Luật sư tư vấn:
Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, hiện nay pháp luật cho phép vợ, chồng được phép ly hôn theo yêu cầu của một bên. Theo đó, căn cứ theo quy định tại điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 về ly hôn theo yêu cầu của một bên được thực hiện trong những trường hợp sau:
Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên
1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.
Theo Khoản 3 Điều 192 BLTTDS năm 2015 đương sự có quyền nộp đơn khởi kiện lại trong những trường hợp sau đây
3. Đương sự có quyền nộp đơn khởi kiện lại trong các trường hợp sau đây:
a) Người khởi kiện đã có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự;
b) Yêu cầu ly hôn, yêu cầu thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại, yêu cầu thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người quản lý di sản, thay đổi người giám hộ hoặc vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà trước đó Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu mà theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại;
c) Đã có đủ điều kiện khởi kiện;"
Đối chiếu quy định trên, bạn vẫn được quyền nộp đơn khởi kiện lại lần 2 vụ án ly hôn khi rút đơn ly hôn và vụ án ly hôn đã bị đình chỉ.
Về thủ tục ly hôn đơn phương, trong trường hợp của bạn, để giành lại quyền nuôi con và cho các cháu đi học, bạn cần làm thủ tục đơn phương ly hôn như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ ly hôn đơn phương, bao gồm:
- Đơn xin ly hôn đơn phương ;
- Đăng ký kết hôn (bản chính);
- Bản sao có chứng thực Căn cước công dân của vợ và chồng;
- Giấy xác nhận nơi cư trú của vợ/chồng
- Bản sao chứng thực giấy khai sinh của con nếu có con chung;
Để giành quyền nuôi con bạn cần có các tài liệu chứng minh chồng của bạn không đủ các điều kiện để nuôi con như: điều kiện về vật chất, điều kiện về tinh thần, đặc biệt cần nhấn mạnh việc chồng bạn không cho các con đi học sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của trẻ em.
Bước 2: Nộp đơn ly hôn đơn phương
Theo quy định tại Điều 39 BLTTDS năm 2015 khi yêu cầu ly hôn đơn phương, người có yêu cầu phải nộp đơn đến Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc.
Đồng thời, tại khoản 1 Điều 35 BLTTDS, những tranh chấp về hôn nhân và gia đình sẽ do Tòa án nhân dân cấp huyện giải quyết theo thủ tục sơ thẩm.
Thạc sỹ - Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc