Trung tuần tháng 11/1972, tôi đang cùng anh bạn tát nước gần cây đa Cầu Đập thì một chị cùng xóm quảy gánh phân chuồng đi qua gọi: "Chú Khôi, về nhà ngay! Có người mang giấy gọi vào đại học cho chú". Tôi buông sợi dây gàu mặc thằng bạn ở lại, chạy hộc tốc về nhà thì thấy một bác mặc quần âu, áo sơ mi màu trứng sáo và chiếc áo khoác mỏng đang đứng đợi giữa sân.
Ông tự giới thiệu: "Bác là Mai đã về hưu, từ xã Nam Liên sang. Hôm qua bác đến phòng tuyển sinh của huyện để lấy giấy báo đại học cho con thì thấy có giấy gọi của cháu. Biết hai đứa cùng trường nên bác cầm luôn. Hôm nay sẵn xe đạp, bác mang sang cho cháu vì sợ họ có gửi bưu điện thì chẳng biết khi nào mới đến tay cháu".
"Dạ, cháu cảm ơn bác nhiều ạ. Thế này thì làm bác đi đường vất vả quá", tôi nói. Vì từ nhà bác đến nhà tôi ở vùng hạ huyện khoảng 15km. Cầm tờ giấy báo nhập học trên tay, lòng tôi rạo rực, bâng khuâng. Bởi giữa tháng 10 thấy có mấy đứa trong xã thi cùng đợt đã có giấy gọi. Đứa vào Bách khoa, đứa vào Cơ điện, còn mình chẳng thấy tăm hơi gì. Tôi nghĩ: "Chắc hết hy vọng".
Mua thêm cho tôi bộ quần áo, chuẩn bị cho tôi vài thứ và dúi cho tôi 2 đồng bạc (giá gạo khi đó là 8 hào/kg), hai ngày sau chị gái tiễn tôi ra bến đò sông Lam. Đò rời bến, chị tôi còn nói với theo: "Đi đường cẩn thận nha em, cố gắng học hành cho tốt". Đò ra đến giữa sông, bóng chị khuất dần nhưng hồn tôi vẫn miên man bởi hoàn cảnh.
Cha mẹ tôi mất sớm, chị phải bỏ học cấp 3 giữa chừng để làm lụng, vất vả sớm hôm cho hai anh em tôi ăn học. Cuốc bộ 15km ra đến ga Vinh, hỏi nhân viên nhà ga thì được biết do máy bay Mỹ vẫn bắn phá miền Bắc nên tàu khách chạy ra Hà Nội thất thường. Có khi 2-3 ngày mới có một chuyến. Tôi đành tìm cách đi nhờ xe goòng chở hàng ra ga Giáp Bát. Và may sao, chiều tối hôm sau tôi có mặt ở Hà Nội.
Tá túc một đêm ở nhà người dì tại phố Khâm Thiên, sáng hôm sau, tôi tìm đến 19 Lê Thánh Tông để làm thủ tục vào học khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Trường đang phải sơ tán lên Hà Bắc (trước đây) nên tôi và hai người khác nhập học cùng đợt bắt xe khách từ Bến Nứa sang Từ Sơn, rồi đi bộ tiếp hơn chục cây số nữa đến làng Sát Thượng, huyện Yên Phong - nơi khoa Ngữ văn dừng chân.
Lớp học của thầy và trò thời ấy là đình, chùa, trụ sở hợp tác xã; nơi ăn ở là nhà dân và cứ 2-3 sinh viên mỗi nhà. "Ba cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với người dân nơi đây gần 2 tháng, sau Hiệp định Paris (27/1/1973) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, chúng tôi được lệnh di chuyển về Thanh Xuân, Hà Nội.
Chúng tôi gắn bó cùng mảnh đất Mễ Trì đến cuối năm 1976 với bao kỷ niệm khó phai. Đó là những tháng ngày "mài đũng quần" để làm giàu kiến thức trên các phòng học, giảng đường tường xây và cả tranh tre nứa lá. Là những ngày trường ca bữa sáng nửa bánh mỳ (hơn 100g), trưa, tối thì mỳ sợi, mỳ hấp nhiều hơn cơm gạo.
Hai dãy nhà tầng có sức chứa vài trăm cán bộ, sinh viên, nhưng có mỗi bể chứa nước chừng 5m3 nên tứ thời, chị em phải chờ tận đêm khuya mới hoàn thành việc tắm giặt...
Phải nếm trải đủ mùi gian khổ, khó khăn nhưng các thế hệ sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội nói chung, khoa Ngữ văn nói riêng may mắn được thụ giáo một đội ngũ cán bộ giảng dạy được mệnh danh là "thế hệ vàng" của nền giáo dục đại học nước nhà.
Đó là GS. Hoàng Xuân Nhị (họ hàng gần với học giả Hoàng Xuân Hãn nổi tiếng một thời ở Paris), giữ trọng trách Chủ nhiệm khoa trong nhiều năm. Thầy từng tu nghiệp ở Pháp và tốt nghiệp cử nhân văn chương ở Đức về. Dáng người cao lớn, tóc đã bạc trắng và nước da hồng hào, giọng chậm rãi nhưng khúc chiết, thầy giảng cho chúng tôi về lịch sử văn học Nga, mỹ học Mác-xít.
