Tối 11/10 theo giờ Việt Nam, Việt Nam đã trúng cử trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Trong số các cam kết của Việt Nam khi được bầu vào Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam đã ưu tiên thực hiện các cam kết và nghĩa vụ của mình theo các điều ước quốc tế về quyền con người.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh: “Việt Nam cho thấy những cam kết mạnh mẽ của một quốc gia luôn tích cực nỗ lực xây dựng lòng tin và đối thoại, làm cầu nối tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột trên thế giới."
Đơn cử như trong nhiệm kỳ ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam được đánh giá cao khi luôn thúc đẩy các nội dung thảo luận về tăng cường đối thoại và giải quyết xung đột thông qua các giải pháp hòa bình, đặt con người ở vị trí trung tâm, ưu tiên các chính sách nhân đạo.
Những chủ đề Việt Nam đưa ra thảo luận tại các phiên điểm nhấn của Hội đồng Bảo an như bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu của người dân, vai trò của phụ nữ đối với hòa bình và an ninh, giải pháp cho vấn đề bom mìn... đều có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với hòa bình và an ninh thế giới mà cả trong việc bảo vệ người dân, thúc đẩy quyền con người.
Trong nhiệm kỳ 2014-2016 tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Việt Nam đã đề xuất và tham gia nhiều sáng kiến được bạn bè quốc tế ủng hộ, trong đó có nghị quyết về tác động của biến đổi khí hậu với quyền trẻ em, vấn đề bảo vệ quyền lao động của người khuyết tật, bảo đảm môi trường làm việc an toàn cho người lao động trên biển, tăng cường giáo dục, phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em gái...
Đặc biệt, kể từ năm 2014, Việt Nam cùng Bangladesh và Philippines đã thúc đẩy các phiên thảo luận chuyên đề về đảm bảo quyền của các nhóm dễ bị tổn thương trong bối cảnh biến đổi khí hậu, đồng thời giới thiệu các dự thảo nghị quyết thường niên về biến đổi khí hậu và quyền con người.
Mỗi năm, nghị quyết tập trung vào từng chủ đề cụ thể (như quyền trẻ em, quyền sức khoẻ, quyền của người di cư, quyền phụ nữ… trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Tại Khóa họp lần thứ 50 diễn ra cuối tháng Sáu vừa qua, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết năm 2022 về biến đổi khí hậu và quyền con người do Việt Nam đồng chủ trì, tập trung vào quyền lương thực.
Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc cho biết vào ngày 28/7/2022, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua một nghị quyết lịch sử công nhận toàn cầu quyền con người được hưởng một môi trường trong sạch, lành mạnh và bền vững (R2HE). Sự phát triển pháp lý quốc tế quan trọng này củng cố hành động tại hơn 150 quốc gia nơi R2HE đã được công nhận.
Việc Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025 là trách nhiệm to lớn, nhưng cũng là cơ hội rất quan trọng để nỗ lực gấp đôi trong việc bảo vệ và thúc đẩy các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự và chính trị phù hợp với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế.
Trong số các cam kết của Việt Nam khi được bầu vào Hội đồng Nhân quyền, điều đáng khích lệ là Việt Nam đã ưu tiên thực hiện các cam kết và nghĩa vụ của mình theo các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã phê chuẩn 7 trên 9 điều ước; tăng cường giáo dục về quyền con người; và giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu đối với việc thụ hưởng các quyền con người, đặc biệt quan tâm đến quyền của các nhóm dễ bị tổn thương.
Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc Pauline Tamesis khẳng định Liên hợp quốc, với vị trí là một đối tác đáng tự hào và lâu dài của Việt Nam trong hơn 45 năm qua, sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam, các đối tác phát triển và các lực lượng trong xã hội, để đảm bảo quyền con người là trung tâm của mọi nỗ lực phát triển.
“Sự cộng tác và hợp tác được đổi mới, bao gồm sự hòa nhập và tham gia có ý nghĩa của các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng đa dạng, là các yếu tố quan trọng để thúc đẩy đối thoại sôi nổi cần thiết, giúp Việt Nam tiến bộ nhiều hơn nữa trên nhiều lĩnh vực liên quan đến đảm bảo quyền con người. Cùng nhau, chúng ta có thể thực hiện lời hứa về một gia đình nhân loại đề cao phẩm giá, tự do và công lý cho tất cả mọi người,” bà Pauline Tamesis khẳng định.
Lê Hợp, Bích Thủy, Diệu Bình