Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết, hiện cả nước mới có 40.000 - 50.000 phòng khách sạn cao cấp, con số rất nhỏ so với 18 triệu khách nước ngoài trong một năm (đến 2020 dự kiến đạt 25 triệu khách). Về tương lai, nhiều địa phương tại Việt Nam, trong đó có những địa bàn truyền thống như Đà Nẵng, Nha Trang... đều có tiềm năng phát triển mạnh mẽ về du lịch văn hoá, khám phá, nghỉ dưỡng... Từ đó kéo theo nhu cầu lớn về cơ sở lưu trú.

Bản thân ông Đính cũng nhận định, codotel là mô hình tốt, rất thịnh hành trên thế giới và đã khẳng định ưu thế nổi trội tại thị trường Việt Nam thời gian qua.

Gia tăng nhu cầu bất động sản nghỉ dưỡng

Trong khi đó, bà Trần Thị Thu Hiền, Giám đốc CTCP đầu tư phân phối DTJ cũng nhận định, nếu nhìn vào con số thì hiện nay lượng khách du lịch Việt Nam đã vượt chỉ tiêu đề ra cho năm 2020, đưa Việt Nam đứng trong top 6 nước có tăng trưởng du lịch cao. Từ 2014 đến nay, nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng đã được hình thành khắp cả nước nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu lưu trú của du khách.

“Yếu tố thu hút du khách tới Việt Nam, ngoài vẻ đẹp thiên nhiên còn là kết nối hạ tầng giao thông, bao gồm đường hàng không, đường bộ, đường thuỷ... ngày càng hoàn thiện; Chính sách thị thực thông thoáng; sự phát triển mạnh mẽ về công nghệ thông tin (thúc đẩy nhu cầu du lịch nhiều hơn do dễ dàng đặt vé, đặt phòng)... Từ đó làm gia tăng nhu cầu BĐS nghỉ dưỡng.

Mặc dù gần đây, từ việc một vài chủ đầu tư phá vỡ cam kết lợi nhuận, nhiều người lo ngại thị trường BĐS nghỉ dưỡng sẽ đổ vỡ, nhưng theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS, đó chỉ là vài trường hợp cá biệt, do tính toán chưa kỹ dòng tiền, định giá mức lợi nhuận cho nhà đầu tư thiếu cơ sở, cao gần gấp đôi lãi suất huy động của ngân hàng. Việc này không ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường vì nhu cầu BĐS nghỉ dưỡng vẫn đang rất lớn, theo thống kê của Hội Môi giới BĐS, trong quý 3 vừa qua, nguồn cung giảm mạnh nhưng lượng giao dịch bất động sản nghỉ dưỡng lại tăng cao.

Đầu tư dài hạn và “chọn mặt gửi vàng”

Cũng nói về hiện trạng trên, ông Nguyễn Chí Thanh, TGĐ công ty TNHH Cao ốc quốc tế Hồ Tây phân tích: “Với lợi nhuận 12% trên giá bán mà chủ đầu tư tính cho khách hàng, thực chất là họ phải trả từ 15-25% trên giá thành đầu tư. Khó kinh doanh nào đạt mức lợi nhuận cao như vậy nên đổ vỡ là tất yếu”.

“Trong lĩnh vực đầu tư khách sạn, dự án có cực kỳ hấp dẫn, hoạt động hiệu quả thì cũng mất 5-7 năm mới thu hồi được vốn, chưa nói đến có lãi. Vì vậy, phải xác định, bất động sản nghỉ dưỡng là phân khúc dành cho người giàu, bởi đầu tư vào đây là chẳng khác nào đổi tiền chẵn ra tiền lẻ, thu về dần dần chứ không thể 8-10 năm sau vừa thu hồi vốn, vừa được sở hữu nhà, lại có thêm nguồn tiền...”, ông Thanh nói.

Trong khi đó, bà Trần Thị Mỹ Lộc, phụ trách mảng BĐS nghỉ dưỡng của Vingroup cho rằng, cam kết lợi nhuận không có lỗi mà vấn đề chủ đầu tư cam kết ở mức nào. Nếu chủ đầu tư phải thuê đơn vị vận hành, thì mức cam kết ở mức 4- 6%/năm là hợp lý còn chủ đầu tư tự vận hành tốt thì vẫn có thể trả mức lợi nhuận 10%/năm. Ví như một số dự án condotel do Vingroup xây dựng cách đây 5 năm, vẫn duy trì chi trả cam kết lợi nhuận 10% cho 3.000 khách hàng trong 3 năm qua theo đúng cam kết với số tiền lên tới gần 3000 tỷ đồng. 

{keywords}
Condotel vẫn đang là một kênh đầu tư hấp dẫn tại Việt Nam nếu nhà đầu tư đặt niềm tin đúng chỗ.

Đồng quan điểm với ông Thanh, Bà Lộc cũng khẳng định, câu chuyện đầu tư condotel không giống như nhiều loại hình bất động sản khác có thể lướt sóng. Nếu nhà đầu tư vay ngân hàng để mua sẽ tiềm ẩn rủi ro cao. Vấn đề nữa là phải chọn dự án có vị trí hấp dẫn du khách, có hạ tầng xung quanh đồng bộ, đặc biệt là được phát triển bởi doanh nghiệp uy tín và do đơn vị quản lý thương hiệu vận hành.

Dưới góc độ một đơn vị quản lý BĐS quốc tế, ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam cũng đánh giá, xét một cách khách quan, condotel vẫn là một sản phẩm có nhiều tiềm năng tại Việt Nam và có chỗ đứng trong thị trường đầu tư BĐS. Nhưng cũng như ở những quốc gia khác trên thế giới, condotel được xếp hạng thấp hơn căn hộ hay là ngôi nhà thứ 2 thực thụ. Các chủ đầu tư lớn, vững mạnh và ổn định với bảng cân đối kế toán mạnh vẫn có thể hoàn thành cam kết lợi nhuận của mình.

Còn ông Trương Anh Tú, GĐ khối Kinh doanh tiếp thị và dịch vụ khách hàng tập đoàn Phúc Khang chia sẻ, tôi nhận thấy phải có trên 50% người mua nhà là dựa trên uy tín của chủ đầu tư. Bên cạnh đó, sức mua dựa trên nhu cầu thật cũng rất lớn. Với những giải pháp hiện tại, nguồn cung mới trong thời gian tới sẽ ổn định và từ 2020 trở về sau thị trường sẽ diễn biến tích cực, phát triển bền vững hơn.

Nam Huyền