Nhiều thực khách hoang mang không biết được đâu mới thực sự là một địa chỉ đáng tin cậy?
Nhiều năm qua, vấn đề thương hiệu vẫn luôn là câu chuyện được người tiêu dùng và cộng đồng doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn hết sức quan tâm. Trong bối cảnh hàng quán mọc lên như nấm, thương hiệu được ví như thước đo về sự uy tín của chất lượng sản phẩm; chất lượng dịch vụ cũng như tên tuổi của người sáng lập, từ đó hình thành tính cạnh tranh trên thị trường.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp hoặc thương hiệu nào cũng có kinh nghiệm và sự cẩn trọng trong việc gìn giữ bản quyền, việc này lâu dài dẫn tới tình trạng đánh mất hoặc tranh chấp thương hiệu không đáng có.
Thực tế cho thấy, người tiêu dùng có thể dễ dàng bắt gặp một con phố với rất nhiều hàng quán bán cùng một loại sản phẩm, từ tên thương hiệu, cách bày trí thậm chí kiểu mời gọi khách cũng na ná nhau. Điều đặc biệt, bất kỳ cửa tiệm nào cũng khẳng định ngay trên tấm biển quảng cáo: “Đây là thương hiệu gia truyền chính hiệu”.
Dạo một vòng quanh phố Bà Triệu, chúng ta bắt gặp “một triệu bà Vân”. |
Bất cứ ai đi qua phố Bà Triệu (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đoạn từ ngã tư cắt Trần Nhân Tông đến Tuệ Tĩnh đều có cảm giác như mình đang đi trong… phố “lạc”. Chỉ trong một đoạn đường dài chưa đến 200m mà có tới hơn 40 quán bán lạc rang húng lìu. Từ cô Vân, chị Vân, bà Vân rồi cả cụ Vân… cứ vài bước chân lại có một bảng hiệu đề tên quán kèm chân dung “cha đẻ” của món lạc nổi tiếng.
Cả con phố như “ngộp thở” với ma trận hàng quán chính hiệu, nhưng thực chất, Bà Vân xịn ở phố Bà Triệu đến nay vẫn chỉ có một. Bà Bùi Thị Vân (90 tuổi) người sáng tạo ra món lạc rang húng lìu nổi tiếng đồng thời là chủ nhân của thương hiệu lạc rang Bà Vân cho biết: “Đây là món gia truyền đã 50 năm nay của gia đình tôi, ban đầu khi đặt tên thương hiệu chỉ nghĩ đơn giản là lấy tên của người tạo ra món ăn cho dễ nhớ, dễ gọi. Khoảng chục năm trở lại đây, khi thấy nhà tôi làm ăn được bao nhiêu hàng quán mở ra tự nhận là “cơ sở” của Bà Vân, mượn tên tuổi gia truyền để bán hàng”.
Tương tự lạc rang Bà Vân, Phở 10 Lý Quốc Sư cũng là một thương hiệu xuất hiện khắp nơi trên địa bàn Hà Nội thậm chí cả ở tỉnh lẻ. Bắt nguồn từ một cửa hàng kinh doanh ở phố cổ Hà Nội, địa chỉ số 10 Lý Quốc Sư, đến nay quán phở này chỉ mở thêm 3 chi nhánh khác ở các phố Hoàng Minh Giám; Thanh Xuân và đường Tố Hữu (Vạn Phúc, Hà Đông).
Cửa hàng nào cũng có hình thức na ná nhau và không quên khẳng định mình là hàng “chính hiệu” trên biển quảng cáo. |
“Có lần tôi nhìn thấy một cửa hàng ghi biển phở Lý Quốc Sư màu cam giống hệt như quán trên phố tôi từng ăn. Khi vào mới biết đây là quán nhái vì thái độ phục vụ của nhân viên rất khác, giá phở rẻ hơn nhưng theo đó thì phở cũng không ngon bằng quán xịn” – Anh Văn Toàn (36 tuổi, Hà Đông) chia sẻ.
Trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt ở khu vực phố cổ xuất hiện hàng loạt những con đường “hàng gia truyền”; “hàng chính hiệu” như: Bún chả Hàng Mành; ngan cháy tỏi Hàng Thiếc; bánh cốm Hàng Than… Thực chất các cửa hàng gia truyền chỉ có một, tuy nhiên thương hiệu nhái xuất hiện hàng loạt ngay bên cạnh để đánh lừa người tiêu dùng và tận dụng hiệu ứng “ăn theo”.
Ma trận cửa hàng Ngan cháy tỏi “đặc biệt”, “lâu năm”, “chính hiệu”… trên phố Hàng Thiếc khiến thực khách hoang mang. |
Ma trận hàng quán khiến thực khách không khỏi chóng mặt vì không phân biệt nổi thật giả. Để có thể lựa chọn chính xác hàng quán chính hiệu, thưởng thức món ăn truyền thống chuẩn vị, người tiêu dùng nên tìm hiểu trước trên các phương tiện thông tin đại chúng, bên cạnh đó cũng có thể ưu tiên lựa chọn quán ăn theo khẩu vị của bản thân.
Những thương hiệu gia truyền duy trì được tới ngày nay đều phải trải qua thời gian thử thách khốc liệt mới có thể chiếm được lòng tin của thực khách. Nói như bà Bùi Thị Vân thì: “Chúng tôi giữ chân khách bằng chất lượng sản phẩm của mình, bao nhiêu năm nay dù có hàng chục bà Vân khác xuất hiện nhưng nhà tôi vẫn đông khách, tôi tin rằng thực khách sẽ tìm đúng nơi có sản phẩm mà mình yêu thích”.
(Theo Dân Việt)