8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 265 tỷ USD; trong đó, xuất siêu vào thị trường Hoa Kỳ đạt hơn 68 tỷ USD, tăng gần 28% so với cùng kỳ 2023.
Hoa Kỳ đang là thị trường xuất khẩu quan trọng của nhiều mặt hàng Việt Nam bao gồm thực phẩm. Tuy nhiên đây cũng là thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm rất cao với nhiều đạo luật được ban hành.
Để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này, doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật thông tin và đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu. Đây là nội dung được các chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo "Các quy định của Hoa Kỳ trong ngành thực phẩm” do Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức hôm 13/9.
Về mặt số liệu, kim ngạch xuất khẩu vào Hoa Kỳ đang tăng trưởng tốt, tuy nhiên phần lớn hàng nông sản, thực phẩm Việt Nam đang xuất khẩu ở dạng thô hoặc sơ chế, đóng bao lớn và không có nhãn mác.
Nguồn nguyên liệu này thường được doanh nghiệp Hoa Kỳ nhập khẩu hoặc thông qua bên thứ ba chế biến và đưa ra thị trường dưới tên thương hiệu của họ. Do đó, giá trị người sản xuất nông sản, thực phẩm và doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam thu về chưa cao.
Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm vẫn đang là trăn trở lớn của nhiều doanh nghiệp và cả ngành lương thực thực phẩm Việt Nam.
Để kiểm soát chất lượng thực phẩm nhập khẩu, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã ban hành Đạo luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm (FSMA). Đạo luật này được xây dựng nhằm chuyển từ cơ chế phản ứng với sự cố mất an toàn thực phẩm sang phòng ngừa.
Luật FSMA không chỉ ảnh hưởng đến các nhà phân phối và sản phẩm thực phẩm ở Hoa Kỳ mà còn tác động đến cả những cơ sở có nhu cầu xuất khẩu thực phẩm vào Hoa Kỳ.
Một trong những chương trình quan trọng nhất của FSMA là Chương trình xác minh nhà cung cấp nước ngoài (FSVP), yêu cầu các nhà nhập khẩu thực phẩm phải thực hiện các bước xác minh cần thiết sau đó đánh giá sự tuân thủ của các nhà cung cấp nước ngoài với tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Hoa Kỳ.
Các doanh nghiệp muốn xuất khẩu thực phẩm vào Hoa Kỳ phải chủ động đáp ứng bằng cách kiểm xây dựng cơ chế kiểm soát chất lượng theo các bước: Phân tích mối nguy, kiểm soát quá trình, kiểm soát vệ sinh, kiểm soát chất gây dị ứng, chương trình chuỗi cung ứng...
Mặc dù Luật FSMA được Hoa Kỳ ban hành từ năm 2011 và bắt đầu có hiệu lực từ năm 2017-2020 (tuỳ theo nhóm doanh nghiệp) nhưng cũng được điều chỉnh, bổ sung thường xuyên. Do đó, doanh nghiệp phải liên tục cập nhật những thay đổi để đáp ứng tốt nhất yêu cầu từ phía khách hàng; phòng ngừa rủi ro phải thu hồi hoặc tiêu huỷ sản phẩm.
Ông Trần Nguyễn Phước Hưng, Giám đốc đào tạo Công ty trách nhiệm hữu hạn Tư vấn và Đào tạo SMP, nhấn mạnh việc đáp ứng các yêu cầu về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm không phải là việc mà chỉ doanh nghiệp kinh doanh hay người sản xuất làm được mà đòi hỏi sự đồng bộ của cả chuỗi cung ứng.
Với yêu cầu tuân thủ FSMA, người sản xuất nuôi, trồng phải thực hành sản xuất an toàn; đơn vị thu mua, bảo quản, sơ chế, chế biến, vận chuyển thực hành kiểm soát các mối nguy và phòng ngừa hiệu quả.
Đáp ứng các yêu cầu FSMA không chỉ giúp các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thành công vào thị trường Mỹ, mà còn mở ra nhiều cơ hội khác như mở rộng thị trường quốc tế, nâng cao uy tín và chất lượng sản phẩm, cải thiện khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.