số doanh nghiệp tiếp xúc với Trung tâm để được hướng dẫn về các thủ tục nộp hồ sơ đăng ký. Chắc chắn thị trường này sẽ không chỉ có VNPT.
Như vậy, số lượng doanh nghiệp xin cấp phép cung cấp dịch vụ chữ ký số không nhiều. Phải chăng nhu cầu thị trường Việt Nam chưa lớn hay vì lý do nào khác?
Đây là một lĩnh vực CNTT mới nên các doanh nghiệp cũng cần thời gian để chuẩn bị. Khi quyết định đăng ký tiến hành kinh doanh loại hình dịch vụ này, các doanh nghiệp cần đáp ứng các yêu cầu khá nghiêm ngặt của Nghị định 26/2007/NĐ-CP.
Ngoài yếu tố công nghệ liên quan đến cơ sở hạ tầng khóa công khai, doanh nghiệp còn cần xin được giấy phép kinh doanh loại hình dịch vụ mới này, mua được bảo hiểm hay đóng bảo lãnh hoặc ký quỹ tại ngân hàng, chuẩn bị đội ngũ nhân sự và cơ sở vật chất, xây dựng quy chế…
Tuy nhiên, nghiên cứu và chuẩn bị thị trường là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng chính đến tiến độ triển khai các dịch vụ này của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần chuẩn bị phương án kinh doanh khả thi và đảm bảo có thị trường khi bắt đầu kinh doanh dịch vụ này để tránh bị lỗ.
Dự kiến khi nào người dân Việt Nam sẽ được sử dụng dịch vụ chữ ký số từ các doanh nghiệp được cấp phép cung cấp?
Sau khi có tổ chức được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số và Trung tâm Chứng thực chữ ký số quốc gia cấp chứng thư số, các doanh nghiệp sẽ cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Theo thông báo tại Hội thảo “Chữ ký số - chìa khóa để doanh nghiệp bước vào Thương mại điện tử và Chính phủ điện tử”, Tập đoàn VNPT đang đặt mục tiêu cố gắng đưa hệ thống cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số vào hoạt động trong quý III năm nay.
Một số ý kiến cho rằng hoạt động cung cấp dịch vụ chữ ký đòi hỏi đầu tư ban đầu lớn, trong khi khả năng thu hồi vốn chậm nên các doanh nghiệp không mặn mà với dịch vụ này. Trung tâm Chứng thực chữ ký số quốc gia (RootCA) có hỗ trợ gì cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này? Theo ông, nhà nước nên có những biện pháp gì hỗ trợ và thúc đẩy dịch vụ chữ ký số phát triển nhanh?
Để thúc đẩy được việc phát triển các dịch vụ chứng thực chữ ký số cần mở rộng thị trường thông qua các biện pháp đồng bộ.
Trong phạm vi chức năng quyền hạn của một đơn vị ngang cấp phòng, Trung tâm Chứng thực chữ ký số quốc gia đã tham mưu cho lãnh đạo các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp muốn cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, cử cán bộ tư vấn về những vấn đề liên quan đến pháp lý, trao đổi các thông tin kỹ thuật và mô hình triển khai PKI của các nước trên thế giới.
Chúng tôi cũng đang thúc đẩy phát triển công tác đào tạo nâng cao nhận thức, sử dụng và triển khai các ứng dụng chữ ký số. Càng nhiều người hiểu được tầm quan trọng của chữ ký số và thấy được các cơ hội áp dụng chữ ký số, thì thị trường trong lĩnh vực này càng mở rộng.
Ông dự báo thế nào về sự phát triển của dịch vụ chữ ký số ở VN thời gian tới, đặc biệt là sau thời điểm các doanh nghiệp bắt đầu cung cấp dịch vụ chữ ký số?
Sự phát triển ứng dụng chữ ký số trong thời gian tới tương đối khả quan. Đặc biệt, có một số lĩnh vực và đối tượng đang nóng lòng chờ chữ ký số, ví dụ như các tổ chức cung cấp dịch vụ công có số người sử dụng lớn và những tổ chức liên quan đến tài chính, ngân hàng, thuế và các doanh nghiệp muốn mở rộng lĩnh vực kinh doanh trên phạm vi lớn.
Là lĩnh vực rất mới, những khó khăn và rào cản với chữ ký số ở Việt Nam sẽ là gì, thưa ông?
Những khó khăn chính gồm nhận thức và sự dè dặt ứng dụng công nghệ cao: Nhiều lãnh đạo của các đơn vị chưa nhận thức đủ tầm quan trọng của công nghệ thông tin, trong đó có chữ ký số, trong việc nâng cao hiệu quả của chức năng nghiệp vụ. Sự phụ thuộc vào công nghệ của nước ngoài khi triển khai các dịch vụ chứng thực chữ ký số. Khả năng đầu tư còn hạn chế do bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế.
Việt Nam đang đầu tư mạnh mẽ cho triển khai Chính phủ điện tử, chữ ký số sẽ có vai trò gì trong việc phát triển Chính phủ điện tử ở Việt Nam?
Chữ ký số kết hợp với những công nghệ xác thực có liên quan là một trong các công nghệ hạ tầng cho Chính phủ điện tử. Nhiều dự án ứng dụng CNTT sẽ bị ảnh hưởng nếu hạ tầng an toàn thông tin cho giao dịch điện tử chưa được hoàn thiện.
Xin cảm ơn ông!
thực hiện
Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số tháng 7/2009.