Theo hệ can - chi của triết học cổ phương Ðông, sau năm Bính Thân (2016) là năm Ðinh Dậu (2017).
Với vòng luân chuyển của 12 con giáp, năm Ðinh Dậu là năm “cầm tinh” con gà. Trong đời sống, họ hàng nhà gà có đóng góp rất lớn về mặt sức khỏe của con người.
Tăng cường miễn dịch, nâng cao sức đề kháng cho phụ nữ sau sinh, người mới ốm dậy, cơ thể suy nhược, xanh xao, gầy còm
Một con gà giò (gà nhỏ bằng vụm tay), loại gà ác, tức gà có lông trắng, da, thịt, chân, mỏ đều có màu đen, sau khi mổ, cho đương quy phiến vào trong bụng gà, tần cách thủy. Ngày một con, ăn cả thịt gà và đương quy. Tuần ăn 3-4 lần.
Trị bụng bị báng, bụng trướng to (viêm gan, xơ gan)
Một con gà giò (loại gà ác) hay gà ô kê (gà có lông, da, thịt, chân, mỏ đều đen). Sau khi mổ, cho 30-50g sinh hoàng kỳ phiến vào bụng gà. Tần cách thủy. Ngày dùng một con, ăn cả thịt gà và hoàng kỳ. Tuần 3-4 lần. Cũng có thể tần các loại gà trên với linh chi, tam thất... Vì thịt gà rất giàu protid, lipid, các muối khoáng Ca, Fe, các vitamin B1, B2, PP...
Dân gian còn dùng nhiều bộ phận: màng mề gà, trứng gà, vỏ trứng gà, màng trứng, gà, mật gà... để làm thuốc.
Màng mề gà (kê nội kim)
Khi mổ gà, lột lấy lớp màng phía bên trong mề, rửa sạch, phơi khô hoặc sấy khô ở nhiệt độ thấp. Khi dùng có thể đem kê nội kim sao nhỏ lửa để phồng đều cho mùi thơm, hoặc sao với cát, với cám gạo.
Màng mề gà chứa các protein, vị kích tố, các vitamin... Có tác dụng tăng tiết dịch vị, tăng cường nhu động của dạ dày, ức chế một số tế bào ung bướu. Theo y học cổ truyền, kê nội kim có vị ngọt, tính bình. Quy kinh vị, tiểu tràng, bàng quang. Có công năng kiện vị tiêu thực, khai vị, sáp tinh, hóa thạch, thông lâm. Liều dùng chung từ 3-9g.
Kê nội kim được dùng trị các chứng ăn, uống không tiêu, bụng trướng, nôn, tả, lỵ, trẻ con bị cam tích, viêm ruột, tiểu tiện ra máu.
Trị chứng cam tích ở trẻ em: dùng 2-5g bột mịn kê nội kim, hòa vào nước ấm, hoặc sữa mẹ cho uống.
Trị đi tiểu nhiều lần hoặc trẻ đái dầm, tiểu tiện buốt, nhỏ giọt: dùng 3g bột kê nội kim uống với nước ấm, hoặc rượu.
Trứng gà (kê tử)
Lòng đỏ (kê tử hoàng) chứa nhiều chất bổ, giàu acid amin, lecitin, acid folic... Với người già yếu, suy dinh dưỡng, dùng trứng gà đánh quyện với mật ong, vừa bổ lại có tác dụng trị viêm loét dạ dày tá tràng. Có thể dùng lòng đỏ trứng gà đã luộc chín, cho vào dụng cụ (muôi, bát), đốt nóng cho dầu chảy ra. Lấy dầu này bôi vào vết bỏng, vết chốc lở... cho chóng lành, nhanh lên da non.
Lòng trắng trứng gà (kê tử bạch) có tác dụng ngăn chặn các chất độc xâm lấn vào cơ thể đối với những người bị trúng độc. Lòng trắng trứng gà cùng với giấm, đồng lượng có tác dụng làm dễ ra nhau thai sau sinh. Ngoài ra còn dùng bôi vào các vết bỏng nhẹ để tránh phồng rộp.
Vỏ trứng gà rửa sạch, phơi khô hoặc sấy khô, nghiền bột mịn, ngày uống 3 lần, mỗi lần 2g, trước bữa ăn để trị loét dạ dày, tá tràng, hoặc chứng hôi miệng.
Vỏ trứng gà (sau nở con) rửa sạch, phơi khô, hoặc sấy khô, sao vàng, nghiền bột mịn, hòa với dầu vừng, bôi vào nơi bị chốc, lở.
Màng trứng gà: vỏ trứng gà sau ấp nở, bóc lấy màng, rửa sạch, phơi trong râm cho khô, dùng trị ho lâu ngày, hen suyễn: ngày 3g, dưới dạng thuốc sắc; có thể phối hợp với ma hoàng, trần bì.
Mật gà có vị đắng, tính hàn, có tác dụng giảm ho, long đờm, tiêu độc. Dùng trong các trường hợp ho lâu ngày, ho gà, hen suyễn.
Mật gà (gà đen càng tốt) một cái, phối hợp với hạt quất, hạt chanh, lá thạch xương bồ, đồng lượng 10g, thêm 5g đường phèn. Tất cả để tươi, giã giập, hấp cơm. Lấy ra, gạn lấy dịch cho uống 2-3 lần trong ngày.
Theo Sức khỏe & Đời sống