- Thời điểm, phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1, lớp 6 đang loay hoay trong việc chọn trường cho con, với nỗi băn khoăn “trường nào tốt nhất”.

Trường công lập có thể chia ra nhóm có thương hiệu và nhóm “nghe nói” có thương hiệu.

Những trường tư thục chất lượng cao đã có bề dày hoạt động cạnh tranh đầu vào gay gắt, trong khi một số trường mới chưa được khẳng định về thương hiệu. Những trường có yếu tố nước ngoài như trường quốc tế, trường song ngữ hoặc tư thục chất lượng cao đang có vấn đề là thu học phí rất đắt.

{keywords}
Ảnh minh họa (Văn Chung)

Dành thời gian tìm hiểu kỹ hơn về định hướng của nhà trường thay vì chạy theo xu hướng, lựa chọn môi trường phù hợp, định hướng rõ rệt với sự phát triển của các em nhỏ... là góp ý của các chuyên gia giáo dục

Không chọn trường theo sự “nghe đồn”

Theo thạc sĩ giáo dục Phạm Thị Cúc Hà, hiệu trưởng hệ thống trường mầm non Just Kids, phụ huynh nên nhìn nhận lại về các khóa học chuẩn bị hành trang cho trẻ vào lớp 1. “Chúng ta hay nghĩ “chuẩn bị” xong là có thể “ném” trẻ vào môi trường mới. Tuy nhiên, “hành trang” không quan trọng bằng “sức chịu đựng””.

Hai kỹ năng đặc biệt quan trọng đối với trẻ khi từ mầm non lên lớp một, theo bà Cúc Hà, là kỹ năng vệ sinh và kỹ năng tự phục vụ. “Các con phải đảm bảo tự giữ được vệ sinh và phục vụ bản thân mình khi không có các cô giáo giám sát giúp đỡ như ở mầm non. Những kỹ năng này cần đặc biệt lưu ý khi con học ở trường đông học sinh”.

Tuy nhiên, theo bà Cúc Hà, kỹ năng quan trọng nhất để trẻ chịu dựng được ở môi trường mới là cách suy nghĩ và giải quyết vấn đề. “Điều này hay bị bỏ quên, mặc dù thực hiện đơn giản thôi. Ví dụ khi con cầm cốc nước và kêu nước nóng quá, thông thường mẹ sẽ bảo để mẹ đổ thêm nước nguội vào cho. Như vậy là lấy đi mất khả năng giải quyết vấn đề của trẻ. Thay vì giải quyết hộ trẻ, hãy tạo cho bản thân mình thói quen hỏi lại, như “Ý con là gì?”, “Con nghĩ như thế nào?”… để con tự xoay xở vấn đề”.

Nhưng có chuẩn bị mấy cũng không đủ, mà cần chọn cho trẻ một môi trường phù hợp.

Th.S Hoàng Tùng, giám đốc điều hành trường tiểu học song ngữ Brendon, đưa ra lời khuyên: “Phụ huynh nên tạm quên chuyện chạy trường mà hãy đến những đơn vị giáo dục phù hợp về địa lý, chất lượng giáo dục, phù hợp về tài chính, bởi nuôi con là chặng đường dài. Phụ huynh cần tránh tự tạo sức ép cho nhau bằng cách theo phong trào, trường thương hiệu yếu hơn không phải là nỗi lo sợ”.

Còn với bà Cúc Hà, sự phù hợp còn liên quan tới tính cách, đặc điểm của trẻ: “Một đứa trẻ quá nghịch ngợm, tăng động, không nên cho vào trường công vì với một lớp học quá đông học sinh, cô sẽ “ghét” do không xử lý được. Trẻ sẽ trở nên cá biệt trong môi trường đó. Trong khi đó, cũng trong nhà trường công lập, một đứa trẻ ngoan sẽ dễ dàng trở thành một học sinh ưu tú. Một ví dụ dễ thấy là nếu như ở các cấp học dưới có thể trẻ ở trường công, tư đều có kết quả học tập sàn sàn như nhau, nhưng lên đến các cấp học cao hơn, ở các kỳ thi quốc tế, những em đạt kết quả xuất sắc nhất bao giờ cũng là học sinh trường công lập, và thường là các em chăm, ngoan từ nhỏ”.

Thế nào là môi trường phù hợp?

Sự phù hợp mà ở đây còn liên quan tới tài chính.

“Một gia đình không có tích lũy, đầu tư quá nhiều cho việc học của con là mạo hiểm. Khi quá sức về tài chính, sẽ đến lúc bố mẹ phải cắt giảm đầu tư, con bị chuyển xuống môi trường giáo dục có chất lượng kém hơn. Tôi không lo ngại khả năng thích nghi của trẻ, nhưng thay đổi định hướng giáo dục (chẳng hạn từ môi trường đa dạng, chú trọng vui chơi và tinh thần, sang môi trường chỉ biết điểm số) luôn tạo ra ảnh hưởng không tốt, thậm chí hạn chế rất nhiều đến sự phát triển lâu dài của trẻ” – ông Hoàng Tùng phân tích.

Theo TS Nguyễn Việt Hùng (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), “không có mô hình không tốt, chỉ có phù hợp ở mức độ nào”.

Ông Việt Hùng đưa ra ví dụ một trường hợp xảy ra tại một trường tiểu học ở Hà Nội. Với đề bài: “Hãy mô tả loài hoa mà con yêu thích nhất”, một học sinh đã viết như thế này: “Con xin lỗi cô con không làm bài văn này. Vì con không thực sự yêu quý loài hoa nào. Cô vẫn thường nói nếu chúng ta không yêu thích việc gì thì chúng ta sẽ làm không tốt”.

“Có hai khả năng xảy ra khi giáo viên nhận bài viết này. Khả năng thứ nhất là giáo viên có thể cho điểm 1, và phụ huynh cần chia sẻ với giáo viên nếu họ làm điều này” – ông Hùng nhận xét. “Thế nhưng, đáng mừng là đã xảy ra khả năng thứ hai, khi không có điểm 1 nào, mà giáo viên đã giải thích cho trẻ dựa trên triết lý giáo dục mà ngôi trường này theo đuổi: “Mỗi học sinh là một cá tính độc lập, tự chủ, sáng tạo, cần được tôn trọng. Tuy nhiên, học tập cũng là nghĩa vụ và có những nhiệm vụ cần được hoàn thành”.

Vì vậy, để chọn đúng trường, “Bạn cần đến tận trường để cảm nhận chính xác về không gian giáo dục ấy, đừng đổ xô vào trường điểm chỉ vì nghe đồn” – ông Hoàng Tùng gợi ý.

Chuẩn bị tâm thế cho con vào lớp đầu cấp, tức là các phụ huynh cũng phải xác định cho và bản thân mình việc dành thời gian học cùng con, khi theo bà Cúc Hà “Con tôi vào lớp 6 tôi còn thấy nặng nề hơn khi con vào lớp 1”.

Phụ huynh rất hay than thở không có thời gian ngồi cùng học với con vì bận quá nhiều việc. “Nhưng…” - ông Việt Hùng đưa ra phép so sánh – “nếu như đọc 1.000 trang sách với tốc độ trung bình sẽ mất khoảng 1.000 phút, quãng thời gian này = 8 trận bóng đá = 16 tập phim = 5 trận tennis = vài lần đi spa. Bớt thời gian dành cho thú vui riêng của mình, bạn sẽ có thời gian đồng hành với con, khi con chập chững bước vào môi trường mới”.

Ngân Anh