Có một điều mà các thế hệ sinh viên khoa Ngữ văn vô cùng cảm phục là chỉ bằng tự học tiếng Nga hơn nửa năm mà GS. Hoàng Xuân Nhị là tác giả đầu tiên của giáo trình Văn học Nga - Xô Viết dùng trong các trường đại học đầu những năm 1960. Cũng nhờ thông thạo ngoại ngữ mà thầy phân tích, dẫn giải rất sâu sắc về tác giả và tác phẩm của Gorky, về các tiểu thuyết nổi tiếng Sông Đông êm đềm, Đất vỡ hoang của Solokhov…
Khi khóa sinh viên chúng tôi vào khoa Ngữ văn, GS. Nguyễn Tài Cẩn mới là chủ nhiệm bộ môn Ngôn ngữ học, nhưng thầy đã được đánh giá là một chuyên gia hàng đầu về Việt ngữ học và Hán Nôm.
Vốn có năng lực nên GS. Nguyễn Tài Cẩn, những năm 1955 - 1960, đã được Nhà nước cử đi làm chuyên gia Việt ngữ tại Đại học Tổng hợp Leningrad. Cũng tại đây, sau khi bảo vệ luận án phó tiến sĩ Ngôn ngữ học (đầu tiên của Việt Nam tại Liên Xô cũ), thầy bén duyên với cô gái Nga có tên là Nonna Stankevich (con một vị tướng thời chiến tranh vệ quốc vĩ đại). Về sau bà cũng chuyên nghiên cứu và giảng dạy tiếng Việt.
GS. Nguyễn Tài Cẩn thu hút sự hiếu kỳ của các lứa sinh viên không chỉ ở chuyện ông lấy vợ người nước ngoài. Vợ ông hiếm khi mặc váy mà thường xuyên ăn vận quần lụa đen, áo sơ mi và không nề hà cuốc đất trồng rau, biết xay thóc, giã gạo và cả lội ruộng mò cua thời phải đi sơ tán ở Hà Bắc.
Thầy Cẩn còn gây ấn tượng ở chỗ vừa vào lớp là đặt cái túi vải đựng tài liệu lên bàn, viết mấy chữ tiêu đề bài học lên bảng. Rồi một tay đút túi quần, thầy đi từ đầu lớp đến cuối lớp, giọng lên bổng, xuống trầm khiến hàng trăm cặp mắt dõi theo như bị thôi miên. Giảng dạy đi liền với nghiên cứu. Đáng chú ý là cụm công trình: Ngữ pháp tiếng Việt - từ ghép, đoản ngữ, Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt, Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán - Việt của GS đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về lĩnh vực Khoa học xã hội (năm 2000).
Dẫu có những thầy, cô giáo do quy định của nội dung chương trình, suốt 4 năm đào tạo chúng tôi chỉ học 1-2 buổi, thậm chí chỉ 2-3 tiết nhưng đã để lại những dấu ấn khó phai nhòa. Ấn tượng ấy vẫn còn ngay cả khi trên đầu các sinh viên đã hai thứ tóc. Ấy là GS, Nhà giáo nhân dân Lê Hồng Sâm, Chủ nhiệm bộ môn Văn học Pháp suốt nhiều năm liền, một dịch giả tài hoa và là “cầu nối” giữa nền văn hóa Pháp và văn hóa Việt Nam. Cô luôn thể hiện sự nhẹ nhàng, lịch lãm ngay cả trong truyền đạt một số tác giả lớn và phức tạp như Balzac, Stendhal hay Flaubert.
Các thế hệ sinh viên khoa Ngữ văn - Đại học Tổng hợp cách đây hơn nửa thế kỷ thỉnh thoảng gặp nhau vẫn nhắc đến GS, Nhà giáo nhân dân Hà Minh Đức, nguyên Chủ nhiệm khoa Báo chí (trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội), nguyên Viện trưởng Viện Văn học. Thầy được coi là một trong những nhà lý luận phê bình hàng đầu của nền văn học Việt Nam hiện đại. Và thật hiếm có một người như GS. Đức, là đàn em nhưng bằng con đường văn chương đã trở thành bạn tâm giao, tri kỷ với các bậc tài danh Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi… vang tiếng một thời.
Đi qua những năm tháng, mỗi người đều mang theo mình vô vàn ký ức. Ký ức đó có thể là tình yêu quê hương cháy bỏng, một mảng mơ hồ, mộng mị của tình yêu đôi lứa, hoặc khoảng lặng nhớ về một người, một thời gian khó... Tất cả ký ức vui buồn ấy sẽ sống lại qua tuyến bài Hồi ức thế hệ 5X - 8X. VietNamNet mời độc giả thế hệ từ 5X đến 8X gửi chia sẻ về ký ức của mình đến email: [email protected]. Những bài có nội dung hấp dẫn, cảm động sẽ được đăng tải trên VietNamNet. Trân trọng cảm ơn! |
Khôi Nguyên