Một làn sóng đầu tư mới có thể bắt đầu từ chính bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid 19. Tuy nhiên, cơ hội này cũng đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi Việt Nam cần có những đổi mới về chính sách cũng như cơ chế để thu hút và giữ chân các nhà đầu tư. Trong đó, cần có các chính sách và cơ chế quản lý giao dịch liên kết phù hợp với các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế.

Hoàn thiện chính sách

Đến nay, vấn đề giao dịch liên kết và chuyển giá đã được đề cập trong các văn bản pháp luật được ban hành từ cuối thập niên 90 của thế kỷ trước về quản lý thuế của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như Thông tư số 74/TC/TCT ngày 20/10/1997 hướng dẫn về thuế đối với nhà đầu tư nước ngoài, Thông tư 89/1999/TT-BTC hướng dẫn thực hiện quy định về thuế đối với các hình thức đầu tư theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam,...

Trong 20 năm qua, các văn bản này liên tục được sửa đổi, cập nhật và thay thế. Tuy nhiên, chỉ đến khi Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết (NĐ) và Thông tư 41/2017/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 20 được ban hành vào năm 2017, vấn đề về giao dịch liên kết mới được nhìn nhận và điều chỉnh một cách toàn diện.

Nghị định 20 được coi là một bước tiến trong việc quản lý các giao dịch liên kết, được ra đời trong bối cảnh của chương trình cải cách và sửa đổi các quy định thuế, đồng thời, tham chiếu đến các chương trình hành động chống xói mòn cơ sở thuế, chuyển lợi nhuận ra nước ngoài của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, Nghị định cần tiếp tục hoàn thiện để phù hợp và có tính khả thi cao hơn.

{keywords}
Việt Nam cần có những đổi mới về chính sách cũng như cơ chế để thu hút và giữ chân các nhà đầu tư.

Ngày 24/6 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 68/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP và trong thời gian tới sẽ ban hành một nghị định sửa đổi toàn diện Nghị định 20.

Trên thực tế, các quy định hiện nay vẫn còn gây nhiều tranh cãi khi chưa có khái niệm rõ ràng về “chuyển giá”; thiếu các quy định cụ thể để xác định các trường hợp giao dịch liên kết hay chuyển giá, cơ chế xử lý các giao dịch liên kết chưa thực sự phù hợp và hiệu quả.

Chính vì những hạn chế này mà việc xác định các giao dịch liên kết và chuyển giá cũng như những kết luận thanh tra, kiểm tra về các giao dịch này còn gây ra nhiều tranh cãi và quan ngại với nhà đầu tư.

Phát biểu tại Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển” do UBND Thành phố Hà Nội mới đây, bà Virginia B.Foote, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) đã chia sẻ: “Các hạn chế đầu tư nước ngoài, khung pháp lý hạn chế và luật pháp được thi hành không đồng đều, các thủ tục hành chính gây khó khăn nên được xem xét và nới lỏng có chọn lọc để khuyến khích đầu tư nước ngoài và hỗ trợ phục hồi kinh tế. Có lẽ điều quan trọng nhất là ban hành các thủ tục kiểm toán và thuế công bằng và nhất quán. Các thành viên của chúng tôi thường xuyên cảm thấy rằng còn nhiều điểm thiếu nhất quán và gây tranh cãi trong hệ thống thuế và kiểm toán”.

Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, các giao dịch liên kết và xuyên quốc gia sẽ ngày càng nhiều hơn. Vì thế, cần hoàn thiện các quy định này 1 cách đầy đủ và phù hợp với thực tế Việt Nam và thông lệ quốc tế cũng là 1 điểm thuận lợi cho thu hút đầu tư.

Kiểm soát giao dịch liên kết hiệu quả

Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế - tài chính cấp cao Học viện Tài chính cho biết: “Trước hết cần phải có một ngân hàng giá để từ đó có được giá khác nhau của các sản phẩm trong các ngành khác nhau để có được sự giám sát tốt khi các doanh nghiệp kê khai giá không đúng và yêu cầu kê khai lại hay kê khai theo giá thị trường. Thứ hai, là phải có các chuyên gia có hiểu biết sâu sắc về chuyển giá và các hệ thống dữ liệu để chúng ta có thể tra cứu. Ngoài ra, chúng ta phải áp dụng APA (thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế) để từ đó có sự thống nhất về giá với những mặt hàng mà Việt Nam chưa có hoặc với những giao dịch liên kết để giảm thiểu hoạt động chuyển giá".

{keywords}
Chúng ta cần kiểm soát để đảm bảo giảm bớt hành vi lách thuế bằng cách hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật.

Để kiểm soát chuyển giá hiệu quả, chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho rằng: “Trước hết, chúng ta cần kiểm soát để đảm bảo giảm bớt hành vi lách thuế bằng cách hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật. Thứ hai là tăng cường năng lực của các cán bộ làm công tác thuế để đánh giá được hành vi nào là hành vi sai trái. Thứ ba là củng cố hệ thống công nghệ thông tin để khâu quản lý được công khai minh bạch hơn.”

Đánh giá cao các quy đinh về thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) theo nguyên tắc cơ bản về “giá thị trường” của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD), nhiều chuyên gia cho rằng, những sửa đổi và hoàn thiện hành lang pháp lý cho vấn đề giao dịch liên kết và chuyển giá ở Việt Nam cũng cần được thực hiện theo hướng phù hợp với các thông lệ quốc tế, tạo cơ sở thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, thu hút làn sóng FDI nhưng vẫn kiểm soát tốt các giao dịch liên kết, chống chuyển giá để trốn thuế gây ảnh hưởng ngân sách.

Và trước hết các chính sách đó cần rõ ràng, ổn định kết hợp với một cơ chế thực thi minh bạch dựa trên pháp luật nhà nước và thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp cũng như thông lệ quốc tế.

Minh Nam