Ngân sách cử cán bộ khoa học đi công cán lấy từ tiền thuế của dân, vì thế nó phải được sử dụng một cách hiệu quả, dân chủ, công bằng, công khai và minh bạch.

Hàng năm, Nhà nước dành một khoản ngân sách đáng kể để các nhà khoa học đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài. Tuy nhiên, giống như ở nhiều ban, ngành khác, hoạt động này đến nay vẫn còn tình trạng kém hiệu quả và lãng phí.

Ở không ít cơ quan việc bố trí đoàn đi nước ngoài còn nặng về “giải quyết chính sách”, tham quan, du lịch... Trước thực trạng này, Bộ Chính trị đã ban hành chỉ thị số 38-CT/TW về tăng cường quản lý các đoàn đi công tác nước ngoài nhằm tránh lãng phí ngân sách, tăng hiệu quả thiết thực của các chuyến đi.

Bài viết này xin đưa ra một số giải pháp để khắc phục tình trạng trao đổi khoa học thì ít, tham quan, mua bán thì nhiều.

Xác định đúng đối tượng

Số lượng người được ngân sách cấp đi trao đổi ở nước ngoài phụ thuộc vào quy mô, chức năng của mỗi cơ quan, dao động từ vài đến hàng chục người. Một thực tế không thể phủ nhận là không thiếu trường hợp, người được cử đi là những cán bộ cao tuổi, sắp về hưu. Người ta coi đó như là suất đi “dối già” tặng cho nhau.

Cũng có trường hợp cán bộ được cử đi không làm công tác nghiên cứu, mà ở các vị trí như hành chính, thư viện, lái xe… Việc lựa chọn này thường do lãnh đạo cơ quan “nhắm trước” và chỉ thông báo cho cơ quan như “sự đã rồi”. Cán bộ khác trong cơ quan không có cơ hội hoặc đa phần không dám có ý kiến.

Không ít cán bộ được cử đi có trình độ ngoại ngữ ở mức độ mà để giới thiệu đầy đủ về bản thân cũng khó khăn. Vậy mà họ vẫn hồn nhiên tự hào bước lên máy bay sang học hỏi xứ người.

{keywords}
Không thể đi nước ngoài học hỏi, về nặng vali hàng giảm giá. Ảnh minh họa

Xác định tiêu chuẩn

Cho đến nay, hầu như chưa cho hệ tiêu chuẩn rõ ràng đối với việc lựa chọn cán bộ khoa học đi công tác ở nước ngoài. Đây là khởi đầu cho nhiều bất cập.

Có lẽ cần xác định tiêu chuẩn ngoại ngữ như là điều kiện “cần” tiên quyết bởi khác với các ban ngành khác, Nhà nước không có ngân sách dành cho việc thuê phiên dịch hỗ trợ các nhà khoa học. Đây là quy định đúng đắn, vì đa phần những người được cử công cán phải là tiến sĩ, mà đã là tiến sĩ thì chí ít trình độ ngoại ngữ đương nhiên phải đủ ở mức trao đổi khoa học.

Một tiêu chuẩn quan trọng khác là năng lực chuyên môn. Dù đi thế nào, mục đích căn cốt của những chuyến đi dạng này là giới thiệu về tiềm năng của mình, học hỏi cái hay ở bên ngoài và tìm kiếm cơ hội hợp tác với nơi đến. Để đồng thời làm được cả 3 việc này, ngoài ngoại ngữ, cán bộ được cử đi phải là người có đủ kiến thức chuyên môn, tầm nhìn.

Tuy nhiên, khác với ngoại ngữ, năng lực chuyên môn đôi khi mơ hồ và việc đánh giá nhiều khi không tránh khỏi cảm tính. Do đó, nên chăng quy định số công trình nghiên cứu phù hợp với chuyên môn được phân công tối thiểu đã được in trong 2-3 năm liên tiếp trước khi đối tượng được xem xét cử đi? Nên chăng ưu tiên những người đã có công trình in ở nước ngoài mà không sử dụng ngân sách của nhà nước?

Cán bộ được dự kiến cử đi phải có bản đề cương chi tiết cho chuyến đi, bao gồm đi đâu, tại sao lai chọn nơi đó, làm việc với ai, trao đổi những gì, học hỏi những gì…? Đây không phải là vẽ ra thủ tục để “hành” cán bộ, mà trên thực tế đây là các quy trình tối thiểu trong hoạt động trao đổi khoa học.

Quy định về tuổi đời có thể không quá quan trọng nhưng cũng cần có hạn mức, bởi việc cử cán bộ chỉ còn vài tháng nữa sẽ về hưu đi liệu có ích lợi gì? Nhất là khi cả một hàng dài cán bộ trẻ đủ ngoại ngữ, thừa sức khỏe, đam mê vẫn thầm lặng, nhẫn nại đợi chờ?

Quy trình lựa chọn

Việc lựa chọn cử cán bộ đi nên được công khai từ đầu năm. Thông tin về số người, ngân sách cần được minh bạch. Mọi cán bộ nghiên cứu đều được tham gia ứng cử, xây dựng kế hoạch và bảo vệ nó tại cơ quan trước khi việc bỏ phiếu lựa chọn được tiến hành.

Nếu quy trình này được tiến hành như vậy, các nhà khoa học sẽ được toàn quyền lựa chọn điểm đến sao cho phù hợp với chuyên môn và dĩ nhiên trong khuôn khổ ngân sách cho phép. Điều này giúp tránh được tình trạng cả đoàn công tác với chuyên môn khác nhau cùng đến một địa điểm, gây lãng phí do không có cơ hội để tất cả mọi người cùng trao đổi.

Sau mỗi chuyến đi, mỗi cán bộ phải có báo cáo chuyên môn riêng, trình bày công khai trước cơ quan về kết quả chuyến công tác.

Việc lựa chọn cán bộ không thể theo kiểu “xếp hàng”, “đồng lần” hay thậm chí “yêu thì cho đi, không yêu thì cho ở nhà”. Cán bộ nào có đủ năng lực, điều kiện, hoạt động trao đổi đem lại hiệu quả cụ thể cần phải được ưu tiên. Không có gì là bất bình đẳng khi người yếu kém không bao giờ được đi và người có năng lực thường xuyên nhận được vé máy bay.

Cũng không thể loại bỏ những người thường xuyên được đi trao đổi nước ngoài nhưng bằng tiền tài trợ từ phía bạn. Sẽ là bất công nếu cho rằng những người đó phải nhường cơ hội “đi Tây” cho người khác.

Thay lời kết:

Ngân sách cử cán bộ khoa học đi công cán lấy từ tiền thuế của dân và vì thế nó phải được sử dụng một cách hiệu quả, dân chủ, công bằng, công khai và minh bạch. Thêm vào đó, những người được cử đi phải là “tinh hoa” của mỗi cơ quan, có như thế việc trao đổi, hợp tác khoa học mới có thể được thực hiện, đem lại ích lợi cho bản thân cơ quan ấy hay rộng ra là nước nhà.

Bằng không, kết quả của những chuyến đi ấy sẽ chỉ là những vali ních đầy hàng ngoại giảm giá.

Nguyễn Công Thảo