Giữa vô vàn lựa chọn như vậy, biết được một số mẹo sẽ giúp việc chọn smartphone Android bớt khó khăn và tiết kiệm thời gian hơn rất nhiều. Đây là 4 bước không thể bỏ qua khi mua smartphone mà bạn nên tham khảo.

Bước 1: Thu hẹp phạm vi lựa chọn

Đầu tiên, hãy rút gọn danh sách lựa chọn của bạn từ vài chục chiếc xuống vài chiếc. Dễ lắm, chỉ cần bám sát theo phân khúc giá tiền, loại đi những sản phẩm đắt hơn. Nếu đang có 8 triệu trong tay, hãy quên đi những thiết bị cao cấp mới ra như Galaxy S10, OnePlus 7 Pro...

Tiếp theo là chọn ra những nhu cầu thực sự cần thiết, phải có và những tính năng không có cũng được. Nếu không có điều kiện chọn những mẫu đắt tiền, bước này cực kỳ quan trọng. Nếu thường xuyên đi du lịch, chắc chắn thiết bị ấy phải có camera tốt và pin "trâu". Còn nếu thích xem phim, hãy chọn những mẫu có màn hình lớn, đẹp, độ phân giải cao và nhiều tiêu chuẩn như HDR10,...

Một số nhu cầu khác có thể liên quan đến jack 3.5mm, camera selfie pop-up hay loa kép mặt trước. Hãy lập danh sách những tính năng cần thiết, bắt đầu với thứ quan trọng nhất.

Cũng đừng quên suy nghĩ kỹ xem mình sẽ dùng nó để làm gì và thực sự cần cái gì. Một trong những sai lầm lớn nhất của nhiều người đó là phí tiền cho một chiếc điện thoại với nhiều tính năng không dùng tới. Nếu chỉ gọi điện ngày 2, 3 lần, gửi vài ba tin nhắn, lướt Facebook lúc rảnh thì một thiết bị cao cấp thực sự rất lãng phí. Tất nhiên chúng vẫn có thể phục vụ tốt, nhưng không đến mức phải mua sản phẩm quá cao cấp như vậy.

Khi đã chắc chắn tầm giá và những tính năng cần thiết, hãy bắt đầu tìm những thiết bị phù hợp trên mạng.

Lấy ví dụ cho 2 nhu cầu khác nhau. Nếu có khoảng 8 triệu và cần camera đẹp, trải nghiệm phần mềm mượt mà nhưng không cần cấu hình quá mạnh, hãy chọn Google Pixel 3a. Tuy nhiên nếu cần cấu hình mạnh để chơi game, có thể mở rộng bộ nhớ nhưng không cần camera hay phần mềm ổn định, Pocophone F1 với chip Snapdragon 845 sẽ phù hợp với bạn.

Theo Android Authority, trong đa số trường hợp bạn sẽ lựa được khoảng 5 đến 10 thiết bị phù hợp với nhu cầu. Đến bước tiếp theo, chúng ta sẽ loại bỏ tiếp.

Bước 2: Đọc review

Để rút ngắn bớt danh sách từ bước 1, cách tốt nhất là tham khảo bài đánh giá của từng thiết bị trên VnReview, YouTube hoặc bất cứ nguồn thông tin đáng tin cậy trên mạng. Khi có được ưu và nhược điểm, bạn sẽ dễ dàng loại bớt những sản phẩm không còn phù hợp.

Ví dụ, bạn có thể muốn chọn LG G8 ThinQ thay vì Galaxy S10 bởi tính năng mở khóa bằng tĩnh mạch, chụp màn hình hoặc mở ứng dụng bằng cử chỉ tay mà không cần chạm vào màn hình. Tuy nhiên, hầu hết đánh giá đều khẳng định chúng khá chậm và không chính xác, chỉ để "làm màu" là chính.

Hoặc, bạn sẽ muốn mua Mi 8 Pro của Xiaomi bởi nó có cảm biến vân tay trong màn hình, tính năng mà không nhiều đối thủ trong tầm giá có được, dù vậy nếu đọc review, bạn sẽ thấy đa số nói rằng cảm biến này chỉ hoạt động chính xác cỡ 40% mà thôi.

