Mấy hôm nay bố mẹ chị Lê Thị Hà (Hải Phòng) buồn nẫu nuột vì cô con gái út kết hôn đã 7 năm đòi ly hôn. Nghe chị Hà đổ lỗi ly hôn là do cuộc sống hôn nhân bị chồng gò bó, ép buộc quá nên chị không thể đáp ứng được.
Chị Hà nỉ non với bố mẹ rằng, chị cũng đi làm tuy lương thấp hơn anh nhiều nhưng phải khai báo với chồng. Mua sắm đồ đạc gì trong nhà cũng phải xin ý kiến chồng... Tất cả mọi việc trong nhà phải rành rẽ, đi phải báo với chồng mà về cũng phải báo cho chồng biết. Tất tật mọi việc chị muốn làm phải có ý kiến của chồng "duyệt", và chồng đã nói thì vợ cấm được cãi lại.
Vì thế chị Hà muốn ly hôn để được làm những gì mình thích, được nói những gì muốn nói (bởi chồng cấm cãi và lâu nay chị muốn nhà cửa êm ấm nên phải nhẫn nhịn), nhưng giờ thì chị chán nhịn rồi, nên chị phải ly hôn để giải thoát, để hướng tới những mục tiêu sống của cuộc đời mình.
Bố mẹ chị Hà cho rằng, ngoài những lỗi mà chị Hà quy cho chồng, thì anh có nhiều ưu điểm như không chơi bời, nhậu nhẹt, rượu chè, gái gú, cờ bạc. Hễ về nhà thì bạn bè có tha thiết rủ đi nhậu anh cũng từ chối, sẵn sàng trông con, chơi với con, hay đi chợ, phụ giúp vợ việc nhà. Đi đâu anh cũng muốn đưa vợ theo cùng, những ngày kỷ niệm, lễ tết đều tặng "phong bì" khá đằm tay cho vợ. Đối với bố mẹ vợ thì thoải mái, hiếu thảo...
Vì vậy ông bà khuyên chị Hà suy nghĩ lại. Bạn bè của chị Hà biết chuyện cũng khuyên nhủ chị từ bỏ ý định ly hôn... Nhưng chị Hà vẫn kiên quyết ly hôn.
Chị thấy khổ sở vì phải nhất nhất nghe lời chồng. Ảnh minh họa. |
Trong cuộc sống, đặc biệt là hôn nhân có nhiều chuyện không vừa lòng (như bạn đời phản bội, chồng vô tâm ích kỷ, vợ nói nhiều, hay kiểm soát, bố mẹ hay xét nét, con cái không vâng lời, công việc thất bại, bạn bè lừa gạt…) là chúng ta phải tìm "ai đó" để đổ trách nhiệm, nếu không đổ được cho ai thì sẽ đổ cho "số phận".
Khi đổ lỗi sang người khác sẽ phải tranh biện đúng sai, thắng thua... để giành phần thắng, hoặc thoát tội. Vì vậy đa số chúng ta luôn cảm thấy mình là nạn nhân, đáng thương và thiệt thòi nên cứ tìm cách đổ lỗi (cho chồng, con, bố mẹ…hay trời đất, số phận…) phải chịu trách nhiệm cho những bất hạnh của họ. Thậm chí đối tượng bị đổ lỗi là một người, hay một sự việc chẳng hề liên quan gì đến vấn đề, hoặc có liên quan ít và không đóng vai trò quyết định.
Lý do đổ lỗi là chúng ta muốn bảo vệ bản thân khỏi những cảm xúc tiêu cực (như ân hận, dằn vặt, xấu hổ...). Bởi con người có tính cố chấp cực đoan, khi bị tổn thương, đau lòng mới tỉnh ngộ, rồi tức giận, thù ghét, phẫn uất, đau khổ... tới phát bệnh cho chính mình.
Trường hợp của chị Hà và những người có hoàn cảnh tương tự chị Hà nên chấm dứt việc đổ lỗi cho chồng, và hãy thay đổi chính mình theo hướng tích cực. Để làm được việc ấy cần:
1. Từ bỏ tư duy mình là nạn nhân: Khi đến với vợ/chồng thì bạn là người kiến tạo cuộc sống của mình. Chồng do bạn chọn, con cái do bạn sinh, công việc cũng do bạn chọn làm… Vậy hãy chịu trách nhiệm cho việc chọn lựa đó (nếu như kết quả không đúng với kỳ vọng mong đợi).
2. Hãy làm chủ cuộc đời, làm chủ cảm xúc của bản thân: Không ai có thể làm tổn thương nếu bạn không trao tình cảm cho họ, không ai là người vô tâm nếu bạn không quá mong cầu. Vấn đề sẽ chỉ là vấn đề khi chúng ta cho nó là vấn đề mà thôi.
3. Học cách chấp nhận bản thân: Không có ai là hoàn hảo, và bạn cũng không hoàn hảo. Hãy chấp nhận mình đã phạm sai lầm rồi nhận lỗi và tìm cách sửa chữa sai lầm. Thất bại không đáng sợ, người ta rời bỏ bạn đi không đáng sợ. Cái đáng sợ nhất là bạn rời bỏ chính bản thân, không chịu thay đổi để cuộc sống mãi chìm trong bế tắc.
Chừng nào bạn còn đổ lỗi cho người khác và ngoại cảnh thì chừng đó cuộc sống còn tiếp tục ở trong vòng luẩn quẩn thất bại, khổ đau. Hãy nhớ rằng, chính bạn mới là nguyên nhân của mọi vấn đề xảy ra trong cuộc sống, vì vậy nên chấp nhận và thay đổi cách ứng xử để có cuộc sống tốt đẹp hơn, hạnh phúc và bình an hơn.
Theo Gia đình & Xã hội
Người phụ nữ quyết ly hôn để chồng trở về đoàn tụ với vợ cả
Sau 40 năm chung sống với người vợ Nga, ông nhận được tin người vợ đầu vẫn còn sống và đã chờ đợi ông suốt 51 năm ở Nhật Bản.