- Tôi là công dân mang quốc tịch Việt Nam, chồng tôi quốc tịch Malaysia. Chúng tôi cũng đăng ký kết hôn tại Malaysia. Hiện tại chúng tôi muốn về Việt Nam định cư thì cần những thủ tục gì? 

Ngoài ra, con tôi sinh ở Malaysia, tôi muốn cho con về Việt Nam sinh sống thì cần làm gì, những thủ tục, giấy tờ gì để được hưởng quyền lợi như công dân Việt Nam bình thường? Cảm ơn luật sư tư vấn.

{keywords}
Chồng tôi cần làm thủ tục gì để định cư ở Việt Nam? (Ảnh minh họa)

Theo như nội dung thư mà bạn yêu cầu thì hiện nay bạn và chồng đang có nhu cầu định cư tại Việt Nam và bạn đang có quốc tịch Việt Nam nhưng lại đang thường trú ở nước ngoài. Vì vậy, bạn cần thực hiện các thủ tục đăng ký thường trú của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, còn chồng và con bạn sẽ thực hiện thủ tục đăng ký thường trú áp dụng đối với người nước ngoài:

1. Thủ tục mà bạn cần thực hiện để đăng ký thường trú tại Việt Nam:

Hồ sơ đăng ký thường trú bao gồm:

i. Đơn đề nghị về Việt Nam thường trú;

ii. Bản sao một trong các giấy tờ sau đây có giá trị chứng minh có quốc tịch Việt Nam (Giấy khai sinh, Chứng minh nhân dân, hộ chiếu Việt Nam, Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam,);

iii. 03 ảnh mới chụp cỡ 4 x 6 cm, phông nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính mầu (02 tấm dán vào đơn đề nghị và 01 tấm để rời)

iv. Một trong những giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp như sau:

a) Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu (Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở; giấy tờ về mua, bán, tặng, cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở…)

b) Văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà ở, nhà khác của cơ quan, tổ chức hoặc của cá nhân; văn bản chứng minh người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho người đó đăng ký thường trú; và Bản sao giấy tờ, tài liệu chứng minh quyền sở hữu nhà ở của người cho thuê, mượn, ở nhờ.

(Phần A, Mục II, Văn bản hợp nhất 03/VBHN-BCA năm 2014 hợp nhất Thông tư liên tịch hướng dẫn thủ tục giải quyết cho công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài đăng ký thường trú tại Việt Nam do Bộ Công an ban hành “Văn bản hợp nhất 03/VBHN-BCA”)

Nơi nộp và thời gian thực hiện: (một trong những cơ quan sau)

• Cơ quan đại diện Việt Nam nơi người nộp hồ sơ đang cư trú;

• Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh - Bộ Công an hoặc Phòng Quản lý Xuất Nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người nộp hồ sơ đề nghị được về thường trú.

(Điểm 1 Phần B, Mục II, Văn bản hợp nhất 03/VBHN-BCA)

Thời hạn giải quyết:

• Trường hợp bạn nộp hồ sơ tại cơ quan đại diện ngoại giao: Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đại diện ngoại giao gửi một bộ hồ sơ về Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận thông báo bằng văn bản của Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh, Cơ quan đại diện ngoại giao sẽ thông báo kết quả cho bạn.

• Trường hợp bạn nộp hồ sơ tại Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh: 60 ngày làm việc

(Điểm 1, 2 Phần C, Mục II, Văn bản hợp nhất 03/VBHN-BCA)

2. Thủ tục mà chồng và con bạn cần phải thực hiện để được thường trú tại Việt Nam

Để thường trú tại Việt Nam, chồng và con bạn sẽ phải thực hiện các thủ tục theo quy định tại Luật về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (“Luật nhập cảnh, xuất cảnh năm 2014”). Theo khoản 2 Điều 39 Luật nhập cảnh, xuất cảnh năm 2014 thì người nước ngoài được cha, mẹ, vợ, chồng là công dân Việt Nam đang thường trú tại Việt Nam bảo lãnh thì mới được xem xét giải quyết cho thường trú tại Việt Nam.

Điều kiện để được xét thường trú bao gồm: Theo Điều 40 Luật nhập cảnh, xuất cảnh năm 2014 thì:

• Người nước ngoài phải có chỗ ở hợp pháp và thu nhập ổn định đảm bảo cuộc sống tại Việt Nam;

• Người nước ngoài đã tạm trú tại Việt Nam liên tục từ 03 năm trở lên

Như vậy, muốn cư trú tại Việt Nam, chồng và con bạn cần phải thực hiện các thủ tục về đăng ký tạm trú tại Việt Nam trong thời gian 03 năm để được giải quyết cho thường trú tại Việt Nam:

• Chứng nhận tạm trú (tức là phải được Đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh đóng dấu vào hộ chiếu hoặc đóng dấu vào thị thực cho phép tạm trú tại Việt Nam) với thời hạn tạm trú bằng với thời hạn thị thực; hoặc

• Thẻ tạm trú, với thời hạn của thẻ tạm trú phụ thuộc vào loại thị thực mà người nước ngoài đạt được.

Với mục địch được sinh sống và làm việc tại Việt Nam, chồng và con bạn phải thực hiện thủ tục để xin cấp thẻ tạm trú tại Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh Bộ Công an hoặc Phòng Quản lý Xuất Nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Điều 8 Luật nhập cảnh, xuất cảnh năm 2014)

1.1 Thủ tục cấp thẻ tạm trú:

Hồ sơ đề nghị cấp thẻ tạm trú gồm các loại giấy tờ sau (Khoản 1 Điều 37 Luật xuất nhập cảnh 2014):

• Văn bản đề nghị của cá nhân làm thủ tục mời, bảo lãnh;

• Tờ khai đề nghị cấp thẻ tạm trú có dán ảnh;

• Hộ chiếu của người xin cấp thẻ tạm trú;

• Giấy tờ chứng minh thuộc trường hợp được cấp thẻ tạm trú như thị thực thăm thân… (Điều 36, Điều 8 Luật xuất nhập cảnh 2014)

Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ (Điểm c Khoản 2 Điều 37 Luật nhập cảnh, xuất cảnh năm 2014)

1.2 Thủ tục đăng ký thường trú:

Sau 3 năm tạm trú liên tục, chồng bạn và con bạn cần phải chuẩn bị hồ sơ đăng ký thường trú, gồm các giấy tờ sau:

• Đơn xin thường trú;

• Lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó là công dân cấp;

• Công hàm của cơ quan đại diện của nước mà người đó là công dân đề nghị Việt Nam giải quyết cho người đó thường trú;

• Bản sao hộ chiếu có chứng thực;

• Giấy tờ chứng minh đủ điều kiện được xét cho thường trú bao gồm giấy tờ chứng minh tài chính, giấy tờ về chỗ ở (hợp đồngthuê nhà…), Giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh..;

• Giấy bảo lãnh của công dân Việt Nam đang thường trú tại Việt Nam bảo lãnh người nước ngoài được cha, mẹ, vợ, chồng, con.

• Tài liệu liên quan (nếu có).

Hồ sơ nộp tại Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh Bộ Công an hoặc tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, quyết định cho thường trú; trường hợp xét thấy cần phải thẩm tra bổ sung thì có thể kéo dài thêm nhưng không quá 02 tháng.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi chồng và các con bạn xin thường trú thông báo về việc được giải quyết cho thường trú. Trong thời hạn 03 tháng kể từ khi nhận được thông báo giải quyết cho thường trú, chồng và các con bạn phải đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi xin thường trú để nhận thẻ thường trú.

3. Về vấn đề các thủ tục, giấy tờ cần chuẩn bị để con bạn (sinh tại Malaysia) được hưởng quyền lợi như công dân Việt Nam thì con bạn cần phải nhập quốc tịch Việt Nam. Theo đó, việc nhập quốc tịch Việt Nam được quy định như sau.

Theo quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam (sau đây gọi tắt là Luật Quốc tịch) đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 về điều kiện để nhập quốc tịch Việt Nam như sau:

“…Người xin nhập quốc tịch Việt Nam có thể được nhập quốc tịch Việt Nam nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

a) Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;...”

Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 19 Luật Quốc tịch quy định: “Người nhập quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ những người quy định tại khoản 2 Điều này, trong trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép”.

Như thông tin bạn cung cấp, chúng tôi hiểu rằng bạn vẫn đang mang quốc tịch Việt Nam. Do đó, căn cứ vào những quy định nêu trên, bạn có thể làm thủ tục xin nhập quốc tịch Việt Nam cho con bạn mà không phải thôi quốc tịch nước ngoài.

Tuy nhiên, người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải có tên gọi Việt Nam (khoản 4, Điều 19, Luật Quốc tịch). Cụ thể, theo hướng dẫn tại điểm c, khoản 1, mục III Thông tư số 01/2008/TT-BTP ngày 02/06/2008 về quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp thì: “Trong trường hợp cha, mẹ chọn quốc tịch Việt Nam cho con, thì tên của trẻ em là tên Việt Nam (Ví dụ: Đỗ Nhật Thành) hoặc tên ghép giữa tên Việt Nam và tên nước ngoài (Ví dụ: Đỗ Nhật Randy Thành) theo sự lựa chọn của cha, mẹ”. Điều này có nghĩa là bạn vẫn có thể giữ được họ của người bố khi đặt tên tiếng Việt cho con.

Để xin nhập quốc tịch Việt Nam cho con, bạn phải nộp 03 bộ hồ sơ lên Sở Tư pháp nơi bạn có địa chỉ cư trú (thường trú hoặc tạm trú) tại Việt Nam. Hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam bao gồm:

(1) Đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam;

(2) Bản sao Giấy khai sinh, hộ chiếu hoặc giấy tờ thay thế có giá trị chứng minh con bạn có quốc tịch Séc;

(3) Bản khai lý lịch;

(4) Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với thời gian con của bạn cư trú ở Việt Nam (nếu có), Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Séc cấp đối với thời gian con của bạn cư trú tại Séc. Phiếu lý lịch tư pháp phải là phiếu được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ;

(5) Giấy tờ chứng minh trình độ tiếng Việt;

(6) Giấy tờ chứng minh về chỗ ở, thời gian thường trú ở Việt Nam và

(7) Giấy tờ chứng minh bảo đảm cuộc sống ở Việt Nam.

Vì con của bạn thuộc trường hợp người xin nhập quốc tịch Việt Nam theo điểm a, khoản 2 Điều 19 Luật Quốc tịch nên được miễn các giấy tờ (5), (6) và (7) nêu trên. Trình tự, thủ tục giải quyết hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam tuân thủ theo quy định tại Điều 21 của Luật Quốc tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Tư vấn bởi Luật sư Hoàng Tuấn Anh; Công ty Luật Themis; Mail: [email protected]; SĐT: 0986663459

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc