Sáng nay, chuyến bay thứ hai đưa người Việt Nam và gia đình sơ tán từ Ukraine sang Warsaw (Ba Lan) về nước đã hạ cánh an toàn tại sân bay Nội Bài.
Trên chuyến bay QH 9066 có 300 công dân, trong đó có 48 người cao tuổi, 18 trẻ em dưới 2 tuổi, 2 phụ nữ mang thai và nhiều người có vấn đề về sức khỏe.
Tay nâng niu ôm bó hoa hồng, mắt hướng về khu vực lấy hành lý, bà Lê Thị Hà ngóng chờ đón người bạn già tâm giao, còn những thân thuộc trong gia đình của bà chưa về được.
Trong cuộc trò chuyện với VietNamNet, đôi lần bà nấc nghẹn khi kể về cả gia đình không may gặp phải chiến tranh loạn lạc.
Sinh sống ở Ukraine đã 35 năm, gắn bó như quê hương thứ hai, bà Hà cùng chồng đã gây dựng được cơ ngơi ổn định. Thời kỳ Liên Xô cũ, bà cùng người bạn là công nhân lao động sang làm việc cho nước bạn từ những năm 1987, lập gia đình, sinh con cái, sau này khi Liên Xô không còn, gia đình bà trở thành người định cư ở Kharkov (Ukraine).
Cùng với bạn mình, hai gia đình sống trong một chung cư nhỏ ở thành phố Kharkov, trong khi chồng và con bà đều may mắn sang lánh nạn ở Đức, còn người bạn bà do sức khỏe yếu, có bệnh nền nên được ưu tiên về nước.
Bà Lê Thị Hà chờ đợi người bạn thân tại sân bay. |
Trước Tết, do gia đình ở quê Việt Nam có việc nên bà Hà về trước, còn chồng cùng hai người con bà ở lại. Bà dự định đến ngày 29/3 sẽ trở lại Ukraine, nhưng chiến tranh khiến gia đình ly tán.
Kharkov và thủ đô Kiev là hai khu vực giao tranh ác liệt nhất. “Nhà tôi ở chung cư tầng 8 bị bắn thủng tường, khu chợ thì bị cháy rụi, coi như trắng tay, ba bố con may mắn thoát được xuống tầng 1 - nhà của bà bạn tôi, rồi trú ẩn trong hầm metro nhiều ngày nên thoát nạn”, bà Hà kể.
Những ngày chiến sự, vợ chồng bà vẫn giữ liên lạc với nhau qua điện thoại, nhưng khi thấy chiến sự kéo dài, gia đình quyết định sơ tán sang Đức nhờ vả người thân.
Bao nhiêu ngày trời mất ăn mất ngủ, bà lo nghĩ cho sự an toàn của chồng con, khi có lần chồng kể tên lửa bay ngang qua nhà, rồi bom rơi, đạn nổ rất gần.
Bà Lê Thị Hà cùng người bạn thân thiết cũng là hàng xóm bên Ukraine, gia đình hai người thân như ruột thịt, họ bật khóc nức nở khi gặp lại nhau. |
“Tối ngày 28/2 đến rạng sáng 1/3 chồng và con tôi bắt đầu di chuyển, đi 5 ngày đêm qua Ba Lan mới sang đến Đức. Do đều là người lớn nên ban ngày không đi tàu hỏa được, phải nhường cho trẻ em phụ nữ, tối mới đến lượt. Khi nghe tin chồng con và bạn tôi thoát ra khỏi Ukraine, tới Ba Lan, tôi cảm giác được sống rồi. Nửa đêm chồng gọi điện về báo, tôi reo lên vì vui sướng”, bà Hà tâm sự.
Câu chuyện bất ngờ dừng lại khi bà Hà nhận ra một người đồng hương khác cũng sống ở Kharkov, về trên chuyến bay lần này, hai người ôm trầm lấy nhau như người thân thuộc.
Bà cho biết thêm, giờ đây hai con của bà đã xung phong làm tình nguyện viên, hỗ trợ phiên dịch cho người tị nạn từ Ukraine sang Đức. Còn chồng bà thì tìm kiếm việc làm thêm.
“Tôi rất muốn gia đình mình về nước đông đủ nhưng điều kiện chưa cho phép, may mắn khi tôi về được gia đình nội ngoại, địa phương giúp đỡ; giờ chỉ mong Ukraine sớm bình yên trở lại”, bà Hà cho biết.
Cất công bắt xe từ Thanh Hóa ra Hà Nội trước một ngày, bà Hà tranh thủ dậy sớm ra sân bay từ lúc trời chưa hửng sáng.
Đeo ba lô trên vai, một tay xách túi quần áo, một tay dắt theo cậu con trai nhỏ rời khỏi máy bay, chị Nguyễn Thị Yến (Hưng Yên) vẫn chưa thể tin sáng nay hai mẹ con có thể được đứng trên mảnh đất quê nhà.
Nhiều năm định cư tại Ukraine chị cũng như nhiều người khác không thể ngờ lại có chiến sự có thể nổ ra, bao nhiêu tài sản tích lũy đành để lại. Đặt chân về đến Việt Nam, trong lòng chị Yến lại ngổn ngang chưa biết tương lai thế nào.
Chị Nguyễn Thị Yến cùng con trai. |
Bần thần mở chiếc balo cũ, chị mang ra một bọc tiền được gói ghém rất kỹ rồi nói: "Mọi việc gấp gáp quá nên tôi chỉ kịp cầm vội theo ít UAH (Đơn vị tiền tệ Ukraine) về. Toàn bộ chỉ có thế".
Ngày thứ 4 kể từ khi tình hình bên Ukraine tuy căng thẳng nhưng bà con ở đây vẫn đi chợ, đến ngày thứ năm thì sáng ra bom đạn ầm ầm trên bầu trời khiến mọi người không ai còn nghĩ đến làm gì nữa. Người trong làng di tản gần hết, chỉ còn vài người ở lại gìn giữ gia sản họ dành cả cuộc đời họ gắn bó.
Theo chị Yến, ngày 3/3, hai mẹ con chị bắt đầu di chuyển từ Kharkov hướng sang Ba Lan. Ban đầu, cả đoàn đi bằng tàu hỏa, sau đó chuyển sang thuê taxi. Mất tổng cộng 5 ngày thì mới sang được Warsaw. Ngày đặt chân qua biên giới, trời xuất hiện mưa tuyết rất lớn, nhiệt độ giảm sâu xuống âm 8 độ C, nhưng chị và con vẫn phải gắng gượng, kiên nhẫn bước đi từng bước trong đoàn người xếp hàng sang Ba Lan.
Chút tiền mà chị Yến kịp lấy trước khi lánh nạn. |
"Nhiệt độ quá thấp khiến chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Lúc này dù rất mệt nhưng ai cũng nghĩ đến mạng sống nên phải cố gắng đứng giữa trời mưa tuyết. Chúng tôi sau đó may mắn được các bạn người Ba Lan đã hỗ trợ cho lều bạt để chống lại cái lạnh, nếu không trẻ con khó thể sống nổi với thời tiết khắc nghiệt như vậy", chị Yến nhớ lại.
Cậu con trai nhỏ của chị Yến hiếu động chạy nhảy khắp sảnh đón khi lần đầu nhìn thấy những thứ mới lạ ở sân bay, cháu vẫn chưa hiểu được sự khắc nghiệt của chiến sự, nhìn con chị mong ngày Ukraine sớm yên bình trở lại.
Bà Phạm Thị Thanh Vang (87 tuổi, mẹ của Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Hồng Thạch) cũng là hành khách trong chuyến bay lần này. Khi chiến tranh xảy ra, bà Vang cùng bà con Việt kiều được sơ tán khỏi vùng chiến sự ở Ukraine. Trước khi đi, Đại sứ Thạch có nhắn bà cứ yên tâm đi cùng bà con. Còn Đại sứ ở lại Ukraine những ngày này để lo công việc được Đảng, Nhà nước giao phó.
Theo thông tin từ các cơ quan đại diện Việt Nam ở các nước, đến sáng 10/3 còn gần 600 công dân tại Rumani và khoảng 400 công dân tại Ba Lan có đăng ký nguyện vọng về nước.
Tính đến 16h ngày 9/3, các cơ quan đại diện đã đón gần 4000 người Việt đã sơ tán khỏi vùng chiến sự tại Ukraine, trong đó hơn 2400 người tại Ba Lan; khoảng 830 người tại Rumani; 560 người tại Hungary; hơn 100 người tại Slovakia.
Trần Thường - Phạm Hải