1.jpg.jpg
Thị trường chứng thực số sẽ diễn ra sự cạnh tranh quyết liệt. Ảnh: Đ.H

Intel Việt Nam muốn dùng dịch vụ của VeriSign

Cuối tháng 3/2010, công ty Intel Việt Nam đã gửi lên Tổng cục Hải quan văn bản đề nghị cho Intel và các đại lý khai báo hải quan của công ty này được sử dụng chứng thư số do công ty VeriSign (một công ty của Mỹ) xác thực trong hoạt động khai báo hải quan điện tử. Và trước đề nghị của Intel, Tổng cục Hải quan đã đề xuất với Bộ Tài chính và Bộ TT&TT chấp thuận cho công ty Intel sử dụng chữ ký số do VeriSign cung cấp để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp này trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Tại hội thảo “Xây dựng hệ thống xác thực điện tử phục vụ triển khai dịch vụ công trực tuyến và cải cách hành chính” do Bộ TT&TT tổ chức ngày 25/6, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số trong nước lo ngại việc đưa VeriSign vào Việt Nam sẽ gây bất lợi cho thị trường chữ ký số non trẻ của Việt Nam.

Ông Ngô Tuấn Anh, Giám đốc Bkis Telecom nhấn mạnh: Ở các quốc gia mà dịch vụ chứng thực chữ ký số đã rất phát triển như Singapore, Đài Loan, hay Malaysia…, họ đều có quy định rất rõ ràng về vấn đề công nhận tính hợp pháp của chữ ký số nước ngoài, tức là phải có sự cam kết bằng hiệp ước cụ thể giữa các quốc gia với nhau. Trong khi đó, giữa hai quốc gia Việt Nam và Mỹ lại chưa có thoả thuận về việc công nhận chữ ký số thì việc VeriSign được công nhận sẽ đi trái với các quy định hiện có của Việt Nam.

“Chiểu” theo nội dung của Nghị định 26/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch Điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số, thì quan điểm của ông Ngô Tuấn Anh hoàn toàn có cơ sở. Điều 52 của Nghị định này nêu rõ “Chữ ký số và chứng thư số nước ngoài được công nhận khi tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số nước ngoài cấp chứng thư số đó được Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ TT&TT – PV) cấp giấy công nhận”, và “Quốc gia mà tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số đó đăng ký hoạt động có ký kết hoặc tham gia điều ước quốc tế có quy định về việc công nhận chữ ký số và chứng thư số nước ngoài mà Việt Nam có tham gia”.

Như vậy, xét lại theo tinh thần của Nghị định 26 thì rõ ràng doanh nghiệp nước ngoài như VeriSign không do Bộ TT&TT cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số, đồng thời giữa Mỹ và Việt Nam cũng chưa có ký kết điều ước liên quan đến vấn đề này, thì việc sử dụng vào mục đích phục vụ việc trao đổi thông tin giữa Intel và hải quan Việt Nam để giải quyết thủ tục rõ ràng đây là sự việc đi trái với các quy định hiện hành được nêu tại Nghị định.

Trao đổi về vấn đề công nhận chữ ký số giữa các quốc gia, tại hội thảo Security World 2010 diễn ra mới đây tại Hà Nội, bà Lê Thị Ngọc Mơ - Phó Vụ trưởng Vụ Viễn thông (Bộ TT&TT) khẳng định hiện nay toàn cầu chưa có một hiệp ước chung về giá trị của chữ ký số, mà các quốc gia thường tự thoả hiệp với nhau. “Nếu trong trường hợp chưa có hiệp ước nào về chữ ký số giữa hai quốc gia thì phải dùng chữ ký số của Việt Nam”, bà Mơ cho biết.  

1.jpg.jpg
Đối với thị trường chứng thực số còn mới mẻ, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Ảnh: T.H

Doanh nghiệp “nội” cần sự hậu thuẫn

Việt Nam hiện nay đã có 4 doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT), công ty Công nghệ thẻ Nacencom, công ty An ninh mạng Bkis, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel. Thị trường này sắp tới có thể sẽ có thêm sự tham gia của FPT.

Ông Ngô Tuấn Anh cho rằng việc chấp nhận giá trị pháp lý của chữ ký số do VeriSign cung cấp chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chữ ký số tại Việt Nam. Bởi việc Intel sử dụng chữ ký số của VeriSign sẽ tạo ra tiền lệ khiến cho các doanh nghiệp lớn của nước ngoài khác hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Và như vậy, thị trường chứng thực chữ ký số được đánh giá là nhiều tiềm năng tại Việt Nam sẽ bị “hẹp” theo hướng bất lợi cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong nước.

“Thực tế này sẽ dễ khiến cho các nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số tại Việt Nam không còn động lực cũng như sự khuyến khích để phát triển”, ông Ngô Tuấn Anh nhấn mạnh. Trước thực tế nêu trên, các doanh nghiệp chữ ký số trong nước đề nghị cần có chính sách phù hợp, nhất quán và có biện pháp hậu thuẫn cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số phát triển.

Theo nhìn nhận chung của các doanh nghiệp, Việt Nam đã có hành lang pháp lý an toàn như nghị định 26/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số. Theo đó, trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần có chữ ký thì yêu cầu đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bằng chữ ký số.

Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 78 ra ngày 30/6/2010.