Tôi từng kinh doanh vũ trường, karaoke, nhà hàng từ những năm đầu 90. Thường đêm cuối tuần, khách hàng có thể lên tới cả gần ngàn người.

Nhà hàng Phúc Quần Các ở ngay tầng trệt, việc đi lại khá thuận lợi, sảnh rộng, sân thoáng, an toàn.

Vũ trường và karaoke trên tầng 2, có cầu thang rộng để khách đi lại. Tôi vẫn cho thiết kế, xây dựng 2 cầu thang thoát hiểm bên hông, sử dụng khi có sự cố.

Gần chục năm kinh doanh, nhờ Trời, 2 cầu thang phụ này chỉ dùng trong việc đi lại của nhân viên, chưa 1 lần sử dụng cho việc thoát hiểm.

Vũ trường, karaoke, do yêu cầu về trang âm, cần phải kín, sử dụng nhiều vật liệu cách âm, dễ cháy: salon gỗ, đệm mút, bọc vải, trải thảm... Nhiều thiết bị âm thanh, ánh sáng công suất lớn treo trên tường, trên trần. Dây điện, dây dẫn đi ngầm, nổi, trong tường, dưới sàn, dưới thảm, trên trần, có thể nói là khắp nơi.

Chưa nói gì đến phá hoại, chỉ sơ ý nhỏ như 1 mẩu thuốc lá, 1 sự cố chập điện, đều có thể trở thành thảm hoạ lớn cho tài sản và sinh mạng hàng trăm, hàng ngàn người.

Những năm 90, quy định về phòng chống cháy, nổ chưa đầy đủ, cụ thể; trang thiết bị báo cháy, sơ cứu chưa hiện đại như hiện nay.

Đương nhiên, qui trình thẩm định, xét duyệt, cấp phép của cơ quan chuyên môn về cháy, nổ cũng đơn giản, sơ sài hơn.

Kệ quy định. Tôi cho đào một bể nước chừng hơn 2 chục khối ngay tại sân trước, bố trí 5 họng nước cứu hoả lớn, dùng trong trường hợp có cháy, nổ.

Thực ra, để được các cơ quan cấp phép chấp thuận, có nhiều cách. Có thể "chạy", nộp tiền bảo kê, chí ít cũng nhận được sự dễ dãi khi kiểm tra một cách qua loa, chiếu lệ. Tôi chọn cách làm ăn nghiêm túc, lâu dài, không chọn phương án "chạy".

{keywords}

Lực lượng PCCC nỗ lực chữa cháy (Ảnh: Trần Thường)

Lý do là vì: Quy mô đầu tư, với những trang thiết bị chuyên dụng đắt tiền là tài sản lớn, không cho phép dễ dãi, làm ẩu.

Vũ trường, karaoke là loại kinh doanh có điều kiện, là nơi tập trung đông, ồn ào, tính mạng con người không phải chuyện đùa.

Tôi quy định bắt buộc với cơ sở kinh doanh của mình: Giám đốc, các phó giám đốc thay nhau trực hàng đêm. Các trưởng bộ phận kinh doanh, kĩ thuật, bảo vệ phải thường xuyên kiểm tra các nguy cơ dẫn đến cháy, nổ và xây dựng phương án xử lý sự cố.

Tất cả nhân viên phục vụ được hướng dẫn kĩ năng đối phó với sự cố cháy, nổ và có trách nhiệm hướng dẫn khách.

Hàng ngày, kiểm tra bình cứu hoả cá nhân, bể chứa nước và các họng cứu hoả.

Điều này không chỉ là nhận thức, trình độ, mà còn là trách nhiệm, là đạo đức của người kinh doanh.

Kinh doanh vũ trường, karaoke, phải tự ý thức được tính chất đặc thù và những rủi ro tiềm ẩn. Khi chưa đủ điều kiện kinh doanh lại trông vào sự dễ dãi trong quản lý, việc sẽ xảy ra cháy nổ là đương nhiên. Chỉ là lúc nào, ngày nào, giờ nào mà thôi.

