Theo chủ quan của tôi, việc chống dịch không chỉ là chống không cho nhiễm bệnh và chống tử vong do Covid-19, mà còn là chống không để kiệt quệ sức khỏe, không để tử vong vì bệnh khác, nhất là với người lớn tuổi có nhiều bệnh nền. Đây không chỉ là quyết tâm ngăn chặn lây nhiễm mà còn là giữ được tinh thần không bị trầm cảm, u uất, không chỉ tăng cường giãn cách mà còn là chống không để suy sụp về kinh tế để còn sức "chiến đấu" lâu dài. 

Rất nhiều nước trên thế giới chống dịch hiệu quả theo phương thức như thế. 

Không thể phủ nhận được công sức to lớn của hệ thống Y tế, của chính quyền và toàn thể xã hội thời gian vừa qua. Tất cả đã tận lực cố gắng trong việc chống dịch, cứu chữa người mắc bệnh, chăm sóc cho người dân. Nhưng có lẽ chúng ta nên nhìn lại mọi việc bằng con mắt Quản trị, Khoa học và Đa chiều về công cuộc phòng chống dịch để chuẩn bị cũng như có thái độ với đại dịch Covid và dịch bệnh khác như thế nào. 

Tôi xin được góp các ý sau:   

Con người và cán bộ 

Qua đại dịch vừa rồi, chúng ta thấy rất rõ bộ máy cơ sở là bộ máy chủ lực chống dịch và cũng là bộ máy cần được tăng cường nhất. Vì thế hãy củng cố, thay đổi, tăng cường nhân sự thật mạnh, thật chuyên nghiệp cho hệ thống chính quyền, Y tế, Mặt trận, đoàn thể cấp quận huyện, phường xã vì đây chính là thành trì cho việc bảo vệ sức khỏe và bảo vệ niềm tin của nhân dân. 

{keywords}
Tháo dỡ rào chắn tại một con hẻm trên đường Phạm Văn Bạch, phường 15, quận Tân Bình, TP.HCM. Ảnh: Tuấn Kiệt

Ngoài các tiêu chuẩn của hệ thống quản lý nhà nước qui định, cán  bộ ở quận huyện, phường xã cần được trang bị kiến thức quản trị tiên tiến, nắm được những nguyên lý căn bản của việc “Ra quyết định” trong môi trường đa chiều. 

Một vấn đề hệ trọng cho cán bộ các cấp là nguyên lý “mô phỏng” trong xử lý công việc. Mỗi khi ban hành chính sách, cần có bộ phận ước lượng khả năng thực thi, thành công, thất bại. Thực tế đã cho thấy khoảng cách lớn đến chừng nào giữa quyết định trên giấy vội vàng và thực tế. 

Nên chăng mỗi 6 tháng nên tổ chức tập huấn cho cán bộ các cấp những bài học về: Quản trị rủi ro, Quản trị khủng hoảng, Quản trị chính quyền trong đại dịch, Quản trị xã hội trong đại dịch… Người giảng các chuyên đề này phải là người giỏi thật sự trong lĩnh vực đó. Nên tránh tình trạng một vài nơi được “mặc định” giảng dạy các loại chuyên đề này mà nội dung không có gì mới. 

Về phía người dân, họ cũng cần được huấn luyện, tập dượt cho khủng hoảng. Thực tế đã chỉ ra nơi nào người dân được thông cảm, thương yêu và được bảo vệ tốt, nơi đó sẽ vượt qua đại dịch nhanh chóng.  

Mở ngành học Y tế công cộng, Y tế dự phòng 

Nên chăng có điều chỉnh quan điểm y tế, bên cạnh những bệnh viện điều trị hùng mạnh thì hệ thống y tế công cộng cũng phải hùng mạnh. Bên cạnh tăng cường nghiên cứu, đầu tư về điều trị từng căn bệnh, chúng ta cần tăng cường nghiên cứu và đầu tư cho Y tế dự phòng, Y tế công cộng. Hãy tăng cường giảng dạy và mở ngành học về Y tế công cộng, Y tế dự phòng, Bác sĩ gia đình. 

Quan trọng hơn, Nhà nước cần thay đổi quan điểm, tạo ra những công việc liên quan, có chính sách hẳn hoi để thu hút người học. Mục tiêu của việc này là sau 3-5 năm, Việt Nam sẽ có một đội ngũ cán bộ y tế chuyên nghiệp làm việc trong hệ thống này và đây chính là nơi tổ chức cuộc “chiến tranh nhân dân” đúng nghĩa để chiến thắng dịch bệnh. Cán bộ y tế công cộng phải được nhận lương bổng thích đáng. 

