Xử lý hàng loạt vụ
Tháng 6/2021, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra đồng loạt Trung tâm dược phẩm Hapulico và một số nhà thuốc bán lẻ, cơ sở kinh doanh tại các quận huyện: Quốc Oai, Đông Anh, Cầu Giấy và Hà Đông.
Kết quả kiểm tra, Đội QLTT số 1 phát hiện tổng số 1.663 sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả mạo kem đánh răng dược liệu Ngọc Châu. Toàn bộ số hàng giả mạo kem đánh răng dược liệu Ngọc Châu đều được thể hiện số lô sản xuất là: 303 và phần đuôi tuýp dập sóng song song, hai bên đuôi tuýp không bo viền (để sắc cạnh).
Đại diện Công ty TNHH Dược phẩm Hoa Linh chính thức xác nhận, toàn bộ số hàng bị Đội QLTT số 1, Cục QLTT Hà Nội thu giữ là hàng giả mạo nhãn hiệu Ngọc Châu và đây là lô hàng giả mạo nhãn hiệu Ngọc Châu đầu tiên được phát hiện.
Gần đây nhất, Cơ quan chức năng Hà Nội vừa phát hiện và thu giữ hơn 20.000 sản phẩm là thực phẩm chức năng các loại bị làm giả tại thôn Lại Đà, xã Đông Hội, Đông Anh, thành phố Hà Nội, do một nhóm 4 người sản xuất.
Cơ quan chức năng xử lý hàng loạt vụ vi phạm (Ảnh:QLTT) |
Trong 6 tháng đầu năm, quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 2.744 vụ, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái; tổng số tiền xử lý hơn 90 tỉ đồng (tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó: số tiền xử phạt vi phạm là 26,8 tỉ đồng (tăng 47%), trị giá hàng hóa vi phạm (tịch thu, tiêu hủy) là 63 tỉ đồng.
Đội trưởng Đội QLTT số 1, ông Hoàng Đại Nghĩa cho biết, hiện nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc sản xuất, kinh doanh hàng hóa của các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là có những doanh nghiệp sản xuất trong nước đã phải dừng hoạt động sản xuất do không tiêu thụ được hàng hóa, trong đó có lý do hàng hóa bị làm giả.
Đặc biệt, nhiều hàng hóa có dấu hiệu là hàng giả của các doanh nghiệp Việt Nam được sản xuất tại nước ngoài, thông qua các đường vận chuyển đưa vào tiêu thụ trong nước làm ảnh hưởng đến không chỉ các doanh nghiệp Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến chủ trương chung của Nhà nước đối với chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Không chỉ làm giả mà nhiều sản phẩm hàng hoá nhập lậu gắn mác “Made in Vietnam” được cơ quan chức năng phát hiện. Theo Tổng cục Hải quan, nhiều mặt hàng như xe đạp điện, ván gỗ ép và nguồn hàng từ Trung Quốc đổ về để mượn xuất xứ. Mới đây, cơ quan này đã tịch thu và xử lý 50.000 sản phẩm xe đạp và xe đạp điện giả mạo nhãn hiệu Việt nhằm xuất sang Mỹ. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm, cơ quan chức năng đã khởi tố và đề nghị khởi tố 50 vụ việc về nhiều loại hàng hoá nhập lậu dán nhãn mác hàng “Made in Vietnam”.
Mạnh tay chống hàng giả, hàng lậu
Bà Phạm Thị Đào, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất mỹ phẩm Anh Đào, cho rằng hàng giả tràn lan nhưng pháp luật xử lý còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Doanh nghiệp phải tự cứu mình bằng cách thuê thám tử theo dõi đường đi của hàng giả, hàng nhái; đầu tư công nghệ hiện đại để hạn chế bị làm giả. Ngoài ra, để chống hàng giả, công ty chấp nhận bán hàng theo từng tỉnh - thành, tức sản phẩm tiêu thụ tại tỉnh nào sẽ có mã vạch riêng (nếu sản phẩm bán tại địa phương nào mà không khớp mã vạch sẽ bị thu hồi).
Bà Chu Hương Giang, Phó Tổng giám đốc Công ty CP thực phẩm Minh Dương (Hà Nội) cho biết, một trong những giải pháp gỡ khó cho các doanh nghiệp là cần tăng cường các điểm bán sản phẩm. Đây không chỉ là cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận với người tiêu dùng và nhận diện hàng Việt, mà còn tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cộng đồng về chất lượng của sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước.
Bảo vệ người tiêu dùng Việt (Ảnh:Bảo Anh) |
Theo Ban chỉ đạo 389 quốc gia, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng diễn biến phức tạp, cả về quy mô tính chất và địa bàn, các mặt hàng hết sức đa dạng từ đồ ăn, thức uống, đến hàng hóa chất lượng cao như đồ điện tử, thậm chí tem chống hàng giả cũng bị làm giả.
Để nâng cao hiệu quả đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã triển khai nhiều quy chế phối hợp với Ban chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố, các lực lượng thực thi như hải quan, cảnh sát biển…Vì vậy, việc phối hợp đấu tranh với hàng giả hàng nhái đã đạt được một số kết quả tích cực.
Nhằm ngăn chặn hàng giả, kém chất lượng, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tiếp tục thực hiện quyết định số 888 về đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) giai đoạn 2021 – 2025.
Ngành quản lý thị trường chỉ đạo đơn vị chuyên môn tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, đảm bảo trọng tâm, trọng điểm. Duy trì hoạt động đường dây nóng, phân công cán bộ tiếp nhận, xử lý tin báo về hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc và xâm phạm quyền SHTT.
Mặt hàng kiểm tra tập trung vào các loại hàng hóa tiêu dùng như: Giày dép, quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm, dược phẩm… và các loại hàng hóa thường xuyên bị làm giả, xâm phạm quyền SHTT hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật về xử lý, phân biệt hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm bản quyền SHTT, Cục QLTT phối hợp với các sàn giao dịch thương mại điện tử, ban quản lý chợ, siêu thị… trên địa bàn tỉnh xây dựng quy chế, tổ chức ký cam kết không để loại hàng hóa này lưu thông trên thị trường.
Phan Thân