Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết về “Chống lãng phí” khiến người dân như vỡ òa cảm xúc. Họ cảm nhận được rằng người đứng đầu Đảng đã nhìn thấy được việc rất cấp bách trong giai đoạn hiện nay.
Thực tế ở các tỉnh, thành, nhiều dự án đầu tư dang dở, không triển khai nữa. Có những công trình, dự án triển khai được trên 50-60%, thậm chí 90% và nằm yên thời gian dài. Đây chính là vấn đề lãng phí phơi bày ra trước mắt công chúng, gây bức xúc lớn trong nhân dân.
Giải pháp mà Tổng Bí thư đưa ra là vô cùng cấp thiết, có ý nghĩa lớn trong thời gian này.
Đó là lời giải cho bài toán về động lực tăng trưởng, về môi trường, an sinh xã hội…, nhất là giải được bài toán về lòng dân. Giải quyết được bài toán “lãng phí” sẽ làm tăng thêm niềm tin trong dân đối với các chủ trương và quyết sách của Đảng, Nhà nước.
Để cụ thể hoá tinh thần ấy vào thực tiễn, trước mắt cần khơi thông những dự án trọng điểm vốn đã đứng trước ngưỡng hoàn thiện, nhưng lại bế tắc vì nhiều nguyên nhân.
Ví dụ, tại TPHCM có dự án mà tiến độ hoàn thành đạt khoảng 95%, nhưng lại ngưng trệ, gây bức xúc lớn cho người dân như dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng.
Dự án này chỉ cần tiếp thêm một chút nguồn lực thì công trình sẽ hoàn thành, nhanh chóng vận hành vào thực tiễn và phát huy hiệu quả. Chống lãng phí cũng chính là khơi thông cho những dự án kiểu này.
Hay như các dự án tái định cư ở Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) với hàng ngàn căn hộ đã hoàn thành từ năm 2015 nhưng đang bị bỏ hoang, cũng là điển hình của lãng phí rất lớn.
Không chỉ ở TPHCM, mà nhiều địa phương khác trên cả nước còn nhiều dự án đang dang dở. Có nhiều nguyên nhân, có thể chủ quan, khách quan hoặc do vướng vào quy định, rào cản của pháp lý, hay trong quá trình chờ xử lý kết quả điều tra, kiểm tra...
Vấn đề là cần có sự rà soát, kiểm tra, kiểm kê và có quyết định đủ mạnh, đủ lớn để xoay chuyển tình hình cho các dự án như thế này.
Với quan điểm chống lãng phí trong bài viết của mình, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu hết sức rõ ràng, đúng đắn. Tôi nghĩ rằng, cùng với tinh thần đó, tới đây, Trung ương có thể thành lập Ban chỉ đạo về phòng, chống lãng phí do Tổng Bí thư đứng đầu. Các địa phương cũng thành lập Ban chỉ đạo tương tự như Ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Từ đó, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống lãng phí yêu cầu Chính phủ, các địa phương báo cáo, rà soát các công trình, dự án (cả công và tư) đang triển khai dang dở để tìm giải pháp tháo gỡ; xử lý theo phương án ưu tiên. Cụ thể, ưu tiên trước mắt là những dự án đã hoàn thành 80% trở lên, cần tiếp sức thêm 20% thì công trình này đi vào hoạt động, có hiệu quả lớn thay vì nằm "đắp chiếu" lãng phí nhiều năm. Có thể chia ra từng nấc, chẳng hạn quý 1 giải quyết dự án 80%, quý 2 dự án 50% trở lên... chỉ cần tiếp sức thêm là giải phóng được nguồn lực.
Khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới, những nguồn lực như vậy là nguyên liệu, là tài sản mà không cần phải huy động thêm, chỉ cần tháo gỡ từ các nguyên nhân nội tại. Trong giải pháp, cần xử lý ưu tiên theo cấp độ hoàn thành khối lượng của từng dự án từ cao xuống thấp.
Ưu tiên thứ hai là những dự án mặt tiền, vì đó là nét đẹp, bộ mặt quốc gia. Ưu tiên xử lý các dự án này để tránh cái nhìn không thiện cảm của du khách cũng như các đoàn lãnh đạo quốc tế khi vào Việt Nam.
Thứ ba là vốn, ưu tiên cho các dự án có vốn lớn trước, để nằm thì lãng phí quá lớn, ví dụ như dự án chống ngập, metro, các đường vành đai, các công trình trọng điểm…
Đồng thời, cũng ưu tiên xử lý nhanh các dự án đất công và tài sản công không sử dụng, lãng phí nghiêm trọng nguồn lực này. Nhất là tại TPHCM có nhiều trụ sở của cơ quan trung ương, bộ, ngành đóng trên địa bàn nhưng không sử dụng, như khu đất ở góc đường Lý Thái Tổ - Trần Phú. Khi tôi đi tiếp xúc cử tri, người dân có ý kiến rất nhiều. Do đó, đất công, tài sản công này, Chính phủ cần có chỉ đạo các địa phương vào cuộc rà soát, báo cáo, xây dựng các tiêu chí. Đồng thời, Trung ương hình thành ban chỉ đạo để giải quyết dứt điểm vấn đề này, tận dụng nguồn lực sẵn có để phát triển.
Bên cạnh đó, cũng phải tập trung phòng, chống lãng phí về thời gian. Ví dụ như một hồ sơ chạy lòng vòng từ địa phương đến Trung ương, qua nhiều cuộc họp mà không xong. Đây là việc thuộc về thể chế, quy trình mà cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương để giải quyết bài toán này.
Làm được những vấn đề trên, thì quan điểm trong bài viết của Tổng Bí thư sẽ đi vào cuộc sống một cách hiệu quả.
Làm được như vậy, chúng ta sẽ vực lại những nguồn lực sẵn có, bị "đắp chiếu", giúp các địa phương có thêm nguồn lực cần thiết cho sự phát triển.
Làm được như vậy thì người dân sẽ rất phấn khởi, càng củng cố thêm niềm tin vào Đảng và Nhà nước.
Có thể nói, bài viết về chống lãng phí của Tổng Bí thư Tô Lâm là một mũi tên đa mục tiêu, hợp lòng dân và mang tính cấp thiết trong tình hình hiện nay của nước ta.
Bài viết về “Chống lãng phí” là một tầm nhìn chiến lược vừa gần, vừa xa của Tổng Bí thư, tạo nên niềm tin đất nước sẽ bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển phồn vinh.
(PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Đại biểu Quốc hội TPHCM)