Ngày 31/5, Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Xa lộ Hà Nội cho biết, theo phương án tổ chức giao thông mới, đường Song Hành với Xa lộ Hà Nội sẽ kết nối lưu thông hai chiều, chui dưới dạ cầu Rạch Chiếc. Đồng thời, đường tạm hai bên hông cầu Rạch Chiếc sẽ được đóng lại.
Theo đơn vị này, đoạn đường tạm dưới cầu Rạch Chiếc là đường tạm công vụ, phục vụ thi công cầu trước đây. Sau khi cầu hoàn thành, đoạn này được bỏ đi để trồng mảng xanh thuộc hành lang bảo vệ cầu và công viên. Tuy nhiên, do chưa xây dựng mảng xanh nên một số hộ dân trong khu dân cư Bắc Rạch Chiếc, phường Phước Long A (TP Thủ Đức) đã sử dụng đường tạm để đi xe gắn máy (đi tắt) lưu thông ngược lên cầu Rạch Chiếc vào trung tâm thành phố.
Chủ đầu tư cũng thông tin thêm, từ khi Trạm thu phí xa lộ Hà Nội đi vào hoạt động trở lại (1/4/2021) mỗi ngày, ngoài các hộ dân trong khu dân cư Bắc Rạch Chiếc, có khoảng 3.000 lượt xe ô tô chạy vào đường tạm này để "né trạm".
"Các phương tiện này gây xung đột giao thông với các phương tiện đi thẳng trên trục đường chính Xa lộ Hà Nội, đã xảy ra tai nạn giao thông tại chân cầu Rạch Chiếc"- Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Xa lộ Hà Nội thông tin.
Phía công ty này cho biết, từ ngày 29/5, đường Song Hành trái từ cầu Rạch Chiếc đến đường Võ Văn Ngân hoàn thành đưa vào sử dụng nên được cơ quan có thẩm quyền cho phép điều chỉnh tổ chức giao thông lại.
Theo đó, hai đường tạm bên hông cầu Rạch Chiếc được đóng lại để đảm bảo an toàn giao thông khu vực. Phương tiện được điều tiết di chuyển qua đường Song Hành trái để di chuyển theo hướng về khu vực Ngã tư Bình Thái rồi rẽ qua các đường ngang vào Xa lộ Hà Nội.
Hiện công ty đang khẩn trương thi công hoàn thiện bó vỉa, lề đường của khu vực dạ cầu Rạch Chiếc, phường Phước Long A, hoàn trả mặt bằng theo quy hoạch.
Đồng thời, đơn vị cũng chuẩn bị bàn giao mặt bằng 2 bên cầu Rạch Chiếc cho phía Ban QLDA đường sắt đô thị TP.HCM để thực hiện dự án trồng tăng cường mảng xanh dọc tuyến Xa lộ Hà Nội.
Công ty này khẳng định, không cố tình ngăn đường để tận thu, vì hệ thống đường tạm này không có trong quy hoạch, chỉ là đường tạm để thi công cầu Rạch Chiếc.
“Việc duy trì hệ thống đường tạm trong thời gian ban đầu là để phục vụ công tác tuần tra, duy tu cầu. Nay đường song hành ở khu vực này đã hoàn thành, nhiệm vụ của đường tạm đã xong, cần phải đóng lại, trả lại mặt bằng theo quy hoạch”- phía Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Xa lộ Hà Nội nhấn mạnh.
Như VietNamNet thông tin, chiều 28/5, Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII)- đơn vị quản lý BOT Xa lộ Hà Nội tiến hành lắp đặt khoảng 8 dải phân cách dọc vị trí giáp ranh giữa đường Song Hành với đường dưới dạ cầu Rạch Chiếc.
Những dải phân cách này dùng để chặn dòng phương tiện lưu thông trên đường Song Hành, hướng khu dân cư Bắc Rạch Chiếc đổ xuống đường dưới cầu Rạch Chiếc để đi tắt lên cầu, vào trung tâm.
Sau khi lắp đặt, người dân phản ứng khi phải đi xa hơn và họ cho rằng đơn vị BOT cố tình ngăn đường, ép buộc người đi ô tô phải di chuyển qua đường Song Hành trái, vào trạm thu phí để tận thu.
Hiện việc đóng đường khiến phương tiện dồn về các đường rẽ kết nối Song Hành trái với Xa lộ Hà Nội đã gây áp lực giao thông lớn trước trạm thu phí. Ghi nhận sáng hôm qua, khu vực này đã xảy ra ùn ứ giao thông do xung đột.
Tuấn Kiệt