Về vụ cháy quán karaoke hôm 1/11 ở 68 Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội). Cơ quan CSĐT đã quyết định khởi tố vụ án. Qua báo chí và truyền thông đưa tin, dễ dàng nhận thấy: Biển quảng cáo bằng vật liệu dễ cháy, che kín toàn bộ mặt tiền, cản trở lực lượng cứu hoả; không có lối thoát hiểm thuận lợi, đủ cần khi xảy ra sự cố; 

Không có họng cứu hoả, hoặc gỉ sét, không có nước; bình cứu hoả nặng về trang trí; nhân viên không được trang bị kĩ năng đối phó với cháy nổ; biển báo, chỉ dẫn khách không đầy đủ; thậm chí, giấy phép kinh doanh còn chưa được cấp mà vẫn cho khách vào hát...

Chủ cơ sở kinh doanh phải chịu trách nhiệm, đương nhiên. Còn ai nữa phải chịu trách nhiệm?

Cháy rồi, người chết rồi. Nạn nhân là cán bộ nguồn cấp phòng, hay nhân viên phục vụ làm công ăn lương, không phải là đề tài để tôi quan tâm bởi họ đều là con người. Hơn chục mạng người đã chết sau một vụ cháy, nổ giữa thành phố lớn, là một kết cục quá đau lòng.

Tôi không chấp nhận những kẻ lồng ghép thái độ bất mãn để cười đùa, nhạo báng những nạn nhân. Tôi coi đó là sự vô cảm độc ác.

Cầu nguyện cho tất cả các nạn nhân xấu số và xin chia buồn với gia đình họ!

Thật đáng buồn, vấn đề cháy, nổ đã chỉ bùng lên ầm ĩ, sôi nổi biết bao lần sau mỗi vụ hoả hoạn, rồi lại chìm dần, cho đến khi xảy ra một vụ cháy, nổ mới.

Đã từng cháy lớn ở Zone 9, cháy karaoke Nguyễn Khang, cháy nhà xưởng, cháy chung cư, cháy cửa hàng bán xe, cháy cơ sở kinh doanh… Chúng ta cứ rút kinh nghiệm, xong đâu lại vào đấy!

{keywords}

Vụ cháy được đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng (Ảnh: Trần Thường)

Sau vụ cháy thảm khốc, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ra văn bản cấm học viên đi hát karaoke, cấm uống rượu bia trong giờ làm việc; chủ tịch quận ra quyết định tạm dừng kinh doanh gần trăm cơ sở karaoke trên địa bàn quận Cầu Giấy... Còn các quận huyện khác thì sao? Không lẽ, chỉ vì tên quận có chữ "Giấy" mới hay xảy ra cháy, nổ? Tất cả động thái này, chỉ là đang xử lí phần ngọn.

Luật phòng cháy, chữa cháy thông qua năm 2001, bổ sung, sửa đổi hoàn chỉnh cuối 2013, có hiệu lực năm 2014. Sở cảnh sát PCCC Hà Nội cũng được thành lập năm 2011 từ phòng cảnh sát PCCC Công an thành phố Hà Nội. Cuốn sách về Luật PCCC xuất bản 2015, giá 350k được bán rộng rãi, dễ mua.

Vậy, tại sao các vụ cháy nổ càng ngày càng nhiều, thiệt hại về người và của ngày càng lớn? Trong chúng ta, có bao nhiêu người không biết phải gọi số 114, mỗi khi có sự cố cháy nổ? Có bao nhiêu người không biết sử dụng bình cứu hỏa?

Nhà trường, các đơn vị, cơ sở kinh doanh có dạy học sinh, nhân viên kĩ năng đối phó với cháy, nổ không? Tại sao 1 vụ cháy tại một dãy nhà chỉ cao 30 - 40m, trên mặt tiền một phố lớn, đường to, vỉa hè rộng rãi, vào ban ngày mà sau 4,5 tiếng mới khống chế hoàn toàn được đám cháy?

Có quá nhiều câu hỏi. Và đây là tiếng chuông cấp bách về phòng, chống cháy, nổ không chỉ cho Hà Nội mà còn đối với tất cả các thành phố trên cả nước.

Còn các bạn, tốt nhất là không đi hát karaoke. Nếu bạn không thể từ chối được, thì trước khi vào phòng hát, nên kiểm tra kỹ lối thoát hiểm, bình cứu hoả trước khi chọn bài!

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

KTS Bùi Huy Hội