chu ky so.bmp
Đến nay, chữ ký số vẫn chưa được triển khai rộng rãi trong các cơ quan Nhà nước. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo Nghị định 26/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số thì các giao dịch điện tử trong khối cơ quan Đảng, Nhà nước sẽ phải sử dụng chữ ký số chuyên dụng do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp phát.

Ông Nguyễn Đăng Đào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý kỹ thuật nghiệp vụ - Ban Cơ yếu Chính phủ cho biết việc đăng ký, cung cấp chữ ký số chuyên dụng đang được quản lý theo ngành dọc, sử dụng 4 hệ cơ yếu thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Ban Cơ yếu Chính phủ (cung cấp cho các cơ quan Đảng, Nhà nước còn lại). Đến nay, Ban Cơ yếu Chính phủ đã triển khai hàng nghìn chứng thư số cho các cơ quan Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, ông Đào cũng thừa nhận, nhận thức về vai trò quan trọng của chữ ký số trong các cơ quan Đảng và Nhà nước vẫn hạn chế, sự sẵn sàng về hạ tầng của nhiều địa phương, cơ quan chưa cao. Đặc biệt, đã có cơ quan, địa phương lựa chọn hạ tầng không đúng quy định của pháp luật, giờ đã đưa hạ tầng chữ ký số vào triển khai các ứng dụng, việc chuyển đổi sang hạ tầng chứng thực khác sẽ gặp nhiều khó khăn.

Để làm rõ thêm hiện trạng triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên dụng trong các cơ quan Đảng và Nhà nước, báo Bưu điện Việt Nam xin đăng tải ý kiến các Giám đốc CNTT Bộ, ngành về vấn đề này.

Ông Vũ Duy Lợi, GĐ Trung tâm CNTT, Văn phòng Trung ương Đảng, cho biết: “Năm nay, chúng tôi được Ban Bí thư giao nghiên cứu xây dựng đề án triển khai giao dịch điện tử trong hoạt động của các cơ quan Đảng để báo cáo Ban Bí thư vào cuối quý 2. Tuy nhiên, Văn phòng Trung ương có ý kiến dứt khoát nếu không có quy định của Ban Bí thư về việc sử dụng chữ ký số trong hoạt động các cơ quan Đảng thì nhất quyết không triển khai dù có sản phẩm dùng được. Khảo sát một số cơ quan Đảng và Nhà nước thấy cái thiếu hiện nay chính là khung pháp lý chứ không phải sản phẩm hay vấn đề kỹ thuật. Cần có khung pháp lý từ trên xuống dưới chứ không phải trong nội bộ từng cơ quan, trong đó xác định lộ trình sử dụng chữ ký số trong các cơ quan Nhà nước. Đồng thời, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan Đảng và Nhà nước để việc triển khai chữ ký số chuyên dụng đảm bảo tính triệt để và đồng bộ”.

Ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục CNTT, Bộ GD&ĐT cũng đưa ra ý kiến: “Tại hội nghị giao ban các chánh Văn phòng của các Sở giáo dục, chúng tôi cũng quyết định không cần dùng chữ ký số. Các văn bản của Bộ toàn có tính công khai, không phải dùng token. Nếu dùng token chỉ để xác nhận là đã nhận và mở mail thì chắc chỉ 3 ngày là giải tán. Cục Ứng dụng CNTT đã từng dùng token để xác thực ngân hàng khi trả lương song chỉ 4 tháng rồi phải hạ màn”.

Còn theo ông Phạm Tiến Dũng, Phó Cục trưởng, Cục Công nghệ Tin học ngân hàng, NHNN Việt Nam, Cục đã cấp khoảng 6.000 chữ ký số cho các ngân hàng thương mại và 600 tổ chức tín dụng, mỗi ngày có khoảng 7 tỷ USD được chuyển hoàn toàn trên hệ thống ứng dụng có chữ ký số. Toàn bộ báo cáo điện tử của các NHTM đến Thống đốc NHNN đều đã sử dụng chữ ký số. Giờ nếu Ban Cơ yếu Chính phủ triển khai chữ ký số chuyên dụng trong hệ thống ngân hàng thì phải tính toán, không thể nào để một cán bộ NHNN phải đeo 2 - 3 cái token ở cổ. Nên chăng tính tới việc xác thực chéo (có thể dùng cầu hoặc dùng chung RootCA,..) để 2 hệ thống chữ ký số có thể “nói chuyện” được với nhau. Bây giờ ép buộc tất cả cán bộ các Bộ dùng chung chứng thư số chuyên dụng của Ban Cơ yếu Chính phủ thì thực sự khó khăn. Ngoài ra, cần lưu ý rằng các công ty Việt Nam hiện không có đủ năng lực để tích hợp chữ ký số với những phần mềm ứng dụng của nước ngoài.

Nội dung được đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 56 ra ngày 9/5/2012.