Theo tìm hiểu của PV VietNamNet, tại chung cư mini bị cháy đêm 12/9 ở Khương Hạ, Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội), có nhiều căn hộ đã bán và cũng có căn hộ đang cho thuê. Tuy nhiên, một số hàng xóm xung quanh đều không biết chủ xây dựng chung cư này là ai.
Một người dân cho biết, người xây chung cư là người nơi khác đến mua đất, xây dựng cách đây 7 – 8 năm và đã bán hết. Giá bán từ vài trăm triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng mỗi căn hộ, tùy theo diện tích.
Chia sẻ với VietNamnet, bà H. ở Khâm Thiên (Hà Nội) là người thân của những nạn nhân sinh sống trong căn chung cư mini cho biết, bà có 7 người thân ở chung cư xảy ra hỏa hoạn.
Trong đó, vợ chồng chị gái ruột của bà năm nay hơn 60 tuổi đã mua một căn hộ diện tích khoảng 35m2 tại tầng 8 của căn nhà từ vài năm nay.
"Con gái của chị ruột là cháu tôi vì muốn ở gần bố mẹ nên cũng thuê một căn hộ ở tầng 3. Gia đình cháu có 2 vợ chồng và 3 con nhỏ", Bà H. cho biết, hiện gia đình đã biết tin 3 người thân đã mất, còn 4 người vẫn đang chờ đợi tin.
Trong sự việc này, chủ xây dựng chung cư mini có phải chịu trách nhiệm?
Chia sẻ với PV VietNamNet, Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch cho hay, khi đã có hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra, cơ quan điều tra phải vào cuộc.
“Việc vi phạm phòng cháy chữa cháy (PCCC) là chắc chắn, với một nhà trong ngõ nhỏ, có độ cao 9 tầng và số người lưu trú như vậy rất có thể chủ nhà họ đã không xin phép PCCC theo đúng quy định của pháp luật.
Ở đây, còn phải nói đến trách nhiệm về mặt xây dựng. Để làm rõ được, cơ quan điều tra cần vào cuộc xem nhà có xây đúng phép không? Tôi sợ rằng, xây không đúng giấy phép mới như vậy. Trong đấy, không ai cấp phép cho thửa đất khoảng 200m2, xây tới 9 tầng, có 45 căn hộ”, Luật sư Tuấn Anh nói.
Do vậy, theo vị luật sư, chủ nhà vẫn phải chịu trách nhiệm chính. Bởi nếu chủ nhà làm đúng giấy phép xây dựng, làm đúng quy định PCCC thì đã không xảy ra hậu quả khôn lường như hôm nay.
“Để quy kết được trách nhiệm, cần phải có cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ. Chung cư mini là tên quen gọi của người dân, tức là những căn hộ nhỏ cho thuê hay bán, chủ sở hữu chung. Còn để xin phép xây được chung cư mini thì không có cơ quan nào có thẩm quyền cấp phép cho xây ở ngách nhỏ của Khương Hạ.
Trách nhiệm chính vẫn thuộc về người chủ xây dựng lên những căn hộ đó, kể cả trách nhiệm về PCCC và trách nhiệm về xây dựng”, ông Tuấn Anh nói thêm.
Cũng theo vị luật sư, trách nhiệm còn ở cả cơ quan quản lý.
“Nếu làm đúng thì không bao giờ có căn nhà như vậy ở quận Thanh Xuân. Có sự buông lỏng quản lý trong công tác xây dựng. Cần xem xét trách nhiệm thuộc về ai, cần thiết quy trách nhiệm pháp lý trực tiếp cho cá nhân. Sự việc này là hậu quả của sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương trong một thời gian dài qua, đối với dạng những căn hộ xây lên cho thuê và bán theo kiểu đồng sở hữu. Hoạt động mua bán những căn hộ này công khai, không có ai quản lý", luật sư nhấn mạnh.
Theo luật sư Tuấn Anh, nếu không có sự buông lỏng quản lý của các cơ quan như quản lý trật tự xây dựng, công an khu vực, thẩm định PCCC và không có việc bất chấp lợi nhuận của những chủ nhà, chủ đầu tư thì hậu quả này không xảy ra.
"Đây cũng là bài học cảnh tỉnh, cảnh báo đối với những khu nhà ở tương tự”, ông Tuấn Anh nói thêm.