Tôi bị chồng lừa ký giấy tài sản riêng để dễ làm giấy tờ nhà, sau đó chồng tôi ngoại tình. Hiện tại anh ta đang chuẩn bị hồ sơ đi nước ngoài và muốn ly hôn. Chúng tôi có một con chung dưới 3 tuổi. Từ khi kết hôn tôi nghỉ ở nhà chăm con, còn anh ta có rất nhiều tài sản riêng và kinh tế tốt nhưng vẫn tranh cãi chi li từng đồng để nuôi con. Giờ tôi đi làm lại, thu nhập không cao và vẫn phải thuê nhà. Xin hỏi nếu ly hôn:
1. Tôi có được yêu cầu chồng chu cấp cho con bằng 30% tổng thu nhập ko? Chồng thu nhập khoảng 70tr/tháng, nhưng chỉ đồng ý chu cấp cho con khoảng 10% là 7tr/tháng. Và chi phí đó tự đóng vào tiền học.
2. Tôi có được yêu cầu chu cấp 1 lần ko? Vì chồng sắp đi nước ngoài, và rất kì kèo nuôi con, keo kiệt với con.
3. Căn nhà chung mà tôi lỡ ký xác nhận là tài sản riêng của anh ta rồi, tôi mới phát hiện chồng đã bán, vậy tôi có được yêu cầu chia tiền bán căn nhà không?
Luật sư tư vấn:
Thứ nhất: Mức cấp dưỡng cho con
Theo quy định tại Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình 2014, khi cha mẹ ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
Cấp dưỡng được hiểu là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này.
Điều 116 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về mức cấp dưỡng như sau:
- Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
- Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Do đó, bạn và chồng bạn có thể tự thỏa thuận với nhau về mức cấp dưỡng cho con. Trường hợp hai bên không thống nhất được chi phí cấp dưỡng cho con, có thể yêu cầu Tòa án giải quyết. Tòa án sẽ căn cứ vào thu nhập hàng tháng của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thực tế của người được cấp dưỡng để xác định mức phí cấp dưỡng phù hợp.
Thứ hai: Có được đề nghị cấp dưỡng cho con 1 lần
Điều 117 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về phương thức cấp dưỡng:
“Điều 117. Phương thức cấp dưỡng
Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần.
Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.”
Theo quy định pháp luật, việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, hàng năm hoặc một lần. Do đó, bạn có thể thỏa thuận với chồng bạn về phương thức cấp dưỡng cho con. Trường hợp hai bên không thống nhất được, bạn có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết phương thức cấp dưỡng cho con. Trường hợp bạn muốn yêu cầu cấp dưỡng 1 lần, bạn cần cung cấp căn cứ để Tòa án xem xét giải quyết.
Thứ ba: Văn bản xác nhận tài sản chung
Điều 38 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về tài sản chung trong hôn nhân như sau
“1. Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ trường hợp quy định tại Điều 42 của Luật này; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
2. Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.
3. Trong trường hợp vợ, chồng có yêu cầu thì Tòa án giải quyết việc chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại Điều 59 của Luật này.”
Theo thông tin bạn cung cấp, vợ chồng bạn cùng nhau mua căn nhà và bạn đã ký vào văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung, văn bản thỏa thuận tài sản chung này có hiệu lực thì tài sản này thuộc quyền sở hữu riêng của chồng bạn. Nếu văn bản tài sản riêng đã có hiệu lực và chồng bạn đã sang tên thì trường hợp này quyền sử dụng đất đã thuộc quyền quản lý và sử dụng của chồng bạn. Trường hợp ngôi nhà chưa sang tên thì bạn cần thoả thuận với chồng huỷ thoả thuận xác định tài sản riêng văn bản phải được công chứng.
Thạc sỹ - Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc