- Tôi và vợ có mâu thuẫn không thể chung sống, nhưng điều tôi lo nhất là 2 đứa con. Cả hai đứa đều rất quấn cha, tôi cũng thương chúng. Mẹ cháu thì lại đòi giành hết quyền nuôi con. Về mặt tài chính hai người đều ngang nhau. Vậy tôi có quyền nhận cả hai cháu để nuôi hay không? Hai đứa một cháu 6 tuổi, một cháu 4 tuổi. Tôi phải làm thế nào để giành quyền nuôi con. Tôi có đủ khả năng về tài chính và thời gian chăm sóc con. Xin tư vấn giùm tôi.
Theo Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc nuôi dưỡng và giáo dục con sau khi ly hôn như sau:
“1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
Khi ly hôn, nếu không tự thỏa thuận được, tòa sẽ căn cứ điều kiện chăm sóc mà giao con cho ai nuôi. |
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”
Như vậy, về nguyên tắc vợ, chồng có thể tự thỏa thuận với nhau về việc người nào sẽ là người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn và tòa án sẽ ghi nhận thỏa thuận này trong bản án. Trường hợp vợ, chồng không thỏa thuận được việc nuôi con thì tòa án sẽ quyết định giao quyền trực tiếp nuôi con cho một bên vợ hoặc chồng. Khi xem xét ai sẽ là người sẽ trực tiếp nuôi con sau ly hôn, tòa án sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố với mục đích tìm được người phù hợp để có thể chăm sóc, nuôi dưỡng và đáp ứng một cách tốt nhất cho sự phát triển của đứa trẻ.
Trên thực tế tòa án sẽ dựa trên 3 yếu tố sau:
Điều kiện về vật chất, bao gồm: Ăn, ở, sinh hoạt, điều kiện học tập… các yếu tố đó dựa trên thu nhập, tài sản, chỗ ở của cha mẹ. Nhà ở, điều kiện vật chất, thu thập của người vợ hoặc chồng sẽ là một trong các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc giành quyền trực tiếp nuôi con khi ly hôn.
Điều kiện về tinh thần, bao gồm: Thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con; sự yêu thương, tình cảm đối với con từ trước đến nay; điều kiện cho con vui chơi giải trí, nhân cách đạo đức, trình độ học vấn… của cha mẹ. Những “thói hư, tật xấu”, thời gian hạn chế sẽ là một yếu tố gây trở ngại trong việc giành quyền trực tiếp nuôi con.
Nguyện vọng của con: Là việc người con mong muốn được sống với ai (trong trường hợp con từ đủ 7 tuổi trở lên).
Trong trường hợp của bạn là hai con của bạn một cháu 6 tuổi, một cháu 4 tuổi do vậy sẽ xem xét đến 2 yếu tố về điều kiện vật chất và điều kiện tinh thần nêu trên. Bạn cần tự đánh giá khả năng đáp ứng về điều kiện vật chất, điều kiện tinh thần có hơn vợ bạn hay không trước khi yêu cầu giành quyền nuôi con. Thêm vào đó cũng cần xác định ai đang là người thực tế nuôi dưỡng và chăm sóc con, 2 người con của bạn gắn bó với bạn hay vợ bạn hơn, vợ bạn có chăm sóc hay bỏ bê các con đều là các yếu tố để tòa án xem xét giao quyền trực tiếp nuôi con.
Giả định các điều kiện của bạn và vợ bạn tương đồng nhau, tòa án có thể giao quyền trực tiếp nuôi con cho từng người, mỗi người một cháu. Trong trường hợp đó khả năng cao cháu 4 tuổi sẽ được giao cho mẹ vì còn nhỏ tuổi hơn cần sự chăm sóc của mẹ hơn, cháu 7 tuổi sẽ giao cho bạn. Trừ khi khả năng đáp ứng các điều kiện vật chất, tinh thần vượt trội so với vợ bạn và/hoặc vợ bạn từ bỏ quyền trực tiếp nuôi con thì việc bạn giành quyền trực tiếp nuôi cả hai con khá là khó khăn khi cả hai cháu đều nhỏ tuổi (dưới 7 tuổi).
Ngoài ra có nhiều trường hợp tòa án có thể xem xét việc không thể tách 2 con để đảm bảo sự phát triển bình thường của trẻ mà giao cho riêng mẹ hoặc cha nuôi cả 2. Như vậy có thể thấy việc giao cho ai nuôi và có chia tách các trẻ là tùy thuộc vào sự nhìn nhận và quyết định của tòa án khi các bên đều đảm bảo các điều kiện nuôi dưỡng và chăm sóc con.
Tư vấn bởi luật sư Nguyễn Thành Công – Công ty Luật TNHH Đông Phương Luật