Bộ GTVT vừa có công văn hỏa tốc thông báo kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Nhật tại cuộc họp về trạm thu phí T2 quốc lộ (QL) 91 (BOT T2 Cần Thơ), thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL91 đoạn Km14+000 đến Km50+889 theo hình thức hợp đồng BOT.

{keywords}
Trạm BOT T2 Cần Thơ

Theo đó, hôm 30/10, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đã chủ trì cuộc họp về trạm BOT T2. Dự họp có Phó Chủ tịch UBND An Giang Lê Văn Nưng, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ Lê Tiến Dũng, đại diện Bộ Tài Chính, KH&ĐT, UBND Đồng Tháp…

Sau khi nghe ý kiến của nhà đầu tư và các đơn vị, địa phương liên quan, Thứ trưởng Nguyễn Nhật kết luận: hiện nay Bộ GTVT đang phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, địa phương và cơ quan liên quan đẩy mạnh hoàn thiện thủ tục pháp lý, triển khai dự án tuyến tránh Long Xuyên dự kiến hoàn thành vào năm 2022.

Sau khi tuyến tránh này đưa vào sử dụng thì các xe qua khu vực sẽ có sự lựa chọn, không phải qua trạm BOT T2.

{keywords}
Các tài xế phản ứng tại BOT T2 vào hồi tháng 5 và đề nghị phải dời trạm về đúng vị trí hoặc xe đi bao nhiêu mét thì trả bấy nhiêu tiền

Song, phương án này sẽ không lường trước được rủi ro vì phải phụ thuộc vào tiến độ hoàn thành dự án tuyến tránh Long Xuyên, do tới nay vẫn chưa khởi công, chưa hoàn thành thủ tục đầu tư; thời gian hoàn vốn của dự án sẽ bị kéo dài trên 30 năm, kế hoạch trả nợ tín dụng bị phá vỡ, ngân hàng không đồng thuận. Do vậy phương án này không khả thi.

Chính vì vậy, để xử lý dứt điểm bất cập, tại cuộc họp các cơ quan, đơn vị đã phân tích ưu, nhược điểm 5 phương án đề xuất xử lý bất cập tại trạm BOT T2 của Tổng cục ĐBVN, nhà đầu tư.

Từ đó, thống nhất phương án tối ưu là nghiên cứu phương án “không thu tiền dịch vụ sử dụng tại trạm T2 QL91 và vốn ngân sách hỗ trợ cho phần đầu tư QL91B (từ nguồn ngân sách TP Cần Thơ hoặc Trung ương)”.

Đồng thời, do QL91B thuộc nội đô của Cần Thơ nên đề nghị địa phương tiếp nhận để quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì…

Bộ GTVT đề nghị, để có cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án xử lý trạm thu phí BOT T2, BQLDA Thăng Long, nhà đầu tư khẩn trương hoàn thành công tác quyết toán toàn bộ dự án trong tháng 11/2019.

Giao Vụ Tài chính chủ trì quyết toán giá trị hoàn thành làm cơ sở xác định chi phí đầu tư dự án và xác định lại thời gian thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ dự án, đặc biệt là quyết toán đoạn QL91B, kịp thời báo cáo Bộ GTVT các vướng mắc nếu có để xử lý. 

Tổng cục BĐVN chủ trì, phối hợp với Nhà đầu tư khẩn trương rà soát kỹ lưỡng phương án được chọn.

Trên cơ sở giá trị quyết toán (nếu hạng mục nào chưa quyết toán thì tạm xác định theo giá trị trình quyết toán của Ban QLDA Thăng Long, nhà đầu tư) để tính toán chi phí đầu tư đoạn QL91B, phương án hỗ trợ nguồn vốn ngân sách cho phần đầu tư QL91B. Tính toán phương án tài chính, phân tích cụ thể ưu, nhược điểm và trình Bộ GTVT.

Rà soát, dự kiến tính toán phương án tài chính và phương án thực hiện trong trường hợp TP Cần Thơ tiếp nhận lại đoạn tuyến QL91B, báo cáo Bộ GTVT...

Công trình cải tạo, nâng cấp QL 91 nằm trên địa bàn Cần Thơ, gồm phân đoạn 1 là cải tạo, nâng cấp 28 km quốc lộ 91; phân đoạn 2 mở rộng, tăng cường nền, mặt đường 16 quốc lộ 91B. Kiểm toán Nhà nước xác định vốn đầu tư dự án là trên 1.651 tỷ đồng.

Trong đó, vốn chủ sở hữu hơn 277 tỷ đồng, vốn vay theo hợp đồng BOT trên 1.373 tỷ đồng. Để hoàn vốn, chủ đầu tư được đặt hai trạm thu phí, gồm T1 và T2 (đoạn giáp ranh với An Giang).

Trong đó, trạm T2 từ khi hoạt động đã bị chỉ ra sự bất hợp lý trong vị trí đặt trạm. Nhiều xe chỉ đi vài trăm mét nhưng bị thu phí toàn tuyến.

Đặc biệt, khi cầu Vàm Cống khánh thành hôm 19/5, khi các xe qua cầu sẽ "dính" trạm thu phí BOT. Trước sự phản ứng quyết liệt của các tài xế và chủ xe, ngày 25/5, trạm BOT T2 buộc phải dừng thu phí cho đến nay.

 

Tài xế phản ứng quyết liệt, BOT T2 Cần Thơ liên tục xả trạm

Tài xế phản ứng quyết liệt, BOT T2 Cần Thơ liên tục xả trạm

Các tài xế đồng loạt phản ứng quyết liệt tại BOT T2 Cần Thơ vì cho rằng trạm đặt sai vị trí để tận thu khiến giao thông ùn tắc, buộc phải xả trạm. 

Thiện Chí