- “Ở đâu cũng nói tới chuyện công ty mẹ, công ty con chuyển giá nhưng để xác định được là rất khó vì việc chuyển giá được thực hiện trong một hệ thống khép kín”, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhận định.

Làm việc với Bộ Tài chính ngày 26/8, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cho biết trong số 5 nhiệm vụ mà Bộ Tài chính được giao nhưng chưa hoàn thành, thì có việc soạn thảo, xây dựng Nghị định về chống chuyển giá, trốn thuế đã quá hạn gần 2 tháng (Chính phủ giao cuối tháng 4, thời hạn xử lý vào 30/6).

Đại diện Tổng cục thuế (Bộ Tài chính) cho hay: Nghị định này đúng là được Chính phủ giao Bộ Tài chính trình Chính phủ trước 30/6/2016. Sau đó, do sự phức tạp của vấn đề nên Bộ Tài chính đã đề nghị và được điều chỉnh việc trình Chính phủ Nghị định này vào tháng 11/2016.

Chia sẻ với khó khăn của Bộ Tài chính trong việc soạn thảo nghị định quan trọng này, một thành viên của Văn phòng Chính phủ so sánh: “Ở Mỹ, các luật sư để xác định một trường hợp chuyển giá phải nghiên cứu, theo dõi tới 7 năm trời. Trong khi, để xây dựng, soạn thảo Nghị định về chống chuyển giá, trốn thuế, thời gian giao cho Bộ Tài chính là rất ngắn nên cũng cần thận trọng và rà soát kỹ.

{keywords}

Nói về vấn đề này, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thừa nhận thực tế: “Đây là vấn đề cực kỳ phức tạp và nan giải. Ở đâu cũng nói tới chuyện công ty mẹ, công ty con chuyển giá nhưng để xác định được là rất khó vì việc chuyển giá được thực hiện trong một hệ thống khép kín. Để xác định giá trong nước, giá nước ngoài như thế nào là việc không hề đơn giản”,

Kể lại câu chuyện từ thời ông còn làm lãnh đạo tỉnh Hà Nam, ông Mai Tiến Dũng cho biết: Tôi từng vấp 1 trường hợp vào năm 2010. Khi đó, một công ty của Nhật báo lỗ nhưng lại mở rộng sản xuất, tuyển thêm công nhân. Khi bên dưới báo vấn đề lên, tôi yêu cầu mời giám đốc công ty Nhật đó lên.

“Tôi nói rất tình cảm nhưng cũng rất “rắn”. Rằng, hiện nay người dân gửi đơn lên tôi nói là ông sử dụng rất nhiều lao động, mở rộng nhà máy nhưng báo lỗ. Hiện người ta dành mười mấy ha đất cho ông làm nhà máy, hy vọng ông đầu tư đóng góp vào ngân sách để họ được lợi. Người ta thất vọng, đang đề nghị chuyển công ty ông đi để họ lấy lại đất trồng trọt nuôi gia đình”, ông Mai Tiến Dũng nhắc lại.

“Thế là sang năm công ty ấy không lỗ đồng nào”, ông Mai Tiến Dũng kể, “Rất khó để nói người ta chuyển giá”.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết: Hiện nay chống chuyển giá đang nằm ở Thông tư 66. Việc đưa các quy định tại thông tư 66 lên nghị định là một yêu cầu của pháp luật, không thể lùi sau tháng 11.

Vừa rồi, Việt Nam đã tham gia Diễn đàn chống chuyển giá, xói mòn thuế của G20, là những căn cứ để thực hiện chống chuyển giá thuận lợi hơn trên thực tế.

Ông Tuấn cũng cho biết, nếu đầu vào của các DN FDI nhập từ các nước G7 thì hoàn toàn yên tâm trong việc phối hợp chống chuyển giá. Thế nhưng các DN nhập khẩu từ G7 ít quá, chỉ 10% thiết bị nhập từ thị trường này. Còn lại đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc thì không bao giờ họ xác định cho ta được số liệu.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, việc xây dựng Nghị định về chống chuyển giá, trốn thuế là cần thiết nhưng không đơn giản vì liên quan nhiều công đoạn trong một quy trình, từ cấp phép đầu tư (liên quan đến ngành đầu tư) cho đến quản lý hải quan, thuế.

Ông Đinh Tiến Dũng cũng chia sẻ những câu chuyện liên quan đến việc Bộ Tài chính phải khó khăn như thế nào để thu được tiền của một DN FDI có dấu hiệu chuyển giá, phải đấu tranh gay gắt và đề nghị người đứng đầu hàng chục tỉnh thành phối hợp.

Lương Bằng