Nghị quyết 19 của Chính  phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020, vừa được Thủ tướng ký ban hành cuối tháng 4/2016.

Mục tiêu và nhiệm vụ chung được Chính phủ đặt ra tại Nghị quyết này là phấn đấu cải thiện cả về điểm số và vị trí xếp hạng về môi trường kinh doanh. Cụ thể, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt tối thiểu bằng trung bình của nhóm ASEAN 4; đến năm 2017 đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN 4 trên một số chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh thuộc nhóm chỉ số nâng cao hiệu quả (theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới); và đến năm 2020, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh đạt mức trung bình của các nước ASEAN 3 trên một số chỉ tiêu thông lệ quốc tế.

Đáng chú ý, trong các nhiệm vụ giao cho Bộ KH&ĐT, Chính phủ đã yêu cầu Bộ triển khai thực hiện việc sử dụng mã số doanh nghiệp duy nhất, sử dụng chữ ký số của doanh nghiệp trong tất cả các quan hệ giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước (KH&ĐT, Thuế, Hải quan, Bảo hiểm xã hội, TN&MT, Xây dựng…) và trong các hoạt động của doanh nghiệp.

Với yêu cầu kể trên của Chính phủ, dự kiến tới đây thị trường cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng sẽ được mở rộng hơn.

Theo thông tin từ Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC), đã có 9 tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số (CA) công cộng gồm: VNPT-CA, CA2-CA, VIETTEL-CA, BKAV-CA, FPT-CA, SMARTSIGN, SAFE-CA, CK-CA, và NEWTEL-CA. Tuy nhiên thị trường dịch vụ chứng thực chữ ký số, theo phản ánh của các CA đang trong tình trạng bão hòa, với đối tượng sử dụng chủ yếu là các tổ chức, doanh nghiệp. Thống kê NEAC cho hay, tính đến hết 2015, có khoảng hơn 700.000 chữ ký số công cộng đang hoạt động, chủ yếu sử dụng trong lĩnh vực kê khai thuế qua mạng, bảo hiểm xã hội và hải quan điện tử.

Như ICTnews đã đưa tin, tại hội nghị định hướng quản lý nhà nước đối với dịch vụ chứng thực chữ ký số được NEAC tổ chức mới đây, đại diện lãnh đạo 9 tổ chức CA công cộng đều thống nhất nhận định thị trường chữ ký số hiện nay đã trở nên nhỏ hẹp, bão hòa và cần thiết phải được mở rộng.

Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách An ninh mạng của BKAV, đại diện BKAV-CA cho biết: “Quy mô thị trường chữ ký số vẫn chỉ có đối tượng khách hàng là các doanh nghiệp, tổ chức. Số tổ chức, doanh nghiệp hiện nay khoảng 600.000 - 700.000 thì hầu hết đều đã sử dụng dịch vụ chữ ký số của các CA. Khách hàng mới để đủ quy mô thị trường cho 9 CA là vô cùng nhỏ”.

Để thị trường chữ ký số phát triển bền vững, đại diện BKAV-CA cũng cho rằng NEAC và các CA cần cùng đồng hành để làm sao mở rộng thêm quy mô thị trường dịch vụ chứng thực chữ ký số, làm sao để bên cạnh việc các CA cạnh tranh cung cấp dịch vụ tốt hơn cho khách hàng thì cũng mở rộng hơn quy mô thị trường, không chỉ giới hạn ở đối tượng khách hàng là các doanh nghiệp, tổ chức mà có thể mở rộng tới cả đối tượng khách hàng cá nhân. Khi đó thị trường mới rộng mở, các CA mới có cơ hội để cung cấp dịch vụ tốt hơn cho thị trường.

Cũng liên quan đến biện pháp mở rộng thị trường, Giám đốc Trung tâm FPT-CA Lê Việt Cường kiến nghị Bộ TT&TT xúc tiến làm việc với các cơ quan nhà nước khác nhằm có được những chính sách mang tính định hướng mạnh mẽ, có thể yêu cầu một số lĩnh vực “bắt buộc” phải ứng dụng chữ ký số.

Còn theo đề xuất của Phó giám đốc Ban khách hàng tổ chức doanh nghiệp của VNPT-CA Đinh Đức Thụ, với vai trò là cơ quan tham mưu cho Chính phủ về các cơ chế chính sách pháp luật trong lĩnh vực CNTT-TT, Bộ TT&TT có thể tham mưu để đưa quy định những giao dịch, dịch vụ nào phải sử dụng chữ ký số để xác thực vào các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực giao dịch điện tử. “Các CA sẵn sàng tư vấn, góp ý để Bộ tham mưu xây dựng hành lang pháp lý cho thị trường cung cấp dịch vụ chữ ký số”, ông Thụ nói.