Với y tế tư nhân: Khi dịch bệnh bùng phát, chúng ta nên huy động ngay và nhanh toàn bộ các y bác sĩ ở mọi nơi, từ bệnh viện công đến tư, từ trung tâm y tế đến phòng khám tư nhân. 

Khi đã có dịch bệnh, nhất thiết cần tăng cường đầu tư trang thiết bị, con người cho hệ thống y tế các cấp. Nếu biết sớm, điều trị và chăm sóc sớm, bệnh không trở nặng thì khả năng phục hồi sẽ cao, từ đó giảm đáng kể tử vong. 

Việc phân loại các tầng điều trị là hợp lý. Nhưng dù là mấy tầng, thì tầng dưới cùng phải được đầu tư chỉn chu, chú trọng nhiều đến sự quan tâm, hướng dẫn cho bệnh nhân cùng gia đình tự chăm sóc. Trong điều kiện vật chất các gia đình khó khăn không thể tự chăm sóc thì những khu cách ly phải được đầu tư chu đáo để đón bệnh nhân. 

Điều trị từ xa và bác sĩ gia đình 

Bên cạnh việc tăng cường hệ thống y tế công cộng, một biện pháp tăng cường nguồn lực y tế được các nước châu Âu và Mỹ sử dụng, đó là xây dựng hệ thống TeleMedicine (điều trị từ xa). Cái lợi không chỉ là tăng cường nguồn lực mà còn là tiết kiệm thời gian. Ngoài ra, đây còn là một hệ thống tự phân loại rất tốt: Bệnh nhân khi mới nhiễm bệnh sẽ gọi đến tổng đài, được tổng đài viên tiếp nhận điện thoại và tìm bác sĩ thích hợp. 

Trong qua trình thăm khám online, bác sĩ đã phân loại được bệnh nhân và nếu bệnh trở nặng sẽ được chuyển đến bệnh viện thích hợp nhanh chóng. 

Trên thế giới, Y học gia đình là một hình thức không mới trong tổ chức chăm sóc sức khỏe. Điều này giúp người dân có thể tiếp cận nhanh chóng các tư vấn y tế cũng như tránh tình trạng quá tải cho bệnh viện tuyến trên. Một hoặc nhiều bác sĩ gia đình liên kết với nhau, sử dụng hệ thống phần mềm quản lý bệnh nhân, thông qua kết nối Internet sẽ thăm khám và sau đó liên kết với các cơ sở chẩn đoán tiền lâm sàng, các nhà thuốc, từ đó hình thành một “bệnh viện” linh hoạt. 

Nếu kết hợp TeleMedicine và bác sĩ gia đình, đây sẽ là một nguồn lực đáng kể góp phần đối phó dịch bệnh, đặc biệt khi tiếp xúc trực tiếp trở nên khó khăn. 

Công nghệ thông tin 

Nếu có công cụ nào kết nối tất cả các bộ phận lại với nhau thì đó là công nghệ thông tin. Vừa qua, Bộ Y tế và thành phố đã lúng túng trong việc sử dụng công nghệ, nhất là công nghệ thông tin trong việc phòng chống dịch.

Chúng ta thiếu những ứng dụng trên web, trên điện thoại để ghi nhận thông tin, để khai báo, để phòng chống dịch, để điều trị, thăm khám và hỗ trợ bệnh nhân trên mọi phương diện. Chúng ta thiếu cả những chương trình hỗ trợ ra quyết định cho Ban chỉ huy phòng chống dịch, chương trình hỗ trợ để có thể thu thập và xem thông tin về số ca bệnh, số ca nhập viện, tình trạng bệnh nhân, tình trạng bệnh viện ở các cấp từ thành phố xuống đến phường xã. 

Do đó, cần cấp tốc huy động nhân lực trong việc xây dựng các ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện kiểm định, sử dụng.  

Vắc xin 

Hơn bao giờ hết, chúng ta cần tiếp tục giữ tiến độ tiêm và tăng cường số liều vắc xin được tiêm vì vắc xin là vũ khí hữu hiệu lâu dài để chống virus. 

