- Anh trai tôi mất được 5 năm, nay chị dâu tôi muốn đi bước nữa và được gia đình tôi ủng hộ. Tuy nhiên chị lại đòi bố mẹ tôi phải chia tài sản của hai vợ chồng chị bao gồm: giấy tờ nhà đứng tên bố mẹ tôi (nhà do ông bà mua cho), xe ô tô đứng tên anh trai tôi. 

Bố mẹ tôi nói sẽ cho chị xe ô tô và một số tiền không nhỏ vì nhà đó muốn giữ lại cho cháu tôi (tức con của anh chị), nhưng chị dâu tôi nhất định không đồng ý, thậm chí còn dọa nếu không chia nhà thì sẽ không bao giờ cho cháu gặp lại ông bà nữa.

Xin hỏi luật sư chị ấy có quyền đòi chia ngôi nhà đứng tên bố mẹ chồng không? Nếu chị ấy không cho con gặp ông bà thì gia đình tôi có thể kiện đòi quyền nuôi cháu không? Cháu năm nay 12 tuổi thưa luật sư.

{keywords}
Ảnh minh họa


Thứ nhất: Về việc chia tài sản:

Do anh trai bạn mất không để lại di chúc nên di sản thừa kể sẽ được chia theo pháp luật cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất . Theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm: “vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết…”. Trong trường hợp này di sản anh trai bạn để lại sẽ được chia đều cho bố mẹ bạn, vợ, con đẻ của người chết. Những người được thừa kế có thể tự thỏa thuận về việc chia di sản, nếu không thỏa thuận được thì có thể khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết.

Theo Điều 66 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc giải quyết tài sản của vợ chồng trong trường hợp một bên chết:

“1. Khi một bên vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì bên còn sống quản lý tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp trong di chúc có chỉ định người khác quản lý di sản hoặc những người thừa kế thỏa thuận cử người khác quản lý di sản.

2. Khi có yêu cầu về chia di sản, tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản. Phần tài sản của vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế…”.

Như vậy, theo quy định trên, trong trường hợp này tài sản chung của vợ chồng anh trai bạn sẽ được chia đôi, một nửa khối tài sản chung sẽ được xác định là tài sản riêng của người vợ có toàn quyền định đoạt phần tài sản này. Bên cạnh đó, một nửa khối tài sản chung thuộc về anh trai bạn sẽ được xác định là di sản thừa kế mà bố bạn để lại và cũng được chia theo pháp luật cho các đồng thừa kế.

Theo như bạn trình bày thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất do bố mẹ bạn đứng tên thì theo quy định tại khoản 1 Điều 167 Luật Đất đai 2013 thì người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định. Bố mẹ bạn có quyền định đoạt và không phải là di sản thừa kế.

Thứ hai: Về việc giành quyền nuôi cháu:

Căn cứ Điều 71 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định Nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng như sau:

“1. Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

2. Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.”

Như vậy, trong trường hợp này cha mất thì người mẹ có quyền và nghĩa vụ đương nhiên chăm sóc, nuôi dưỡng con trừ trường hợp người mẹ thuộc trường hợp bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên theo quy định tại điều Điều 85 Luật hôn nhân gia đình 2014 về hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên:

“1. Cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên trong các trường hợp sau đây:

a) Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;

b) Phá tán tài sản của con;

c) Có lối sống đồi trụy;

d) Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

2. Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, Tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 86 của Luật này ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ 01 năm đến 05 năm. Tòa án có thể xem xét việc rút ngắn thời hạn này.”

Như vậy, nếu người mẹ không thuộc trường hợp bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên thì ông, bà chỉ được quyền nuôi dưỡng cháu khi người mẹ đồng ý.

Việc thăm nom của ông bà là quyền và nghĩa vụ theo Luật hôn nhân và gia đình nên người mẹ không có quyền ngăn cản.

Luật sư Phạm Thị  Bích Hảo, Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc