Chồng tôi sức khỏe không tốt, hay bệnh này bệnh kia, nhưng rất “hăng hái” trong chuyện vợ chồng. Tôi muốn anh ấy bơn bớt lại để giữ gìn sức khỏe nhưng ngại nói và cũng không biết nói làm sao cho ra nhẽ…

Th. Quyên (TP.HCM)

Chăn gối là việc có đôi, cần sự hợp tác giữa đôi bên. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, sự kiềm chế của một bên lại có giá trị rất lớn, thậm chí còn là giá trị sống còn.

Với những người bị bệnh tim mạch, cao huyết áp, hen suyễn, phổi tắc nghẽn… thì chăn gối là mối nguy tiềm tàng. Vì vậy những ông chồng mang bệnh này là đối tượng cần các bà tung chiêu “hạ nhiệt” nhất.

{keywords} 

Sự “nương tay” của các bà trong trường hợp này tạo ra sự an toàn cho các quý ông. Sự kiềm chế của các bà đồng thời cũng tạo cho chồng sự an tâm về tâm lý, giúp cho việc chăn gối của hai bên xuôi chèo mát mái. Trong nhiều trường hợp, ngay cả những viên thuốc trợ tim đặt sẵn đầu giường cũng không thể thay cho lợi thế “phản ứng nhanh” của bà.

Tai họa trong chuyện gối chăn đôi khi ập đến từ một nguyên cớ “không biết đâu mà lần”. Chứng “thượng mã phong” ám ảnh người đàn ông có thể xuất phát từ việc các ông lên giường với hơi men, hoặc khi đang yếu mệt, căng thẳng… Lúc này người phụ nữ khôn ngoan, tinh tế cần nhận biết và chủ động kéo giảm đà hưng phấn của lang quân xuống mức an toàn để tránh hậu quả khó lường.

Vấn đề ở chỗ, nhiều bà khuyên ngăn chồng thừa thiện ý mà thiếu nghệ thuật. Nhiều người vì nói năng không khéo, chẳng những không thuyết phục được chồng, không ngăn được ông mà còn làm mất hòa khí gia đình. Có người khuyên không được bèn dùng “tiểu xảo” hoãn binh như giả vờ mệt mỏi, bận bịu, căng thẳng để bàn ra, từ chối. Có bà còn dùng cả “khổ nhục kế” làm bộ mắc bệnh phụ khoa, khô tiết nhờn, tiền mãn kinh để ngăn ông bớt hăng hái hoặc bớt được cữ nào hay cữ đó.

Trong trường hợp dùng khổ nhục kế cũng không thành, thì khi lâm “trận”, những cú nhấp phanh của các bà càng phải được thực hiện rốt ráo, kịp thời, chủ yếu ngăn lang quân “bốc” quá mà coi thường sức khỏe. Đừng quên, nhiều phụ nữ dù có ý gìn giữ cho chồng nhưng lại can gián bằng thái độ trách móc, chê bai, thậm chí “đá thúng đụng nia”, thì rõ ràng chỉ gây ép phê ngược. Chẳng những không để lọt tai lời khuyên của vợ, có ông còn làm quá lên cho đã nư.

Thực tế sự kiềm chế của các bà, các cô sẽ hiệu quả hơn, nếu ông đã từng học được bài học bất đắc dĩ nào đó của chuyện ham hố (tất nhiên bài học nhẹ nhàng không đến nỗi thiệt thân). Tuy nhiên nếu phải đợi đến khi trở thành nạn nhân rồi mới biết sợ súng thì các ông cũng đang đặt mình vào thế quá phiêu lưu. Vì vậy nếu không thành công trong việc ngăn chồng, các bà, các cô có khi phải nhờ đến trợ giúp của bác sĩ hay người có vai vế, có tiếng nói nặng ký với các ông.

Bác sĩ ĐỖ MINH TUẤN

(Theo PNO)