"Là người đầu tư và quan sát lâu năm về xu hướng dịch chuyển của các thị trường tài chính và chính sách tiền tệ, tôi tin cả vàng và Bitcoin đều có thể đóng những vai trò quan trọng trong việc lưu trữ, nhất là ở một thế giới đang gặp nhiều bất ổn về kinh tế và chính trị", nhà đầu tư Edmund C. Moy viết trên Marketwatch.
Tuy nhiên, ông Moy khẳng định Bitcoin sẽ không thể thay thế vàng đối với các nhà đầu tư muốn tìm kiếm một tài sản an toàn về lâu dài.
Vị chuyên gia thừa nhận rằng những người ủng hộ Bitcoin có lý lẽ riêng. Giá Bitcoin đã lập kỷ lục trên 40.500 USD/đồng hồi đầu tháng 1. Ngay cả sau những đợt điều chỉnh mới đây, đồng tiền này vẫn chưa mất mốc 30.000 USD/đồng.
Bitcoin cũng nhận được sự ủng hộ của các tổ chức đầu tư nổi tiếng, bao gồm nhà quản lý tiền tệ lớn nhất thế giới BlackRock.
Vàng và Bitcoin đều đóng vai trò là tài sản "trú ẩn" an toàn. Ảnh: Reuters. |
"Đảo trú ẩn"
Bitcoin chắc chắn là một tài sản hợp pháp và có tiềm năng trở thành “kho dự trữ giá trị” thực sự, tức được lưu trữ và trao đổi mà không bị giảm giá trị.
Tuy nhiên, vàng đã có lịch sử ít nhất 2.500 năm, được chấp nhận và sử dụng như một phương tiện trao đổi trên toàn cầu. So với Bitcoin, thị trường vàng có bề sâu và thanh khoản lớn. Tổng lượng vàng vật chất mà các nhà đầu tư và ngân hàng trung ương nắm giữ lên đến khoảng 3.700 tỷ USD, gấp 7 lần giá trị vốn hóa thị trường của Bitcoin.
Theo ông Moy, cả vàng và Bitcoin đều có tính thanh khoản cao trên thị trường. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch trung bình hàng ngày của vàng trong năm 2020 là 125,3 tỷ USD, gấp 30 lần Bitcoin (khoảng 4,1 tỷ USD).
"Tôi sở hữu vàng để phòng vệ ảnh hưởng của lạm phát, cũng như một tài sản 'trú ẩn' an toàn nhằm bù các khoản lỗ trong danh mục đầu tư. Trong khi đó, vai trò của Bitcoin chỉ là đầu cơ", ông Edmund C. Moy tiết lộ.
Biến động của giá vàng và Bitcoin trong năm qua. |
"Tôi bắt đầu quan tâm và muốn tìm hiểu về tiền mã hóa khi còn là giám đốc của US Mint. Và cách tốt nhất là trải nghiệm. Kể từ khi rời khỏi cơ quan chính phủ, tôi đã trở thành nhà đầu tư Bitcoin", ông Moy nói thêm.
Ông Moy mô tả vàng và Bitcon là "hòn đảo an toàn" trong "đại dương hỗn loạn tài chính". Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh về những điểm tương đồng và khác biệt giữa chúng.
Trong cả hai trường hợp, giá trị của vàng và Bitcoin được hỗ trợ bởi tính khan hiếm. Vàng bị hạn chế bởi nguồn cung vật chất và khó khai thác. Trong khi đó, Bitcoin được giới hạn ở mức 21 triệu đơn vị do mã nguồn.
Do đó, vàng và Bitcoin có thể giữ nguyên giá trị và được hưởng lợi khi nền kinh tế suy thoái. Tuy nhiên, với vai trò "kho lưu trữ giá trị", vàng đã có một kỷ lục chưa từng có trong dài hạn. Hơn 50 năm qua, vàng giữ giá trong thời kỳ lạm phát thấp và tăng mạnh khi lạm phát cao.
Trong khi đó, Bitcoin tồn tại từ năm 2009 và phải đến gần đây, thị trường mới trở nên sôi động. Do đó, còn quá sớm để khẳng định giá trị của Bitcoin sẽ tăng lên như thế nào theo thời gian.
Bitcoin khó thay thế vàng
Bitcoin và vàng cũng không giống nhau. Đầu tiên, Bitcoin rất dễ bay hơi. So với mức cao hồi 8/1, đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới đã giảm giá trị hơn 20%. Để so sánh, giá vàng chỉ mất 3%. Kim loại quý thu hút nhà đầu tư nhờ biến động ít.
Đà tăng của Bitcoin trong năm qua phần lớn được thúc đẩy bởi bộ phận nhà đầu tư mới. Nguyên nhân là một trường pháp lý trở nên minh bạch hơn. Nhiều nhà đầu tư tổ chức tham gia mua bán Bitcoin, bao gồm các công ty cổ phần tư nhân, quỹ đầu tư, quỹ hưu trí và công ty bảo hiểm.
Tuy nhiên, khi làn sóng mua ban đầu của các quỹ này chấm dứt, đà tăng của Bitcoin có thể không còn bền vững.
Một lợi thế khác của vàng là có thể giao hàng thực tế. Trong khi đó, tiền mã hóa chỉ tồn tại trên sổ cái điện tử. "Chúng ta đã từng nghe về một nhà đầu tư người Anh vô tình vứt ổ cứng chứa gần 300 triệu USD Bitcoin. Thật khó để tưởng tượng việc vứt nhầm ngần đó thỏi vàng", ông Moy viết.
Thêm vào đó, dù kỳ vọng rằng Bitcoin sẽ được sử dụng cho các giao dịch “hàng ngày”, mức độ chấp nhận rộng rãi đó vẫn chưa xảy ra.
Bitcoin có nhiều khả năng được sử dụng như tiền ở những quốc gia ít tin tưởng vào đồng tiền do chính phủ phát hành.
Tuy nhiên, sẽ mất nhiều thời gian hơn để Bitcoin được chấp nhận rộng rãi như một loại tiền ở các nền kinh tế tin tưởng vào đồng tiền pháp định như Mỹ, Nhật Bản và châu Âu.
Theo ông Moy, tuy Bitcoin không thể thay thế vàng, cả hai đều có ý nghĩa trong danh mục đầu tư. Những bất ổn kinh tế do đại dịch Covid-19, chính sách lãi suất thấp của các ngân hàng trung ương và sự biến động của thị trường cổ phiếu giúp thúc đẩy những tài sản như vàng và Bitcoin. Bởi chúng không bị ràng buộc bởi các biến động kinh tế và chính sách của chính phủ.
"Là một nhà đầu tư, tại sao tôi phải lựa chọn giữa hai? Tôi nghĩ việc sở hữu cả hai sẽ có lợi", ông Moy khẳng định.
(Theo Zing)