- Tôi muốn cho một phần diện tích đất (40m2) trong thửa đất 800m2 thổ cư của gia đình tôi đang sinh sống cho một người bạn. Gọi là bạn bè nhưng anh ấy hơn tôi hơn 20 tuổi. Chúng tôi chơi với nhau cũng chỉ 6 năm nay thôi.
Tôi và bạn chơi rất hợp với nhau. Anh ấy đang không có nhà, phải sống cảnh nhà thuê. Đất nhà tôi lại nhiều, tôi muốn cho anh ấy một chút để làm nhà ổn định cuộc sống. Ở địa phương tôi thì số đất nhỏ như vậy không tách thửa được. Vậy tôi phải làm như thế nào để có thể cho anh ấy một cách hợp pháp. Theo tôi biết thì chỉ có cha mẹ con cái người thân mới tặng cho nhau. Tôi có một căn nhà nữa vậy khi cho tặng tôi có phải đóng thuế không? Cám ơn luật sư.
Ảnh minh họa |
Dựa trên thông tin bạn cung cấp, chúng tôi tư vấn như sau:
Việc tặng cho đất với người ngoài gia đình, họ tộc đều được pháp luật cho phép nhưng phải thỏa mãn các điều kiện luật định thì mới thực hiện được. Điều kiện cơ bản là người tặng cho phải có chủ quyền, loại đất tặng cho phải là đất có thể chuyển giao chủ quyền được và người nhận đủ điều kiện nhận tặng cho. Cụ thể như sau:
Thứ nhất: Bạn và gia đình hoàn toàn có thể tự định đoạt, thực hiện các quyền của người sử dụng đất, trong đó có quyền tặng cho được quy định tại Điều 167 Luật đất đai 2013 khi có GCN QSDĐ hoặc các giấy tờ đủ điều kiện để cấp GCN theo Luật đất đai.
Đây là đất của gia đình nên cần phải xác định những người nào trong gia đình là đồng chủ sử dụng của mảnh đất. Khi đó, bạn chỉ có thể cho người bạn phần đất đó trong trường hợp tất cả những người chủ còn lại đồng thuận và ủy quyền cho anh thực hiện việc tặng cho theo khoản 2 Điều 212 BLDS và khoản 2 Điều 64 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (SĐ, BS bởi Nghị định 01/2017/NĐ-CP).
Cũng cần chú ý rằng, việc tặng cho được thực hiện khi mảnh đất thỏa mãn các điều kiện tại Điều 188 Luật đất đai, cụ thể là: Đất không tranh chấp, quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án; đất đang còn thời hạn sử dụng đất và các điều kiện quy định tại Điều 192 Luật đất đai.
Thứ hai: Vì ở địa phương bạn, diện tích đó không đủ để tách thửa được nên bạn không thể thực hiện thủ tục tách thửa và xin cấp GCN mới cho 40m2 mà thực hiện thủ tục đứng tên đồng chủ quyền. Để người bạn cùng đứng tên trên sổ này, bạn chỉ có thể thực hiện thủ tục đăng ký biến động, thay đổi nội dung GCN QSDĐ ban đầu của gia đình theo điểm a khoản 4 Điều 95 Luật đất đai. Các công việc cần làm đó là:
- Lập hợp đồng tặng cho và thực hiện công chứng theo quy định tại khoản 1 Điều 459 BLDS và điểm a khoản 3 Điều 167 Luật đất đai.
- Nộp hồ sơ đăng ký biến động (các giấy tờ quy định tại khoản 6, Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 19 Thông tư 02/2015/TT-BTNMT) đến văn phòng đăng ký đất đai.
Tuy rằng việc đăng ký biến động chỉ làm thay đổi nội dung của GCN và người bạn không được cấp sổ mới, nhưng dựa vào nội dung thay đổi sau đăng ký biến động đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cập nhật, chỉnh lý, xác nhận nên người bạn của bạn đã có quyền sử dụng hợp pháp đối với diện tích được cho và tài sản gắn liền trên đất.
Thứ ba: Về nghĩa vụ thuế: Khi thực hiện việc tặng cho quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, vì bạn đã chuyển một phần quyền sử dụng đất của mình cho người khác. Đây là quan hệ làm phát sinh, thay đổi lợi ích thu nhập của một trong các bên và được quy định tại điểm c khoản 10 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC. Do đó, đây được xác định là trường hợp phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Theo pháp luật hiện hành, bên nào gia tăng lợi ích, thu nhập từ quan hệ này thì bên đó sẽ phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Và hai bên của quan hệ tặng cho này không hề có quan hệ huyết thống quy định tại Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân về các đối tượng được miễn thuế. Từ đấy kết luận rằng, bạn không phải đóng thuế, bạn của bạn được nhận đất mới phải đóng thuế.
Tư vấn bởi luật sư Nguyễn Thành Công - Giám đốc Công ty Đông Phương Luật, ĐLS TP.HCM
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc