LỜI TÒA SOẠN

Trong Thông tư 04/2022, Bộ Y tế yêu cầu tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh phải thực hiện việc kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử, hoàn thành trước tháng 7/2023. Tuy nhiên, cơ quan này không nêu rõ yêu cầu khi nào phải xóa sổ đơn thuốc viết tay, vì thế hiện không ít cơ sở y tế từ tuyến trung ương tới xã, phường, y tế tư nhân, vẫn còn tình trạng đơn thuốc được bác sĩ kê bằng tay, thay vì in đơn điện tử. Đáng nói nhiều đơn thuốc khiến bệnh nhân, dược sĩ, thậm chí bác sĩ bị làm khó, "bó tay" vì… không dịch được chữ bác sĩ.

Cuối tháng 2 vừa qua, Bộ Y tế tiếp tục yêu cầu rà soát, phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời hành vi tiêu cực trong kê đơn, chỉ định kỹ thuật, dịch vụ y tế để lấy “hoa hồng”, gây phiền hà cho người bệnh nhằm trục lợi từ người bệnh và Quỹ BHYT.

Từ thực tế trải nghiệm đi khám chữa bệnh, nhiều độc giả gửi về VietNamNet nỗi bức xúc khi phải luận dịch chữ bác sĩ và những băn khoăn về việc vì sao vẫn còn tình trạng này trong khi nơi nơi đã ứng dụng chuyển đổi số. 

VietNamNet đăng tải các ý kiến thể hiện góc nhìn cá nhân độc giả qua diễn đàn "Khổ sở đi dịch chữ bác sĩ trên đơn thuốc viết tay".

Bài 1: Hành trình đi nhờ người dịch chữ bác sĩ trên đơn thuốc

Bài 2: Những đơn thuốc như 'vẽ giun ra giấy' không ai dịch nổi vì chữ bác sĩ quá xấu

Sau khi đăng tải bài viết “Hành trình đi nhờ người dịch chữ bác sĩ trên đơn thuốc” của độc giả Hoàng Lê, VietNamNet nhận được nhiều ý kiến phản hồi, chia sẻ với tác giả những chuyện bi hài về chữ bác sĩ trên đơn thuốc. Dưới đây là ý kiến của độc giả ký tên Quỳnh Anh chia sẻ một góc nhìn liên quan vấn đề này.

Người nhà tôi cũng tưởng như “chết dở” với đơn thuốc viết tay của bác sĩ. Bác sĩ trưởng khoa bệnh viện công khám bệnh rồi chỉ định các loại xét nghiệm, tư vấn về kết quả chẩn đoán, cuối cùng bác sĩ viết cho cái đơn thuốc vào sổ y bạ. 

Nhìn đơn thuốc viết tay của bác sĩ, cả nhà tôi chịu chết, căng mắt ra dịch mà không thể dịch nổi thuốc nào vào thuốc nào để tìm hiểu về thuốc, chưa nói chuyện đi mua, chỉ dịch được đúng liều dùng. Có bệnh nhân khác “mách”: Tới hiệu thuốc, nhờ dược sĩ là “ra hết” vì nghề của họ rồi. 

Tại sao đơn thuốc dành cho bệnh nhân, bệnh nhân trả tiền dịch vụ y tế, trả tiền thuốc nhưng phải chờ vào việc nhờ dược sĩ dịch hộ một cái đơn?

Tôi đưa đơn thuốc về quầy thuốc lớn ở gần nhà mua. Dược sĩ bảo với tôi đơn đó còn dịch được vài tên thuốc, có những đơn nhìn vào hoa cả mắt không muốn dịch, bác sĩ kê đơn như đánh đố người bệnh, người bán thuốc. Người khó tính còn cho là thiếu tôn trọng người đọc. Thậm chí có lần khó quá, họ còn đăng đơn thuốc lên hội nhóm nhờ các dược sĩ dịch hộ.

đơn thuốc viết tay.jpg
Một đơn thuốc viết tay đến dược sĩ cũng phải "đoán mò". Ảnh: BĐCC

Để dịch được đơn bác sĩ viết tay, dược sĩ có kinh nghiệm 7 năm đứng quầy này nói dễ nhất là nhìn vào chẩn đoán bệnh trước để “khoanh vùng” các loại thuốc hay được kê. Nếu đến chẩn đoán bệnh cũng không dịch được, có thể nhìn hàm lượng, liều dùng để đoán tên thuốc. Nếu đơn thuốc ghi đầy đủ tên cơ sở y tế, dược sĩ, đặc biệt là ở những quầy quanh cơ sở đó, sẽ đoán dần những loại thuốc bác sĩ của viện hay kê, để luận dịch cho bệnh nhân.

Ngoài ra, từ một loại thuốc thông dụng có thể dịch được sẽ liên hệ với những loại thuốc khác hay được kê, kèm theo việc hỏi lại triệu chứng của bệnh nhân, như cách dược sĩ mà gia đình bạn Hoàng Lê từng nhờ dược sĩ dịch đơn thuốc.

Một cách nữa là các dược sĩ nhìn vào một vài ký tự trong tên thuốc, đặc biệt là những chữ cái đầu tiên để luận dịch. 

Nhưng cô dược sĩ này cũng cho biết có những đơn thuốc dù đã nhờ tới nhiều đồng nghiệp dịch hộ nhưng cũng khó đạt được chính xác. Có đơn thuốc điều trị viêm dạ dày bắt đầu bằng chữ M, người đoán Muscota, người lại đoán Misoprostol. Lại có đơn kê biệt dược, nhiều người mách nhau: tốt nhất là “đoán tương tự cho dễ”, hoặc đoán loại nào quầy thuốc mình có bán, cùng để điều trị loại bệnh trong chẩn đoán kia. Thế thì nguy hiểm quá!

W-benh-vien-thanhnhan-phamhai.png
Thầy thuốc cập nhật theo dõi tình hình sức khỏe bệnh nhân mỗi ngày. Ảnh minh họa: Phạm Hải

Tôi không cho rằng bác sĩ lấy lý do bận rộn, có nhiều việc quan trọng (như khám bệnh, hội chẩn, phẫu thuật, họp hành) hơn là ngồi nắn nót viết đơn thuốc, để có thể viết ra những đơn thuốc đánh đố người bệnh hay dược sĩ. Không ai bắt bác sĩ phải viết chữ đẹp hay nắn nót từng nét chữ, nhưng các cụ đã dạy “nét chữ nết người”. Theo tôi, chữ viết, đặc biệt là các bác sĩ, cần phải đủ cẩn thận, rõ ràng, để đa số người dân, dược sĩ có thể đọc được mà không phải dịch ngược dịch xuôi, đoán già đoán non. Vì đây là thuốc, là thứ uống vào người, chữa bệnh, có thể quyết định không chỉ sức khỏe mà tính mạng cả một con người cơ mà? Luận dịch sai thì hậu quả khó lường biết bao nhiêu?

Chưa nói chuyện hiện nay đến cả bệnh viện huyện, bệnh viện hạng II còn in đơn thuốc đánh máy, chuyển đổi số xóa sổ giấy tờ, vậy mà bệnh viện lớn ở Hà Nội lại vẫn tồn tại đơn thuốc tay là điều khó chấp nhận, đây lại là đơn không thể đọc nổi thì không có lý do nào để thông cảm.

Tôi từng băn khoăn, chậm lại 1 phút viết một đơn thuốc dễ đọc liệu có khiến một ngày của bác sĩ mệt mỏi, bận rộn hơn không? Bởi 1 phút viết cẩn thận đó, bác sĩ có thể tiết kiệm vài phút phải nghe cuộc gọi của người bệnh khi muốn hỏi về loại thuốc không thể dịch nổi trong đơn viết tay. 

Quỳnh Anh

Ban Sức khoẻ - Báo VietNamNet mở diễn đàn "Khổ sở đi dịch chữ bác sĩ trên đơn thuốc viết tay". Bạn đọc có ý kiến đóng góp xin gửi về địa chỉ [email protected]. Các bài viết phù hợp sẽ được đăng tải theo quy định của tòa soạn.

Xin chân thành cảm ơn.