Do đó, việc đọc các bài đánh giá trên mạng về chiếc smartphone sắp mua là rất quan trọng. Đừng bị mờ mắt bởi những lời quảng cáo từ nhà sản xuất.

Bước 3: Ra cửa hàng trải nghiệm thực tế

Hãy ra cửa hàng điện thoại gần nhất để trải nghiệm thực tế 3-5 chiếc còn sót lại trong danh sách. Bạn sẽ muốn kiểm tra xem điện thoại khi cầm trên tay như thế nào do ảnh trên mạng hoặc quảng cáo thường khá "lừa tình". Cầm trên tay cũng giúp bạn xem thiết kế máy có chắc chắn không, sự khác biệt giữa chất liệu (kính, kim loại, nhựa)...

Kích thước khi cầm cũng rất quan trọng. Càng lớn xem phim càng đã, nhưng cũng rất khó cầm bằng một tay và bỏ vào túi quần. Bạn phải tiếp tục đánh đổi chứ không thể hoàn hảo hết được.

Ngoài ra, cũng nên bật nguồn, mở vài ứng dụng xem phản hồi có tốt không, chụp thử vài tấm ảnh, tải thử các app cần xài... Trải nghiệm thử khoảng vài phút xem bạn có gặp vấn đề gì khó khăn hay không.

Cầm rồi xài thử là cách tốt nhất để quyết định lựa chọn cuối cùng bởi đó chính là cảm giác của bạn trong 1 đến 2 năm tới.

Bước 4: Tìm chỗ bán rẻ hơn, chọn thời điểm mua

Khi đã có được smartphone ưng ý, đừng vội mua ngay mà hãy tìm xem có cửa hàng nào bán mẫu giống hệt nhưng giá rẻ hơn không.

Ngoài ra, lựa chọn thời điểm mua cũng khá quan trọng. Nếu chọn được một mẫu mới ra mắt, thời điểm mua tốt nhất là khi đang trong thời gian đặt trước bởi sẽ có nhiều quà tặng kèm theo, nhiều cửa hàng còn có chính sách trừ thẳng vào giá nếu không lấy quà tặng. Đừng bao giờ mua máy ngay khi mới bán ra vì đó là thời điểm giá bán cao nhất. Với một số mẫu máy, nhiều cửa hàng đã giảm giá chỉ vài tuần sau khi bán.

Nếu muốn mua một chiếc smartphone ra đời hơi lâu, hãy tìm xem khi nào bản nâng cấp sẽ ra mắt bởi chắc chắn đời mới ra thì đời cũ phải giảm giá.

Một số mẹo khác khi chọn điện thoại Android mới

Ngoài những bước trên, có một số mẹo khác mà bạn nên biết. Thứ nhất, đừng ngại chọn một sản phẩm đến từ nhà sản xuất mà bạn chưa biết đến nhiều hoặc chưa từng sử dụng. Không biết đến hay không nổi tiếng không có nghĩa là hãng đó làm máy dở. Đọc review và tin tức là cách đánh giá tốt nhất. Nhiều hãng nổi tiếng còn làm máy lỗi nữa mà.

Ngoài ra, không phải lúc nào chọn mẫu mới nhất cũng tốt. Nhiều sản phẩm ra mắt được 1, 2 năm nhưng vẫn có thể đáp ứng tốt nhu cầu của bạn nhưng giá thì rẻ hơn nhiều. Đôi lúc bản nâng cấp chỉ thay đổi chút xíu, do đó chọn máy đời cũ có khi lại hợp lý hơn.

Ngoài những sản phẩm mới, lựa chọn hàng tân trang hoặc máy cũ đã qua sử dụng cũng có thể cân nhắc, nhưng hãy nhớ kiểm tra máy thật kỹ.

Đừng quên phần mềm. Nếu muốn có được Android mới sớm nhất, chỉ có Google Pixel hoặc những máy Android One là hợp mà thôi. OnePlus thì tạm ổn, còn lại thì phải chờ khá lâu.