Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp BOT giao thông đã phát đi thông điệp, có cả văn bản gửi cơ quan chức năng cho “xả trạm” thu phí trong 3 ngày Tết Nguyên đán (30, mùng 1, 2 Tết). Theo chủ đầu tư, việc làm này nhằm giảm ùn tắc giao thông tại các cửa ngõ thành phố, tạo điều kiện cho người dân đi lại. Ðiều này có thực chất hay chỉ là “chiêu truyền thông”, muốn nghỉ Tết? Bởi 3 ngày Tết, người dân đi lại ít nhất?

Bỏ trần mức phí qua trạm BOT xây mới?

Hòa Bình: Đòi chủ đầu tư cao tốc BOT 200 tỷ đồng

Xả trạm - Người muốn kẻ không

Mới đây, Cty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ (tuyến đường cửa ngõ Nam Hà Nội) có văn bản gửi cơ quan nhà nước đề xuất miễn phí vé qua trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ trong 3 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 (30 tháng Chạp, mùng 1 và mùng 2 Tết). 

Trao đổi với PV, một lãnh đạo Tổng Cty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC - đơn vị quản lý và thu phí tại đa số các trạm BOT cao tốc hiện nay) cho hay, ông đồng tình với việc xả trạm thu phí trong những ngày Tết, đặc biệt là ngày phương tiện tham gia giao thông cao, dễ gây ùn tắc.

Tuy vậy, với đặc thù là doanh nghiệp nhà nước, thu phí để thu hồi vốn về ngân sách, nên doanh nghiệp muốn không thu phí phải có ý kiến chỉ đạo từ cấp trên, đơn vị không tự quyết định được. Do đó, theo lãnh đạo VEC, trạm thu phí chỉ có thể xả trạm thu phí khi đường tắc quá 30 phút, vì việc này có quy định rõ ràng và trước khi xả phải lập biên bản, có ý kiến các bên.

{keywords}
Các chủ đầu tư kêu khó xả trạm thu phí BOT dịp lễ, tết vì vướng quy định

“Chúng tôi thu phí nộp về ngân sách, nên nếu gây thất thoát sẽ bị xử lý. Chúng tôi hoạt động không vì lợi nhuận, nhưng muốn làm gì phải có chủ trương chung, không tự quyết được”, lãnh đạo VEC nói.

Chủ tịch HĐQT Cty CP Tasco (doanh nghiệp đầu tư nhiều dự án BOT phía Bắc) Phạm Quang Dũng cho rằng, nếu không ùn tắc, dù chủ đầu tư có muốn xả trạm cũng không được. Theo ông Dũng, hợp đồng giữa nhà đầu tư với Nhà nước, hợp đồng tín dụng với ngân hàng về thu phí tính theo ngày, ngày nào cũng phải thu. Bây giờ nếu thay đổi, như trạm thu phí được xả dịp lễ, tết, các bên phải ngồi lại và ký lại hợp đồng, hoặc Nhà nước phải có quy định cụ thể giống như quy định xả trạm khi ùn tắc 700m từ 30 phút trở lên.

“Các trạm thu phí BOT đều có thời gian thu theo hợp đồng, nếu dừng ngày nào sẽ phải kéo dài thời gian thu thêm ngày đó. Nên thu sớm xong sớm, thu muộn xong muộn. Nhà nước vẫn là cao nhất, nếu nhà nước quyết thì nhà đầu tư luôn sẵn sàng”, ông Dũng nói.

Muốn “xả”phải “đền phí”?

Nói về câu chuyện xả trạm thu phí đường bộ dịp lễ, tết, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) cho rằng, theo quy định của pháp luật, nhà đầu tư không được tự ý miễn phí tại trạm thu phí BOT, trừ khi nhà đầu tư tự bỏ tiền ra để bù vào. “Phương án tài chính của dự án BOT đường bộ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nên việc miễn, giảm phí sẽ ảnh hưởng đến thời gian thu phí để hoàn vốn dự án, trừ trường hợp ùn tắc giao thông. Đề xuất của nhà đầu tư chỉ được chấp nhận khi nhà đầu tư bỏ lợi nhuận của mình để bù vào những ngày miễn phí cho các chủ phương tiện qua trạm, bù đắp tài chính cho dự án”, ông Huyện nói.

Trước mỗi dịp lễ, tết Tổng cục Đường bộ đều có văn bản yêu cầu các chủ đầu tư, đơn vị quản lý trạm thu phí phải xả trạm khi ùn tắc kéo dài. Nếu chủ đầu tư trạm BOT không thực hiện sẽ bị phạt hành chính 50-70 triệu đồng (theo Nghị định 46/2016).

Trả lời về đề xuất miễn phí qua trạm của chủ đầu tư BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ 3 ngày Tết, Tổng cục Đường bộ khẳng định, nhà đầu tư không được tự ý miễn phí qua trạm BOT, trừ khi nhà đầu tư tự bỏ tiền để bù vào, hoặc do ùn tắc kéo dài.

PGS.TS Phạm Xuân Mai (nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, Đại học Bách khoa TPHCM) cho rằng, hiện chỉ có quy định trạm BOT phải xả khi đường tắc, còn miễn phí dịp lễ, tết thì chưa có.

Về một số chủ đầu tư đề xuất xả trạm thu phí BOT trong 3 ngày tết, theo ông Mai, đó có thể chỉ là một cách truyền thông của doanh nghiệp. “Nếu thực sự vì người dân, phải xả trạm những ngày trước và sau Tết, lúc người dân đi lại nhiều nhất. Còn 3 ngày Tết được mấy ai đi lại, đó chỉ làm cho có, hoặc muốn cho nhân viên nghỉ Tết, không phải vì người dân”, ông Mai nói.  

Theo Bộ GTVT, hiện cả nước đã hoàn thành đưa vào vận hành khai thác 58 dự án BOT giao thông, với 88 trạm thu phí BOT trên các tuyến quốc lộ. Trong đó, có 76 trạm thu phí do Bộ GTVT quản lý (56 trạm đang thu, 17 trạm đang đầu tư) và 15 trạm thu phí do địa phương quản lý (11 trạm đang thu, 4 trạm đang đầu tư). Tính tới nay, Bộ GTVT đã huy động được 70 dự án đầu tư theo hình thức BOT vào giao thông. Trong đó, lĩnh vực đường bộ 68 dự án (tổng mức đầu tư 207.987 tỷ đồng).

(Theo Tiền phong)

Hàng loạt dự án BOT, BT vào tầm ngắm Kiểm toán Nhà nước

Hàng loạt dự án BOT, BT vào tầm ngắm Kiểm toán Nhà nước

Các dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải; các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (BOT, BT) nằm trong kế hoạch kiểm toán.

Trạm BOT bất cập: Tốt nhất là mua lại nhưng không thể khả thi

Trạm BOT bất cập: Tốt nhất là mua lại nhưng không thể khả thi

Bộ Giao thông Vận tải cho rằng các giải pháp đối với trạm BOT bất cập không thể xử lý triệt để trừ khi bố trí ngân sách nhà nước mua lại các trạm thu phí. Nhưng việc mua lại hoàn toàn “không khả thi”.