Dùng cách bơm nước, cân nặng của mỗi con vịt có thể tăng lên 200-300g, hơn nữa trông vịt còn căng bóng, mỡ màng, rất hấp dẫn người mua.

Vịt là một trong những thực phẩm được người tiêu dùng Việt yêu thích, đặc biệt trong mùa hè. Tuy nhiên, hiện nay các cơ sở chế biến thịt gia cầm vì mục đích lợi nhuận mà không từ thủ đoạn nào. Điều này khiến người dân vô cùng hoang mang lo lắng.

Trong đó, thủ đoạn bơm nước cho vịt được các tiểu thương và các cơ sở chế biến áp dụng nhiều. Vì đây là phương pháp giúp ăn lận cân nặng của vịt dễ dàng nhất đồng thời làm cho con vịt trông bóng, đẹp, bắt mắt hơn.

{keywords}

Trước tình trạng này, PV báo Phụ Nữ, TP.HCM đã có cuộc tìm hiểu, giúp người tiêu có thể dễ dàng nhận biết, phân biệt được đâu là vịt sạch, đâu là vịt bị bơm nước để không bị mắc bẫy của người bán hàng.

Chia sẻ về vấn đề này, chị Nguyễn Hoàng Mai, một chủ cửa hàng vịt quê sạch ở phố Khương Đình, Hà Nội cho biết: "Theo tôi thấy, tình trạng gia cầm bị bơm nước để tăng trọng lượng và mẫu mã hiện nay được áp dụng rất nhiều. Tuy nhiên để nhận biết được cũng không phải là khó.

Thông thường, người ta thường bơm nước cho gia cầm ở hai vị trí đùi và lườn. Vì thế khi đi mua chị em cần quan sát kĩ hai vị trí này. Nếu thấy con vịt căng bóng, thớ thịt dày, to thì không nên mua. Nếu còn nguyên con, chị em cầm dốc ngược con vịt lên, nếu thấy nó biến dạng nhiều thì đã bị bơm nước.

Khi mua cũng đừng ngại bẩn mà hãy dùng tay ấn thử vào thịt vịt, nếu là vịt bị bơm nước sẽ thấy thịt bập bùng và nhão".

Còn chị Đỗ Thị Mơ, một chủ cửa hàng vịt sạch khác trên phố Nguyễn Khang, Hà Nội thì cho biết: "Khi đi mua, người tiêu dùng nên lật cánh kiểm tra kỹ dưới nách con vịt. Nếu bị tiêm bơm nước sẽ có một chấm đỏ nhỏ. Xung quanh vết nước phòng lên có màu đen. Để một thời gian, màu đen sẽ phát tán rộng ra. Vỗ thử vào con vịt sẽ có tiếng kêu bình bịch, còn dùng tay ấn vào sẽ có cảm giác trơn.

Còn với vịt sạch, không bị người bán dùng chiêu trò thì con vịt trông sẽ xấu mã hơn, da vịt không được căng bóng, mỡ màng, trông con vịt cũng không béo, đẫy đà, đôi khi da vịt trông hơi nhăn.

Khi ăn, nếu là vịt bơm nước sẽ cảm thấy thịt nhão và bở không có độ dai và ngọt thịt như vịt thông thường".

Anh Dương Hữu Tùng, một chủ cửa hàng vịt quay lâu năm tại chợ Thượng Đình, Hà Nội cho biết: "Khi đi mua, nếu nhận thấy con vịt, gà quá béo, chị em chỉ cần lấy dao hoặc vật nhọn chọc thủng lớp da, nếu bị bơm nước thì nước sẽ chảy ra. Nếu người bán bơm ít nước thì mình có thể nhận bằng cách quan sát, con vật có thể mỡ màng, béo hơn.

Nếu là vịt đã mổ phanh ra, quan sát bên trong, thấy phần trong nhiều ước ở bên trong màng đó cũng là do bơm nước. Nếu vẫn mua vịt này về, khi chặt miếng sống ra, nước chảy ra rất nhiều, mà thịt ăn nhạt, không có mùi tươi ngon".

Bên cạnh việc hướng dẫn chị em cách phân biệt vịt bơm nước, anh Tùng còn khuyến mãi thêm cách giúp chị em chọn được con vịt sống ngon.

Theo anh Tùng: "Khi mua, chị em nên chọn những con vịt trưởng thành và béo, ức tròn, da cổ và da bụng dày, mọc đủ lông, điểm mút của hai cánh vừa đủ đan chéo vào nhau. Những con vịt này làm lông sẽ nhanh, không tốn thời gian. Hạn chế chọn vịt non vì thịt sẽ nhão, không săn chắc và rất tốn thời gian để nhổ lông tơ, lông măng. Quan sát những con vịt non sẽ thấy, có mỏ to và mềm. Còn vịt già, nếu quan sát kỹ sẽ thấy nó có mỏ nhỏ và cứng.

Với vịt đã đẻ nhiều lứa thịt cũng khá thơm. Loại vịt này thì bụng dưới xệ xuống. Khác với gà nếu ăn thịt vịt thì nên chọn vịt đực, vì vịt đực ăn ngon hơn vịt cái. Để xem vịt khỏe mạnh hay bệnh, chị em hãy vạch phía sau đuôi xem hậu môn vịt không bị dính phân chảy là vịt không bị bệnh".

Theo một số người bán hàng khác thì để tránh mua phải gà vịt đã bơm nước, các bà nội trợ cần chọn những con không quá mỡ màng, thịt săn chắc hoặc lựa chọn con sống ở chợ và đề nghị họ mổ ngay tại chợ. Sau 15 phút, chị em đã có một con vịt sạch sẽ, không sợ bị bơm nước mà cũng không quá tốn kém.

Theo PNO