Nạn nhân của thảm kịch này là Faigy Mayer, 30 tuổi, người sáng lập và CEO của Appton, một startup phát triển ứng dụng có trụ sở tại New York. Theo thông tin trên trang LinkedIn của Mayer, cô đã phát triển một số ứng dụng iOS, bao gồm NYCTips giúp tính toán các khoản tip cho các nhà hàng ở New York, ứng dụng đậu xe có tên Carma và cuối cùng là ứng dụng quản lý chi tiêu ExpenseTracker. Trước đó, Mayer tốt nghiệp với bằng cử nhân kế toán từ Đại học Touro, nhận bằng thạc sĩ kế toán từ Đại học Brooklyn, và gần đây nhất, cô mới nhận Chứng chỉ thuộc Chuyên môn Khoa học Dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins.
Theo ghi nhận từ hiện trường, vào khoảng 6 giờ 45 phút chiều 20/7, Mayer đã đứng trên mỏm đá đặt trên tầng thượng của quầy bar 230 Fifth và đột ngột nhảy xuống. Hiện vẫn chưa rõ liệu Mayer chỉ đến đây để tự tử hay trước đó vẫn làm khách tại quầy bar. Các nhà chức trách đã xác nhận được danh tính của Mayer nhờ chiếc ví và ba lô cô để lại ngay tại quầy bar trên tầng thượng. Được biết, cảnh sát thông báo Mayer đã tử vong ngay tại hiện trường.
Một nhân chứng tại hiện trường cho hay, ngay trước lúc xảy ra sự việc, tại quán bar này đang có một bữa tiệc. Bất ngờ, Mayer bỗng từ đâu chen qua từng người một để nhảy xuống dưới tìm cái chết. Nguồn tin từ cảnh sát cho biết đây phần nhiều là một vụ tự tử. Một vị khách tại quầy bar chia sẻ rằng, chính những mỏm đá vốn chỉ rộng hơn 1 mét đặt trên tầng thượng là mối nguy hiểm cực lớn cho những khách hàng uống quá nhiều và có thể không còn tỉnh táo. Đồng thời, anh còn khuyên mọi người nên hết sức cẩn thận mỗi lần đứng trên đó, cho dù chỉ để ngắm cảnh.
Dường như những vụ tự tử của các chủ dự án startup – điển hình như Mayer – chính là hậu quả không thể chối bỏ của cuộc chiến âm thầm trong ngành công nghiệp công nghệ cao. Thay vì “làm thuê” cả đời cho một công ty lớn, nhiều người chấp nhận việc rời bỏ chốn an toàn và bắt đầu gây dựng sự nghiệp từ con số 0 với tham vọng thay đổi thế giới. Điều này dẫn đến mặt tối của startup - chứng trầm cảm ngày một trầm trọng dẫn đến căng thẳng kéo dài, thậm chí nhiều người đã tìm đến cái chết để tự giải thoát.
Đây cũng không phải những trường hợp hiếm thấy. Một nghiên cứu do Tiến sĩ Michael Freeman – doanh nhân kiêm giáo sư lâm sàng tại UCSF – đã chứng minh được mối liên hệ giữa lĩnh vực kinh doanh với tỷ lệ ngày một tăng của các chứng bệnh liên quan tới sức khỏe tâm thần. Trong số 242 doanh nghiệp được tiến hành khảo sát, 49% cho biết họ đang mắc phải các chứng bệnh về sức khỏe tâm thần.
Trong đó, trầm cảm là tình trạng bệnh thường gặp nhất khi chi phối tới 30% số doanh nhân được phỏng vấn. Tiếp sau đó là chứng rối loạn tăng động giảm chú ý ADHD (29%) và chứng rối loạn lo âu (27%). Những con số này như một hồi chuông cảnh báo cho tỷ lệ mắc bệnh về sức khỏe tâm thần khá cao ở Mỹ, nơi vốn được nhận định chỉ có khoảng 7% dân số mắc chứng trầm cảm.