- Năm 2015, vợ chồng tôi cho vợ chồng người em họ vay số tiền 100 triệu đồng để làm ăn, hứa hẹn sẽ trả sau 2 năm, lãi 5%/tháng, cộng dồn rồi trả một thể. Trong giấy ghi nợ cam kết nếu không trả được sẽ chịu mọi trách nhiệm liên quan đến pháp luật, tài sản cầm cố là giấy tờ chiếc xe máy SH do người vợ đứng tên.

Tuy nhiên đầu năm vừa rồi, khi chúng tôi đòi nợ thì họ không trả, giấy tờ ghi nợ chỉ có người em họ đứng tên vay còn vợ thì không có tên. Người em thường xuyên viện lí do khó khăn, không có tiền trong khi vợ chồng vẫn đi du lịch nước ngoài thường xuyên. Xin hỏi luật sư tôi có quyền yêu cầu họ đưa xe như đã ghi trong giấy nợ không? Hoặc tôi phải làm sao để đòi được tiền của mình?

{keywords}
Tôi phải làm sao để đòi được tiền của mình (Ảnh minh họa)

Theo quy định tại Điều 26 Luật Hôn Nhân và Gia đình về Đại diện giữa vợ và chồng trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với tài sản chung nhưng chỉ ghi tên vợ hoặc chồng thì:

"1. Việc đại diện giữa vợ và chồng trong việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản chung có giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản chỉ ghi tên vợ hoặc chồng được thực hiện theo quy định tại Điều 24 và Điều 25 của Luật này.

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng có tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản tự mình xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch với người thứ ba trái với quy định về đại diện giữa vợ và chồng của Luật này thì giao dịch đó vô hiệu, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật mà người thứ ba ngay tình được bảo vệ quyền lợi."

Mặt khác Điều 36 Luật Hôn Nhân và Gia đình cũng quy định về Tài sản chung được đưa vào kinh doanh như sau:

"Trong trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về việc một bên đưa tài sản chung vào kinh doanh thì người này có quyền tự mình thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung đó. Thỏa thuận này phải lập thành văn bản."

Thông tin bạn cung cấp không nêu rõ chiếc xe SH là tài sản chung của vợ chồng người vay hay tài sản riêng của người vợ. Mặt khác khi giao kết hợp đồng vay và thế chấp tài sản, người em họ của bạn cũng không xuất trình văn bản thoả thuận về việc người vợ đồng ý để em họ thế chấp tài sản chung. Vì vậy theo quy định tại Điều 26, Điều 36 Luật Hôn Nhân và Gia Đình nếu vợ của em họ bạn không thừa nhận thì việc thế chấp chiếc xe SH của người em họ bạn cho bạn là vô hiệu. Mặc dù vậy, thì giao dịch vay tiền của em họ bạn vẫn có hiệu lực pháp luật, bạn có quyền khởi kiệ vụ việc ra Toà Án Nhân Dân có thẩm quyền để giải quyết theo quy định pháp luật.

Tư vấn bởi Luật sư Hoàng Tuấn Anh; Công ty Luật Themis; SĐT: 0986663459

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc