image001.png
Một giờ học thực hành sử dụng thiết bị quay chụp của sinh viên Truyền thông đa phương tiện, trường Đại học Gia Định. Ảnh: Xuân Trường

Không “kén việc” như lời đồn!

Những năm gần đây, thí sinh và phụ huynh có xu hướng đổ xô lựa chọn khối ngành Kinh tế, Công nghệ vì cho rằng ngành hot, dễ tìm việc, hợp xu hướng. Tâm lý chọn nghề mang tính thực dụng hơn, với mong muốn đảm bảo công ăn việc làm sau khi ra trường.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia hướng nghiệp, suy nghĩ này chưa thực sự đúng đắn. 

TS. Mai Đức Toàn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Truyền thông, trường Đại học Gia Định (GDU) nhấn mạnh: “Mỗi ngành nghề đều có vị trí, vai trò riêng trong xã hội. Không có ngành hot, chỉ có… người hot. Đó là những nhân sự chất lượng, hội tụ đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết, đáp ứng nhu cầu công việc, luôn sẵn sàng đón nhận thử thách, liên tục học hỏi. Những người như vậy thì dù ở đâu, lĩnh vực nào cũng không lo thất nghiệp. Bởi tổ chức, doanh nghiệp nào cũng săn đón”. 

Cũng theo TS. Mai Đức Toàn, chỉ khi học ngành mình yêu thích, phù hợp năng lực bản thân, sinh viên mới phát triển toàn diện, có động lực gắn bó lâu dài và sớm xây dựng lộ trình thăng tiến trong nghề nghiệp.

image003.jpg
TS. Mai Đức Toàn tư vấn hướng nghiệp cho học sinh trường THPT Cần Giuộc (Long An). Ảnh: Xuân Trường

Trên thực tế, không ít sinh viên theo học các ngành được coi là hot, giữa chừng bỏ ngang hoặc ra trường làm trái ngành. Ngược lại, nhiều ngành khối Khoa học xã hội, vốn bị định kiến khó tìm việc lại luôn trong tình trạng “khát” nhân lực, thậm chí chưa ra trường đã được doanh nghiệp “trải thảm” mời gọi. 

TS. Nguyễn Mai Phương, Phó Trưởng khoa Truyền thông số, GDU cho rằng những lo ngại về việc làm khi học nhóm ngành Khoa học xã hội là không chính xác. Bà Phương dẫn chứng như ngành Truyền thông đa phương tiện, Quan hệ công chúng hiện thu hút nhiều người học và cơ hội việc làm rộng mở.

“Hơn 90% sinh viên tốt nghiệp ngành này tại trường Đại học Gia Định ra trường có việc làm sau 1 năm. Phần lớn công việc chuyên môn bám sát chuyên ngành đào tạo. Nhiều em trở thành nhân viên chính thức tại doanh nghiệp khi vẫn còn đang học”, bà Phương nói.

image005.jpg
Sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện giao lưu cùng nhiếp ảnh gia Lê Hoàng Mến. Ảnh: Xuân Trường

Một ngành học khác thuộc khối Khoa học xã hội cũng giàu tiềm năng, đó là Luật. Mọi lĩnh vực trong xã hội từ kinh tế, văn hóa đến dịch vụ, giải trí đều ít nhiều liên quan đến pháp luật. Bởi vậy, nhu cầu nhân lực ngành này rất lớn. 

“Học Luật ra, không chỉ làm luật sư. Sau khi tốt nghiệp ngành Luật, sinh viên được trang bị đầy đủ kiến thức để công tác tại nhiều vị trí như: thẩm phán, kiểm sát viên, thư ký toà án,… Rộng hơn, sinh viên có thể làm việc trong lĩnh vực pháp chế doanh nghiệp, trở thành một chuyên viên pháp lý, cố vấn pháp lý tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Hoặc, nếu giỏi chuyên môn, có niềm yêu thích và khả năng sư phạm, sinh viên có thể trở thành giáo viên, giảng viên tại các cơ sở giáo dục”, ThS.LS Trịnh Hữu Chung - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Gia Định cho hay. 

image007.jpg
Sinh viên ngành Luật tổ chức phiên tòa giả định. Ảnh: Quốc Lê

Chất lượng con người là yếu tố quyết định

Trước quan niệm các ngành khối Xã hội khó kiếm lương cao, ông Nguyễn Tuấn Phương, giám đốc một agency tại TP.HCM tiết lộ, mức lương dành cho sinh viên mới ra trường mảng truyền thông dao động ở mức 10 triệu đồng, có thể tăng sau 2-3 năm kinh nghiệm. Vị trí trưởng phòng quan hệ công chúng, truyền thông của doanh nghiệp có mức lương từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng/tháng.

Cử nhân Luật làm việc tại văn phòng công chứng, chuyên viên pháp lý… thu nhập khởi điểm từ 8 - 10 triệu đồng. Nếu giỏi ngoại ngữ, làm pháp chế tại các tập đoàn đa quốc gia, công ty nước ngoài, thu nhập hơn gấp nhiều lần.   

“Dù ở khối ngành nào, con người cũng là yếu tố quyết định. Chính vì thế, GDU hướng đến mục tiêu đào tạo sinh viên chắc kiến thức, vững chuyên môn, tác phong chuyên nghiệp. Chất lượng đầu ra của sinh viên ngày một tăng, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, nhận phản hồi tích cực từ nhà tuyển dụng và giúp các em có được mức thu nhập cao tương xứng với giá trị mình đóng góp”, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định Trịnh Hữu Chung khẳng định.

Sinh viên khối Khoa học Xã hội tại GDU được chú trọng học tập thông qua trải nghiệm, thực hành. Sinh viên đi thực tập, kiến tập ngay từ năm nhất; gặp gỡ các diễn giả, chuyên gia trong ngành, lãnh đạo doanh nghiệp; được tiếp cận với thị trường lao động từ sớm; liên tục tham gia các workshop, seminar để nâng cao kỹ năng và sinh hoạt CLB phong trào sôi nổi. 

image009.jpg
Sinh viên khoa Truyền thông số tham quan trường quay SCJ TV Shopping. Ảnh: Kiên Nguyễn

Sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện, Quan hệ công chúng thường xuyên quay phim, chụp ảnh, viết tin bài, tổ chức sự kiện, họp báo, tham quan phim trường, tòa soạn,… Sinh viên Luật thực hành tại văn phòng, công ty Luật, bộ phận tư vấn pháp lý của doanh nghiệp. Song song đó, sinh viên còn được hướng dẫn, tổ chức phiên tòa giả định - nơi các em trực tiếp điều hành một phiên xét xử, hiểu hơn về nghề và cọ xát thực tế.

Năm 2024, trường Đại học Gia Định xét tuyển đại học chính quy 49 ngành/chuyên ngành theo 3 phương thức, trong đó dành 60% chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy đối với phương thức xét kết quả học bạ THPT, điểm xét tuyển từ 16,5 điểm. 

Thí sinh đăng ký xét tuyển trực tuyến tại: https://xettuyen.giadinh.edu.vn 

Ngọc Minh