Rồi thế giới sẽ phải đối mặt với sự thật phải chấp nhận bệnh này, chấp nhận một tỷ lệ nhất định dân số nhiễm bệnh nhưng sẽ bảo toàn sinh mạng vì đã có vắc xin. Rồi sẽ đến lúc vắc xin Sars-Cov-2 sẽ được chích thường xuyên, có thời hạn tái chủng như các vắc xin khác… Vấn đề là cần tổ chức thực hiện bài bản, khoa học và nhanh chóng sau này. 

Quản trị chuỗi cung ứng 

Cuối cùng nhưng không phải kém quan trọng là việc Quản trị chuỗi cung ứng. Khi khủng hoảng xảy ra nghĩa là mọi việc diễn tiến theo chiều hướng xấu đến mức không kiểm soát được, những biện pháp thông thường chỉ làm cho khủng hoảng thêm gia tăng. Tôi xin có ý kiến ở góc độ an sinh từ người dân và từ doanh nghiệp. 

Từ phía người dân: Phải giữ cho được sức khỏe của tầng lớp lớn nhân dân, không để họ đói và kiệt quệ về kinh tế, không để họ suy kiệt về tinh thần, trầm cảm. Khi kiệt quệ kinh tế, sa sút tinh thần, người dân họ sẽ không có sức khỏe và tâm trí cho việc chống dịch, thiệt hại càng lớn hơn. 

Khi chính quyền ra quyết định giãn cách thì nên ước lượng hệ quả của chính sách này. Phải đảm bảo an sinh thực tế (không phải trên giấy tờ), nghĩa là ước lượng cung - cầu thật sự. Khi giãn cách nghĩa là cắt giảm nguồn cung thì nhu cầu này sẽ bị cắt giảm bao nhiêu, diễn ra trong bao lâu? 

Không nên tự động “gia hạn giãn cách” như gia hạn thuê bao một số loại dịch vụ viễn thông. Vì “giãn cách” gắn liền với an sinh, sức khỏe, niềm tin, tâm lý… Trong mọi hoàn cảnh, không được làm đứt gãy nguồn cung ứng hàng hóa quan trọng cũng như vận tải hàng hóa. 

Từ phía doanh nghiệp: Phải giữ cho được “sức khỏe” của nền kinh tế hàng hóa, không để suy kiệt. Sức khỏe của nền kinh tế hình thành từ công ăn việc làm của từng doanh nghiệp. Cứ mỗi công việc được tạo ra là một gia đình được nuôi sống, một sản phẩm được sản xuất là lợi ích mang đến cho tất cả thành phần của chuỗi cung ứng và cuối cùng đến người dân. 

Hơn 2 tháng qua, cả chuỗi cung ứng này bị gãy ở khâu lưu thông phân phối! Chưa bao giờ khái niệm Chuỗi cung ứng bị đứt gãy lại rõ ràng như thời gian qua: Có hàng hóa ở nơi sản xuất, có nhu cầu ở nơi tiêu thụ mà lại không thể vận chuyển đến nơi cần. 

Hậu quả đã thấy: Doanh nghiệp không thể sản xuất vì tiếp tục sản xuất mà lưu thông phân phối trong khi chi phí để có “3 tại chỗ” quá lớn thì sản xuất để làm gì? Doanh nghiệp không sản xuất, công nhân thất nghiệp, ở nhà, bệnh tật vây bủa thì kiệt quệ là không thể tránh khỏi. 

Điều cuối cùng tôi muốn chia sẻ, tôi không lo về chủ trương, về ý định tốt của chính sách, tôi chỉ ngại, đôi khi thực thi, với cách nhìn lo sợ trách nhiệm, sợ bị qui chụp là lơ là trong chống dịch mà có lúc này lúc khác, nơi này nơi kia không thực sự vì dân! 

Về phía người dân, ở góc độ khác, hãy tự đặt mình vào hoàn cảnh của những cán bộ chấp hành như quận, huyện, phường, xã mà thông cảm với bao áp lực đang đè nặng lên vai của cán bộ. Có thông tin rõ ràng, xuyên suốt, minh bạch, chỉ có thái độ cầu thị, cảm thông từ cả nhiều phía, chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua đại dịch này. 

Hồ Thanh Phong (Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TP.HCM)

Kế sách trọng dụng nhân tài để phục hồi, bứt phá thời 'bình thường mới’

Kế sách trọng dụng nhân tài để phục hồi, bứt phá thời 'bình thường mới’

Đất nước đang bước vào “thời bình thường mới” với mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Hai đầu tàu là TP.HCM và Hà Nội cùng nhiều tỉnh, thành đang rục rịch mở trở lại. Làm thế nào để phục hồi, bứt phá?