Ngày 16/5, bà Nguyễn Thị Thanh (GĐ Công ty TNHH Mai Thanh – chủ nhà máy nước sạch Phú Mỹ Tân) đã nộp đơn khởi kiện Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng, ông Trần Văn Dương – người ký ban hành các quyết định hành chính số 755; 756; 1256.
Đơn được bà Thanh gửi lên TAND tỉnh Nam Định.
Bà Thanh đề nghị Toà huỷ bỏ toàn bộ các quyết định hành chính; buộc UBND huyện Nghĩa Hưng bồi thường thiệt hại, khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của công ty vì cho rằng các quyền lợi của công ty bà bị xâm phạm.
Ngày 18/5, TAND tỉnh Nam Định đã có văn bản tiếp nhận đơn khởi kiện các quyết định hành chính của công ty Mai Thanh.
Trao đổi với VietNamNet, Chủ tịch huyện Nghĩa Hưng Trần Văn Dương cho biết: công ty Mai Thanh có quyền khởi kiện để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng.
“Cá nhân tôi thực hiện theo đúng thẩm quyền, nhiệm vụ được giao, vì sự phát triển chung. Tất cả đều được pháp luật quy định” – ông Dương nói.
Vì sao đường ống phải đi chìm?
Mấu chốt chưa thể gỡ nút thắt trong vụ việc này chính là phương án đường ống đặt nổi – đặt chìm. Phía công ty Mai Thanh cho rằng, đường ống đặt chìm sẽ không bảo đảm vấn đề an toàn, bị ảnh hưởng của nước mặn – lợ sẽ nhanh bị bào mòn đường ống; khó khăn trong khắc phục xử lý khi xảy ra sự cố…
Tuy nhiên, BQL các công trình đường thuỷ (Bộ GTVT) cho rằng đó là phương án tối ưu, không thể đưa đường ống dẫn nước đặt nổi và “ghé” lên thành cầu theo như đề xuất của công ty Mai Thanh.
Ông Nguyễn Văn Thưởng (Trưởng phòng QLDA 2 – Ban QLDA đường thuỷ, Bộ GTVT) cho biết, để lựa chọn phương án, hội đồng GPMB huyện Nghĩa Hưng đã ký một hợp đồng với đơn vị tư vấn để thiết kế sơ bộ. Tư vấn thiết kế đã xem xét rất kỹ mới đề xuất phương án đi chìm đường ống có chiều dài khoảng 400m này.
Sau khi lựa chọn phương án đi chìm, hội đồng GPMB huyện đã tuyển chọn tư vấn thiết kế bản vẽ thi công chi tiết. Thiết kế này đã được tư vấn lập, thẩm tra độc lập và Sở Xây dựng Nam Định thẩm định, UBND huyện Nghĩa Hưng phê duyệt.
Về kiến nghị của công ty Mai Thanh xem xét phê duyệt phương án đường ống hoàn trả đi cạnh theo thân cầu, ông Thưởng cho biết: "Dầm và hệ thống móng cọc của cầu Đáy - Ninh Cơ đều đã được thiết kế đến sát các trạng thái giới hạn khai thác an toàn và không bố trí các kết cấu đỡ đường ống nước. Mọi trường hợp bố trí đường ống nước lên cầu đều dẫn đến phải điều chỉnh lại toàn bộ thiết kế hệ thống móng, trụ và kết cấu nhịp của cầu.
Tư vấn đã tính toán phương án đường ống nước cạp một bên thành cầu. Kết quả kết cho thấy ứng suất kéo của kết cấu nhịp ở trạng thái giới hạn sử dụng không đạt yêu cầu.
Ngoài ra, Dự án WB6 sử dụng nguồn vốn vay Ngân hàng thế giới là vốn ngân sách Nhà nước nên mọi phương án hoàn trả đều phải được xem xét kỹ lưỡng trên cơ sở đảm bảo yêu cầu về mặt kỹ thuật và kinh tế".
"Phương án chia nhỏ đường ống để phân bố 2 bên thành cầu, kết quả tính toán của tư vấn cho thấy ứng suất kéo của kết cấu nhịp ở trạng thái giới hạn sử dụng không đạt yêu cầu. Như vậy, phương án hoàn trả đường ống nước theo thân cầu không khả thi" - ông Thưởng giải thích thêm.
Về lo lắng của doanh nghiệp đối với phương án đặt chìm nếu xảy ra sự cố, ông Thưởng cho biết, phương án giải quyết nếu xảy ra sự cố là một phần của hồ sơ thiết kế tuyến ống hoàn trả và đã được tính toán.
“Đường ống nước qua kênh gồm 2 đường ống chạy song song, đáp ứng nhu cầu khai thác. Khi một đường ống xảy ra sự cố thì ống còn lại vẫn đáp ứng 70% lưu lượng. Do đó, về cơ bản đáp ứng cung cấp nước ngay nếu trường hợp một trong 2 đường ống xảy ra sự cố. Việc xử lý khắc phục sự cố có thể thực hiện trong 72 giờ hoặc lâu hơn và sẽ không ảnh hưởng đến việc cung cấp nước của nhà máy đến người dân.
Kiên Trung