- Cây lúa, con cá, cao su, cà phê VN vẫn ở tầm thấp của thế giới, đa số lấy giá rẻ cạnh tranh, chơi với thế giới với kiểu cầu may, nơm nớp bị ép giá… Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng nêu câu hỏi Bộ NN&PTNT, Công thương… có ai trả lời QH một kế hoạch nâng cao chất lượng, giá cả và thương hiệu VN theo lộ trình mở cửa.
Phát biểu tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội sáng nay, ĐB Hà Sỹ Đồng nêu 3 vấn đề để đối phó nguy cơ tái bất ổn kinh tế vĩ mô có thể sớm lặp lại.
Ông cho cho rằng, tái cơ cấu nông nghiệp rất mờ nhạt. Từ cây lúa, con cá, cao su, cà phê VN vẫn ở tầm thấp của thế giới, vẫn đa số là hàng chất lượng thấp và lấy giá rẻ cạnh tranh, chơi với thế giới với kiểu cầu may, nơm nớp bị ép giá, trả về hay đổ bỏ… ĐB Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh nông nghiệp, nông dân và nông thôn vẫn là khu vực thiệt thòi nhất.
XEM ĐB HÀ SỸ ĐỒNG PHÁT BIỂU VỀ 3 VẤN ĐỀ KINH TẾ:
ĐB chất vấn: "Bộ NN&PTNT, Công thương… có ai có thể trả lời QH một bản kế hoạch đưa gạo hay nông sản VN vào Liên minh thuế quan Nga-Belarus-Kazakhstan, Hàn Quốc đã ký kết hay sắp tới là các thị trường khác thế nào? Ngay lúc này, các bộ có thể đưa ra một bản kế hoạch về nâng cao chất lượng, giá cả và thương hiệu Việt theo một lộ trình mở cửa 1-2 năm tới? Tôi hy vọng và mong không nhận được câu trả lời 'đang xây dựng'".
Khoai, hành, dưa hấu ế, các bộ ở đâu?
ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cũng nêu thực trạng "trăm người bán vạn người mua", nông dân làm theo phong trào, tạo ra nhiều sản phẩm khiến nông sản ế ẩm, vậy vai trò định hướng của bộ ngành, địa phương ở đâu để lúc thì khoai lang, dưa hấu, khi thì hành tím ế ẩm, còn cây mắc ca đang trồng ở nhiều nơi nhưng đầu ra ở đâu?
ĐB Đỗ Văn Đương |
Ông Đương kiến nghị hợp tác mạnh mẽ với các nước có công nghệ cao, sạch như Nhật, Israel; tìm nhu cầu thị trường để xác định địa chỉ tiêu thụ, ấn định quy mô sản xuất, cơ cấu vật nuôi cây trồng phù hợp. Ví dụ thị trường cần ăn ngon thì trồng lúa dài ngày chất lượng cao, thị trường cần ăn no thì trồng lúa ngắn ngày để xuất khẩu như Campuchia cũng từng làm thế.
"Tại sao Israel mưa ít nắng nhiều mà họ biến hoang mạc thành cánh đồng tươi tốt, trong khi nước ta nắng nhiều mưa nhiều mà hạn hán nghiêm trọng. Đau lòng khi đồng bào Trung Bộ Tây Nguyên đồng khô cỏ cháy, gia súc chết dần chết mòn. Liên quan gì phá rừng, làm thủy điện hay không, hay do biến đổi khí hậu. Giải pháp là xây thêm hồ chứa nước hay thay đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng, lộ trình thế nào?" - ĐB đặt hàng loạt câu hỏi.
Nợ xấu mới chỉ bị "bắt nhốt, xích lại"
Trưởng đoàn ĐBQH Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa cho rằng sự phục hồi kinh tế đáng kể, môi trường đầu tư có chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, sự phục hồi kinh tế hiện này nhờ “uống thuốc khỏe”, chưa vận hành lành mạnh ổn định với những giải pháp chủ động, chủ yếu tăng trưởng về số lượng, chưa thay đổi về chất lượng, nâng sức cạnh tranh. Cơ cấu của mô hình tăng trưởng cũ sau 2 năm tái cơ cấu hầu như chưa có chuyển biến căn bản, dựa vào vốn FDI ngày càng sâu sắc, khu vực sản xuất DN nội địa gặp nhiều khó khăn, số DN nội địa phá sản tiếp tục tăng...
Ông cũng chỉ ra bất cập chất lượng xuất khẩu còn tập trung hàng nông sản sơ chế, trong khi đó lại nhập trung gian nhiều, chủ yếu nhập linh kiện lắp ráp, gia công và nhập đầu vào cho nông nghiệp. Theo ĐB, cơ cấu xuất nhập khẩu như vậy chỉ phục vụ cho một nền kinh tế thụ động. Việc tham gia chuỗi giá trị rất hạn chế, đình đốn, công nghệ sản xuất dưới mức trung bình của các nước. Trong khi đó xuất nhập khẩu hàng tiêu dùng nhiều, hệ lụy là dường như đang cố duy trì thật lâu nền kinh tế công nghệ thấp, năng suất lao động thấp...
XEM ĐB HUỲNH NGHĨA PHÁT BIỂU:
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thái Học phản ánh nhiều chủ trương hợp lòng dân, nhưng triển khai chậm, người dân thiếu tin tưởng. Như gói tín dụng ưu đãi 30 nghìn tỷ đồng từng được người thu nhập thấp hy vọng có nhà, dù Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng tâm huyết quyết tâm, nhưng đến nay mới giải ngân được 20%.Hay gói hỗ trợ 16 nghìn tỷ đồng hỗ trợ ngư dân Chính phủ quyết tâm, Bộ NN&PTNT, NHNN nỗ lực, nhưng theo báo cáo của MTTQ, mới có 2 tàu đóng mới giải ngân xong. Vì sao chủ trương khi bàn thì được ngư dân ủng hộ mà thực hiện chậm thế? -ĐB hỏi.
Ông cũng đặt câu hỏi vì sao tham nhũng được Đảng đánh giá ngày càng diễn biến phức tạp, nhưng công tác phát hiện điều tra truy tố xét xử ngày càng giảm. 4 tháng đầu năm nay, báo cáo cho thấy tội phạm tham nhũng khởi tố giảm 29 vụ. "Phải chăng chưa chọc thủng được bức màn che đậy hành vi tham nhũng để xử lý triệt để?" - ĐB Thái Học hỏi.
Cần chiến lược Biển Đông
ĐB Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên - Huế) kiến nghị cần có chiến lược Biển Đông, nắm chắc diễn biến để có những dự báo, giải pháp kịp thời đối phó, tiếp tục cân đối nguồn lực, bảo đảm ngân sách thích đáng để đầu tư toàn diện hệ thống tuyến đảo trọng điểm từ các đảo gần đến các đảo xa, tạo hệ thống liên lạc các đảo trên vùng biển Đông Nam. Ông đề nghị QH, Chính phủ sớm nghiên cứu cơ chế đặc thù để thành lập các DN mạnh, tổ chức chỉ huy chặt chẽ để đánh cá trên biển với các trang bị tàu vỏ thép công suất lớn, lựa chọn những chiến sĩ hải quân, ngư dân ở địa phương ven biển, vừa làm tốt nhiệm vụ kinh tế, vừa bảo vệ ngư dân, từng bước xây dựng thế trận nhân dân trên biển đảo để cùng Hải quân, Cảnh sát biển bảo vệ chủ quyền vùng biển. |
X.Linh - T.Chung - T.Hằng - N.Trang - H.Nhì- Đ.